Thay cán bộ kém tín nhiệm
Chính trị - Ngày đăng : 10:50, 13/04/2012
Một phiên họp của Quốc hội. (Ảnh minh họa. Nguồn: dangcongsan.vn)
Theo Đề án, có thể xem xét thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với tất cả các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Nếu đề xuất này được thông qua, trong bộ máy Nhà nước Viêt Nam, tất cả các chức danh sẽ đều được xem xét mức độ tín nhiệm.
Trước đó, trong Hội nghị cán bộ chủ chốt thành phố học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4 về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết 11-NQ/TƯ ngày 6-1-2012 của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020 và 9 chương trình công tác của BCH Đảng bộ thành phố khóa XV. Chủ trì hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định hội nghị lần này sẽ giúp cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của thành phố nhận thức đầy đủ, sâu sắc mục đích, ý nghĩa, nội dung của nghị quyết, nắm vững tư tưởng chỉ đạo, những công việc cần phải làm, trên cơ sở đó tạo sự thống nhất cao về ý chí, quyết tâm, nâng cao trách nhiệm, gương mẫu, tự giác thực hiện và chỉ đạo tổ chức thực hiện nghị quyết có hiệu quả.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, nhóm giải pháp đầu tiên và quan trọng là tự phê bình và phê bình phải được thực hiện theo đúng tinh thần của nghị quyết. Tiếp đó, cần tổ chức cán bộ quản lý kiểm điểm trước về những nhiệm vụ, chức trách được giao, thông qua đó để sàng lọc, đánh giá đội ngũ cán bộ, chuẩn bị quy hoạch cho nhiệm kỳ tiếp theo. Đáng chú ý, theo ông Nghị, cần đổi mới cách lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá, nhận xét cán bộ theo hướng mở rộng đối tượng tham gia; thực hiện luân chuyển; kê khai tài sản trung thực, công khai. Bên lề hội nghị, ông Phạm Quang Nghị cho biết: “Hằng năm, lấy phiếu tín nhiệm, nếu cán bộ nào không đáp ứng yêu cầu công việc thì cùng lắm sau 2 năm phải thay. Thậm chí 1 năm mà lấy phiếu tín nhiệm quá thấp, không làm được việc thì cũng có thể thay”.
Vậy là, trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, vấn đề năng lực và trách nhiệm cá nhân cán bộ, người đứng đầu lại được đặt ra rõ ràng, chặt chẽ hơn và có cơ sở pháp lý. Còn nhớ tại Quốc hội đã từng đặt ra việc bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn nhưng không thực hiện được vì thiếu quy định cụ thể. Báo chí đã từng đăng ý kiến của Thủ tướng, Bộ trưởng về việc xử lý kỷ luật, cách chức cán bộ thuộc cấp không hoàn thành nhiệm vụ như bỏ dân trong mưa bão, để tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông gia tăng trên địa bàn… Tuy nhiên chỉ có một vài cán bộ ngành giao thông bị thay thế, mấy quan xã bị cảnh cáo chứ làm gì có ai bị huyền chức, cách chức đâu! Xem ra việc thay thế cán bộ còn là khó.
Bảo Dân