MC Phan Anh trở lại miền Trung, dự kiến làm bể bơi di động cho học sinh vùng lũ
Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 14:17, 14/11/2016
Không giống với nhiều người chỉ tham gia hoạt động cứu trợ khẩn cấp, Phan Anh còn tính đường dài, giống như câu chuyện về "con cá - cần câu". Anh chia sẻ: "Tôi sẽ chọn cách hỗ trợ chuyên sâu cho bà con ngoài việc hỗ trợ khẩn cấp. Tôi sẽ đi khảo sát, lắng nghe ý kiến của bà con và sẽ quay trở lại với mọi người để có những chương trình khắc phục hậu quả sau lũ, giúp bà con có được những công trình tại địa phương.
Thực tâm tôi muốn hỗ trợ bà con, bằng cách nào đó để việc thiện nguyện sẽ không còn cần thiết với họ trong tương lai. Bà con sẽ luôn chăm lo được cuộc sống và chủ động đối phó với các tình huống xấu có thể xảy ra. Tôi mong muốn bà con có đủ tiềm lực tài chính để vượt qua khó khăn một cách an toàn".
Phan Anh trong chuyến làm từ thiện tại khu vực miền Trung
Cuối tuần qua, chàng MC điển trai đã đồng hành cùng chương trình truyền hình "Ngày thầy trò" về lại Hương Khê - Hà Tĩnh để chuẩn bị những hình ảnh tư liệu chuẩn bị cho chương trình truyền hình mừng ngày Nhà giáo dài 16 tiếng vào 20/11 tới đây do Mobi TV kết hợp cùng Đài tiếng nói Việt Nam, VTC thực hiện. Đã thân thuộc với vùng lũ, với người dân nơi đây, Phan Anh đến Hương Khê như về đến nhà, gặp bà con, gặp thầy trò vùng lũ, như gặp người thân. Tình cảm trân quý của người dân, của các em học sinh dành cho anh, đủ thấy sự gắn bó của anh đối với người dân như thế nào.
Lần này, Phan Anh trở lại Hương Khê, với chương trình “Ngày thầy trò”, anh cùng chương trình thực hiện những hình ảnh về tình cảm thầy trò, về những nỗ lực vượt qua khó khăn của thầy và trò vùng lũ để vươn giữ gìn trường lớp, giữ gìn việc học như thế nào. Đây cũng là điều mà Phan Anh luôn trăn trở từ những chuyên đi của mình. Anh chia sẻ:
"Về vùng lũ, bạn sẽ thấy điều kiện sống đã khó khăn, chuyện học tập của thầy và trò còn khó khăn gấp bội. Sách vở, trang thiết bị học tập bị cuốn trôi, trường học xập xệ, dột nát. Nhưng trong hoàn cảnh ấy, các thầy cô giáo lại viết lên những câu chuyện rất đẹp. Thầy cô tự vệ sinh trường lớp, vận động các em trở lại trường, hỗ trợ các em dụng cụ học tập... Tôi nghĩ, với những em học sinh ở vùng lũ, mãi mãi trong các em, những người thầy chính là những người tiếp lửa cho các em, cho các em thấy được thành người nên người hay không là nhờ vào sự tận tụy của những người thầy, người cô. Tôi rât ngưỡng mộ tình cảm của các thầy cô dành cho các em học trò vùng lũ, đến đây, tôi thấy được những điều tốt đẹp của cuộc sống, nhóm lên tình yêu thương trong trái tim mình" - Phan Anh hào hứng kể lại.
Tuy nhiên, những chuyến đi miệt mài về vùng lũ để khảo sát và chuẩn bị cho những dự án thiện nguyện dài hơi của Phan Anh cũng để lại cho anh không ít những nỗi buồn. Anh đã nghe kể về nhiều em học sinh không biết bơi, và gặp những tai nạn thương tâm vào mùa lũ đến: "Điều này khiến tôi ngạc nhiên lắm, vì tôi cứ đinh ninh trẻ em ở vùng sông nước phải biết bơi, và tôi cứ cho rằng đó là điều tự nhiên. Chúng ta đã thiếu sót trong việc dạy kỹ năng sống cho các em. Khi trao đổi với chính quyền, với bà con, tôi hiểu việc cần dạy bơi cho các em chẳng phải là ý tưởng gì mới mẻ, mọi người mong muốn từ lâu rồi, nhưng vì lý do này kia khó thực hiện được"
Sau khi khảo sát thực tế, Phan Anh nhận thấy, việc cần thiết trước mắt là hỗ trợ sản xuất những bể bơi di động để dạy các em tập bơi. Thầy giáo dạy bơi thì các trường đều đã sẵn sàng, nhưng chỉ thiếu bể bơi. Phan Anh đã lên ý tưởng, sẽ huy động để mỗi trường có được bể bơi di động, loại bể bơi này rất linh hoạt, dễ sử dụng và ít tốn kém hơn những bể bơi cố định, tốn kém ngày xưa, mà vẫn hiệu quả. Phan Anh tin tưởng rằng, việc này sẽ nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt của cộng đồng, để cùng chung tay xây dựng bể bơi cho các em học sinh vùng lũ, giúp các em hoàn thiện kỹ năng sống tốt nhất. Biết bơi chính là chiếc “áo phao” để giữ sinh mệnh các em mỗi ngày, chứ chưa kể đến mùa lũ dữ. Đó cũng chính là thông điệp mà Phan Anh muốn gửi đến cộng đồng thông qua việc tham gia “Ngày thầy trò”.
Trong chuyến khảo sát Hương Khê, Phan Anh cùng đại diện Mobi TV cũng trao nhiều phần quà đến trẻ em nghèo vùng lũ. Khi được hỏi về lý do tham gia chương trình truyền hình dài kỷ lục "Ngày thầy trò" của Mobi TV, Phan Anh cười lớn: "Cho tôi hỏi lại một câu liệu tôi có tìm được lý do gì để không tham gia hay không? Một chương trình đầy nhân văn, tử tế, thắp lên niềm tin và tình yêu thương giữa những con người với nhau, giữa người thầy và người trò với nhau, tại sao tôi lại không lại không tham gia?". Phan Anh cũng chia sẻ thêm: "Tôi luôn luôn trân quý, biết ơn những người thầy của mình, đó là những người giúp chúng ta nên người. Tình cảm thầy trò vùng lũ lại càng thôi thúc tôi có hành động thiết thực để góp phần nâng bước các em đến trường" - anh tâm sự.
Ông Nguyễn Trung Hùng, giám đốc truyền thông chương trình “Ngày thầy trò” chia sẻ: MC Phan Anh là một trong những người nổi tiếng đồng hành chương trình “Ngày thầy trò”, chương trình tin tưởng, với tấm lòng của Phan Anh cũng như những người nổi tiếng tham gia chương trình, dành cho thế hệ sau, sẽ góp phần thắp lửa cho thế hệ tương lai trong việc phấn đấu để trở thành những công dân tốt, có ích cho ngày mai.
'Ngày thầy trò" là chương trình truyền hình liên tục 16 tiếng, bắt đầu từ 7h sáng đến 23h đêm ngày 20/11/2016. Chương trình cầu truyền hình “Ngày Thầy trò” do Mobi TV kết hợp với Đài tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình VTC thực hiện, sẽ diễn ra trên khắp mọi miền Tổ quốc, đặc biệt là những vùng miền mà cuộc sống người dân còn khó khăn, vấn đề giáo dục cũng cần nhiều sự động viên, trợ giúp của xã hội…”Ngày thầy trò” khát vọng mang đến một không khí chào mừng ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam trên mọi miền Tổ Quốc, nêu cao đạo học, nêu cao tình nghĩa thầy trò trong thời đại hôm nay với sự tham gia của rất nhiều nhân vật nổi tiếng ở mọi lĩnh vực…
Đây là chương trình truyền hình quy mô lớn, được chuẩn bị suốt nửa năm qua, với mục tiêu đề cao đạo nghĩa thầy trò, tinh thần hiếu học, phát huy truyền thống “tôn sư trọng đạo” từ ngàn xưa của người Việt Nam, phản ánh một ngày đặc biệt trong cuộc sống của người dân Việt Nam – một dân tộc có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, một dân tộc luôn coi việc kính trọng những người thày giáo là một trong những thước đo lớn nhất về đạo nghĩa. Chương trình sẽ phản ánh không khí tưng bừng chào mừng ngày lễ Hiến chương các nhà giáo 20/11, cùng với đó là những câu chuyện kể về tình thầy, nghĩa trò ở mọi miền Tổ Quốc. Cùng với đó, chương trình cũng sẽ có những cuộc toạ đàm về đạo nghĩa thầy trò suốt chiều dài lịch sử nước Việt với sự tham dự của nhiều nhân vật nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng trong xã hội…
Cầu truyền hình “Ngày thầy trò” sẽ được phát sóng đồng thời trên khoảng 20 kênh truyền hình, trong đó có 7 kênh truyền hình của Mobi TV và các kênh truyền hình lớn trên toàn quốc như VTC2, Truyền hình Nhân dân, ANTG, An Viên, Vietteen...