Đừng rơi vào “bẫy trung bình”
Chính trị - Ngày đăng : 10:50, 13/04/2012
Ở nửa trên của bảng xếp hạng, Bộ Tư pháp đạt điểm cao nhất là 59,01 điểm/100 điểm.
Xem kỹ bảng điểm (thang điểm 100) thấy cũng lại sàn sàn như nhau: Bộ Tư pháp: 59,01; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: 58,51; Bộ Kế hoạch và Đầu tư: 56,59; Bộ Nông nghiệp và PTNT: 56,35; Bộ Công Thương: 55,61; Bộ Khoa học và Công nghệ: 54,50; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: 54,47; Bộ Tài chính: 54,36; Bộ Thông tin và Truyền thông: 53,92; Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch: 52,47; Bộ Y tế: 52,22; Bộ Giao thông - Vận tải: 52,10; Bộ Xây dựng: 51,93; Bộ Tài nguyên và Môi trường: 51,37.
Nhiều quan chức không khỏi ngạc nhiên và giật mình khi đón nhận thông tin này. Tuy nhiên cũng có băn khoăn không hiểu mấy ông, bà doanh nghiệp này có mắc bẫy “trung bình” hay không mà cho điểm tất cả đều trung bình như vậy? Lại có ý kiến cho rằng không lẽ cả mười mấy bộ ngành mà lại không có gì đáng khen, cho điểm tốt? Nếu vậy sao không có chê, cho điểm thấp. Xem ra có vẻ các DN còn lăn tăn điều gì mà muốn “tránh voi chả xấu mặt nào?”
Thế là dù có hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu... nhưng vẫn được coi là “được”, nhất là trên lĩnh vực xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh này.
Với kết quả khảo sát mới chỉ dựa trên lĩnh vực thi hành pháp luật về kinh doanh. Trong khảo sát có 6 chỉ số rõ ràng để đánh giá gồm: xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; chất lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành; công khai thông tin tuyên truyền; phổ biến pháp luật và cuối cùng là rà soát kiểm tra tổng kết thi hành pháp luật. Mỗi chỉ số trên có nhiều chỉ số thành phần để đánh giá từng việc của các bộ như: thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, tính thống nhất và khả thi của văn bản pháp luật, giải quyết vướng mắc và trách nhiệm giải trình...
Trong khi hoạt động được đánh giá cao là “xây dựng dự thảo luật” và “tổ chức thi hành luật”, thì nhóm hoạt động bị chấm điểm thấp lại là “lấy ý kiến đối tượng chịu tác động của luật” và “rà soát, kiểm tra, tổng kết thi hành luật”... Được biết, từ việc đánh giá trong lĩnh vực pháp luật này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Phúc đã chỉ ra những nguyên nhân sâu xa về chất lượng và hiệu quả trong xây dựng văn bản pháp luật ở các bộ. Bởi lẽ, hầu hết các bộ luật ở Việt Nam do Chính phủ trình trên cơ sở văn bản chuẩn bị xây dựng từ các bộ. Các đại biểu Quốc hội trong khi thảo luận các dự án luật đều tỏ ý băn khoăn về việc có những nội dung, chương, điều đậm đặc ý tưởng bộ ngành, đẩy phần xử lý về địa phương hoặc sang bộ khác. Hẳn là vì vậy mà Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội có nhận xét rằng ông đã hiểu rõ hơn “tại sao luật của Quốc hội ban hành vừa qua chỉ ở mức trung bình”.
Hy vọng chỉ số MEI được các bộ ngành xem xét nghiêm túc để năm tới sẽ không bị đánh giá tương đối trong cái bẫy trung bình.
Bảo Dân