Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột năm 2019: Đặc sắc lễ cúng bến nước và cúng sức khỏe cho voi
Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 13:51, 11/03/2019
Đây là chuỗi hoạt động nằm trong Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thư 7 năm 2019. Lễ cúng bến nước là một trong những phong tục tập quán lâu đời nhất của đồng bào Tây Nguyên nói chung và là một nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người M’Nông nói riêng. Từ xa xưa, người dân buôn làng đã dùng nguồn nước ở đầu nguồn các khe suối và các mạch nước ven sông để phục vụ nhu cầu sinh hoạt. từ đó, nguồn nước được chủ bến nước và người dân coi như sự sống không thể thiếu của buôn làng.
Làm lễ cúng thần linh
Lễ cúng bến nước là một việc làm rất có ý nghĩa để tạ ơn thần nước đã cho gia đình và người dân trong buôn làng có được nguồn nước sạch, tạ ơn thần linh phù hộ cho gia đình khỏe mạnh, không bị đau ốm bệnh tật. Mời gọi thần linh xuống đây cùng chung vui, ăn mừng với buôn làng. Cầu mong thần linh tiếp tục phù hộ cho chủ bến nước và cả buôn làng sau này được tốt hơn. Đồng thời, để đồng bào trong buôn cùng nhau chăm lo, làm vệ sinh bến nước; giữ nguồn nước được trong sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng.
Làm lễ cúng bến nước
Trong lễ cúng bến nước, thầy cúng sẽ là người chủ trì lễ cúng với lễ vật cúng là: rượu cần, heo quay, gà và các lễ vật khác. Tại lễ cúng, thầy cúng tiến hành nghi lễ cúng, nói lời tạ ơn với thần nước, thần suối, thần sông, hứa sẽ giữ gìn bến nước sạch sẽ, bảo vệ tốt nguồn nước. Tiếp đó, thầy cúng sẽ đọc lời khấn, cầu mong thần nước mang nước, nguồn sức sống quan trọng nhất đến cho buôn làng…
Lễ cúng bến nước là một loại hình sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc trưng của buôn làng. Đồng bào sẽ cõng nước từ bến nước về nhà để làm nghi lễ tạ ơn cúng tổ tiên và mời thần linh về chứng giám lễ tạ ơn thần nước, từ đó tạo niềm tin vào thế giới tâm linh, vào Giàng sẽ đưa điều tốt đẹp đến cho buôn làng. Đồng thời, tin rằng Giàng sẽ nghiêm trị những điềm xấu.
Thầy cúng làm lễ cúng sức khỏe cho voi
Cùng với lễ cúng bến nước thì voi là một biểu tượng bất biến trong tâm thức của người dân Tây Nguyên. Sức mạnh của voi là biểu tượng của sức mạnh đoàn kết cộng đồng, của gia đình với buôn làng. Voi gắn bó với con người, được săn bắt từ đại ngàn hùng vĩ bởi những Gru (dũng sĩ săn voi) dũng mãnh, được thuần dưỡng và nuôi như người bạn lớn trong mỗi gia đình Ê đê, M’nông, Jarai…
Gắn liền với cuộc đời mỗi con voi là lễ cúng sức khỏe cho voi. Trong sinh hoạt hàng ngày, voi là người bạn cũng là người thân trong gia đình, voi luôn giúp đỡ, thay thế con người gánh vác những phần việc nặng nhọc. Mặt khác, trong những ngày Hội, voi không chỉ là niềm tự hào của gia đình mà còn là niềm tự hào của cả cộng đồng, vì thế sức khỏe của voi rất quan trọng nên việc cúng sức khỏe cho voi rất được người dân coi trọng.
Các chàng trai, cô gái người đồng bào nhảy múa mừng lễ hội
Trong lễ cúng sức khỏe cho voi, thầy cúng được mời phải là người thầy cúng giỏi, có uy tín và am hiểu tập tục của buôn làng. Lễ cúng được coi là sang trọng và tươm tất khi gia chủ làm trâu ăn mừng, bình thường là heo, nếu không cũng phải là gà…tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của chủ voi. Các lễ vật bắt buộc đi kèm là rượu cần, gạo, nếp, sáp ong, chỉ sợi, vòng tay (bằng đồng) và một số lễ vật khác.
Rất đông người dân địa phương và du khách đến xem lễ hội
Bắt đầu lễ cúng, thầy cúng đọc lời khấn, mong Giàng cho voi nhiều sức khỏe để gánh vác công việc trong buôn làng. Sau lễ khấn, từng chú voi được các nài voi điều khiển tiến lại gần chủ lễ để chủ lễ đặt đầu heo, gạo, bôi tiết, tưới rượu lên đầu voi để cầu chúc cho voi luôn khỏe mạnh. Trong lễ cúng này 15 chú voi sẽ được thầy cúng sức khỏe.