Trần An Vi: Nỗi đau “Cãi mụ” làm... con gái
Văn hóa- Thể thao - Ngày đăng : 15:16, 06/03/2016
Đối với cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính, và chuyển giới), cô gái An Vi dễ thương, giàu nghị lực không còn là một cái tên xa lạ. Không chỉ là một người mẫu nổi tiếng trong giới của Js Band (một nhóm chuyển giới có tiếng ở Sài Gòn), An Vi còn là một trong những leader tham gia khóa học Vilead - nâng cao năng lưc lãnh đạo trong cộng đồng LGBT.
Trần An Vi, tên khai sinh Trần Anh Vũ, sinh năm 1992, quê Rạch Giá - Kiên Giang. Ba Vi làm bảo vệ tại một công ty ở quê Rạch Giá, Kiên Giang, còn mẹ làm ăn buôn bán nhỏ. Là một transgirl (chuyển giới nữ), cũng như tất cả những người sinh ra trong kiếp “thân sâu hồn bướm”, khát khao cháy bỏng của Vi là được sống đúng với giới tính thật của mình trong hình hài nhi nữ. Và phần thưởng dành cho người chiến thằng cuộc thi Thế giới thứ 3 Next Top Angel 2012 đã tiếp thêm động lực để cô có thể thực hiện ước mơ của mình.
Bạn bè thường kêu Vi là “Cô bé thợ may”. Đây cũng là công việc chính để cô có thể tự nuôi sống bản thân, giúp đỡ gia đình. Đặc biệt, đối với một transgirl đã phẫu thuật chuyển giới, nguồn thu nhập ổn định này rất quan trọng giúp Vi duy trì việc sử dụng hormone.
Nhân dịp Quốc tế Phụ nữ 8/3, PV Báo Công lý đã có dịp lắng nghe những chia sẻ, ước mơ, và cả những khát khao thầm kín của cô gái Trần An Vi.
Trần An Vi là một transgirl đã phẫu thuật chuyển giới. Ảnh: NVCC
PV: Sinh ra trong hình hài con trai, trong khi tâm hồn con gái, Vi có từng trách “bà mụ” nặn… nhầm?
Trần An Vi: Tại sao lại trách nhỉ? Là số phận… Từ khi còn rất nhỏ, Vi đã thích mặc đồ con gái rồi, hay lấy guốc của mẹ ra mang, đi cọc cạch nhìn mắc cười lắm.
Nhớ lại khi đó, bên nhà ngoại có tiệm đồ cưới, Vi hay lấy mấy cái lúp cô dâu (voan cài tóc) đội lên đầu rồi đứng trước gương ngắm nhìn. Có khi còn lấy mùng mền quấn lên người làm đầm. Vui lắm!
Mà hình như các bạn chuyển giới khác lúc nhỏ cũng hay làm vậy lắm đó. Nhỏ mà, có biết chi đâu. Chắc là làm theo bản năng thôi. (cười)
PV: Chuyện comeout của Vi thì sao? Nhiều khó khăn không?
Trần An Vi: Việc comeout đối với Vi không khó mấy. Chắc là vì ba mẹ đã ngờ ngợ điều đó từ khi Vi còn nhỏ rồi, nên khi Vi comeout thì cũng chẳng có chuyện la mắng hay đánh đập gì hết trơn à. Vi nghĩ, ba mẹ nào cũng thương con, miễn con mình vui và hạnh phúc thì ba mẹ cũng vậy.
Khi còn đi học, Vi chưa mặc đồ con gái đến lớp bao giờ nên cũng không có bị… phân biệt đối xử. Đến lúc mình bắt đầu mặc đồ con gái thì mọi người cũng bình thường, mấy người hàng xóm còn khen xinh nữa.
Chỉ có những người không biết Vi mới chọc ghẹo thôi. Nhưng mình không bận tâm lắm, im lặng cho qua. Thực ra, mình có chửi lại thì người ta lại càng chọc mình thôi. Im lặng trong trường hợp như mình đúng là… vàng nhỉ?
Trần Anh Vũ (tên khai sinh) và ba mẹ khi còn bé xíu. Ảnh: NVCC
Cậu bé Trần Anh Vũ với nụ cười duyên hiền lành. Ảnh: NVCC
Trần Anh Vũ (trái) và bạn khi còn là học sinh. Ảnh: NVCC
PV: Sinh ra trong hình hài con trai, ba mẹ ai cũng trông chờ, hi vọng, rồi còn tính cả chuyện duy trì nòi giống nữa. Vi có từng nghĩ đây sẽ là trở ngại lớn khiến Vi không thể phẫu thuật chuyển giới?
Trần An Vi: Thực lòng mà nói, trước khi phẫu thuật chuyển giới, Vi chưa hề nghĩ đến chuyện duy trì nòi giống đâu. Mình chỉ nghĩ rằng, cuộc sống này là của mình và mình phải có trách nhiệm với chính bản thân.
Bên nội nhà Vi còn có một người anh trai lớn đã cưới vợ và có con trai nối dõi trước khi Vi quyết định phẫu thuật cơ. Mà Vi thật sự rất may mắn khi được cả hai bên nội ngoại ủng hộ. Bởi vậy, Vi luôn cố gắng sống tốt đế mọi người không buồn lòng.
PV: Quyết định “cãi mụ” quả không dễ dàng phải không? Có những người cả đời sống trong hình hài một người đàn ông, trong vỏ bọc một gia đình có vợ, con đầy đủ. Với Vi thì sao? Trong quá trình tiêm hormone, rồi khi phẫu thuật chuyển giới, đã có lúc nào Vi “tặc lưỡi” rằng, hay là mình cứ chấp nhận sống cuộc đời như một người đàn ông?
Trần An Vi: Ai cũng có quyền quyết định cuộc đời và số phận của mình. Với người khác Vi không dám nhận xét hay nói gì cả. Hoàn cảnh mỗi người khác nhau, miễn sao bản thân thấy hài lòng và hạnh phúc là được.
Còn riêng Vi, Vi không chấp nhận sống suốt đời trong hình hài của một người đàn ông. Đời người chỉ có một lần, tại sao mình không dám sống đúng với con người thật của mình. Dù phải đánh đổi thì Vi cũng chấp nhận, miễn sao được là chính mình, được sống đúng là con người mình - một người con gái.
Góc nhỏ của Vi. Chiếc máy khâu vừa là người bạn thân, vừa là phương tiện kiếm sống và giúp Vi thực hiện ước mơ. Ảnh: NVCC
Ngoài công việc hàng ngày, Vi còn tham gia biểu diễn nên việc tập luyện không thể thiếu. Ảnh: NVCC
PV: Làm sao để những người chuyển giới, nhất là những transgirl như Vi, đối diện và để có thể SỐNG theo đúng nghĩa của nó?
Trần An Vi: Hoàn cảnh sống mỗi người khác nhau sẽ tạo nên những quyết định khác nhau. Riêng Vi thì chọn cách im lặng trước sự trêu chọc của người khác đối với mình. “Một điều nhịn, chín điều lành”. Đó là cách tốt nhất mà Vi hay áp dụng.
PV: Những ngày đặc biệt dành cho chị em như 8/3 với Vi sẽ như thế nào? Bạn có mong ngày đó đến không?
Trần An Vi: Đối với Vi, ngày 8/3 vẫn là một ngày bình thường vì hôm đó Vi vẫn phải làm việc. Nhưng Vi sẽ không quên gửi lời chúc đến người phụ nữ mà Vi yêu thương nhất, đó chính là mẹ của mình.
Món quà đầu tiên và đặc biệt nhất mà “một người con trai” tặng Vi, coi Vi là người con gái thực sự thì… đó chính là ba mình. Ngày 8/3 năm nào ba Vi cũng chúc mừng Vi hết. Với mình, đôi khi chỉ cần tình yêu của gia đình là mình cảm thấy hạnh phúc và có tất cả mọi thứ.
PV: Là một người hoạt động vì quyền của người LGBT, Vi có cho rằng, vấn đề kinh tế rất quan trọng để người LGBT có thể có tiếng nói trong xã hội? Bởi một thực tế là, người LGBT rất khó khăn khi tìm việc làm, bị nhiều sức ép, cám dỗ luôn rình rập…
Trần An Vi: Vi nghĩ kinh tế chỉ là một phần thôi. Nếu nói kinh tế “rất quan trọng để người LGBT có thể có tiếng nói trong xã hội” thì chưa đúng. Theo Vi, trên tất cả, chính sự đồng lòng cùng tạo nên tiếng nói chung của tất cả mọi người trong cộng đồng mới thật sự quan trọng. Đoàn kết là sức mạnh.
Còn vấn đề việc làm, thực sự tuy có khó khăn, nhưng không phải là không tìm được. Vi nghĩ, không làm việc này thì mình làm việc khác. Vi luôn tin “không có con đường nào là đường cùng”, chẳng qua là do mình có biết tìm đường để đi đúng hướng không thôi.
Xã hội hiện nay không còn quá khắt khe trong vấn đề giới tính nữa, nên các bạn LGBT cũng đừng quá e ngại, mà cần tự tin thể hiện năng lực của mình. Sự công nhận của nhà tuyển dụng đối với một người LGBT không chỉ có ý nghĩa đối với chính cá nhân đó, mà còn góp phần làm cho cái nhìn kỳ thị đối với cộng đồng được giảm bớt phần nào.
Mảnh mai, xinh đẹp và nữ tính. Ảnh: NVCC
Nụ cười hiền lành luôn thường trực trên môi. Ảnh: NVCC
PV: Chi phí cho phẫu thuật chuyển giới khá tốn kém. Vậy, ngoài phần thưởng trong cuộc thi model, bạn có nhận được “nguồn tài trợ” từ một ai đó?
Trần An Vi: Số tiền phẫu thuật do Vi làm nhiều năm tích góp mà có được, không phải một sớm một chiều.
Còn “nhà tài trợ” ư? Vi cũng có tham gia các mạng XH như facebook chẳng hạn, cũng có một số người vô rủ đi khách sạn này kia, rồi ra cho Vi một cái giá, nhưng thật sự Vi không thích mấy chuyện đó. Vi có công việc ổn định, cứ làm tốt công việc của mình cũng có tiền, tuy không nhiều nhưng đó là tiền do mình làm ra. Còn mấy chuyện “gạ tình” nọ kia, Vi nghĩ, đã không thích thì từ chối thẳng. Vậy thôi! (cười)
PV: Cuộc sống hiện nay của Vi ra sao?
Trần An Vi: Cuộc sống hiện tại của Vi cũng ổn định. Vi may đồ cho chị Jessica, cũng là một người chuyển giới. Chị Jes có một cửa hàng cho thuê trang phục ở Sài Gòn. Vi làm với chị đã được mấy năm rồi.
Thời gian rảnh, Vi có thể làm những việc mình thích. Hiện Vi đang tập nhảy Waacking cùng nhóm Fancy Crew vào các buổi tối trong tuần. Đây là một bộ môn xuất hiện từ thập niên 1970, khi nhạc Disco đang rất thịnh hành. Tập nhảy cũng là một cách xả stress rất tốt.
PV: Còn chuyện tình yêu?
Trần An Vi: Tình yêu hả? Trước giờ Vi có quen ai đâu. Toàn thương thầm người ta rồi tự làm khổ bàn thân mình không à. Có ai dám thương một người như Vi chứ. Nhiều khi nghĩ cũng buồn, nhưng riết rồi cũng quen.
Vi thương ai thì cũng lo cho người ta lắm, nhưng chỉ dám âm thầm quan tâm như một người bạn mà thôi. Chỉ cần nhìn thấy người đó mạnh khỏe, hạnh phúc và mình vui rồi. Yêu không nhất thiết phải cần đáp trả. Vi nghĩ đơn giản vậy đó.
PV: Nhưng vẫn hi vọng Vi sẽ tìm được một “bến đỗ” thực sự cho mình. Nếu duyên đến, hãy nắm nhé. Chúc bạn hạnh phúc!