Đắm mình trong cõi sử thi

Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 06:15, 05/08/2016

Tây Nguyên, chỉ riêng cái tên ấy thôi đã gợi biết bao suy tưởng về một không gian đầy huyền thoại của vùng đất cao nguyên.

Chính những đặc sản văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc ở đây đã tạo cảm hứng cho hàng ngàn tác phẩm văn học, nghệ thuật ra đời cũng như thúc giục lòng người tìm đến. Hơn thế nữa, đây còn được xem là “vùng đất sử thi” trù phú nhất của Việt Nam.

Vùng sử thi đậm đặc

Ngay từ cuối thế kỷ 19, một số nhà nghiên cứu người Pháp đã bắt tay vào nghiên cứu sử thi Tây Nguyên và họ cho rằng, chỉ có các dân tộc Tây Nguyên là có sử thi. Tiếp sau đó, trong quá trình nghiên cứu lịch sử phát triển của dân tộc, nhiều pho sử thi mới đã được phát lộ trên vùng đất này. Ước tính đã có khoảng 622 sử thi được phát hiện và sưu tầm. Đây có thể coi là vùng đất có mật độ sử thi lớn nhất Việt Nam bởi một số địa bàn khác chỉ có khoảng từ 3 đến 5 sử thi. Thậm chí, có một số quốc gia trên thế giới chỉ có vẻn vẹn một sử thi.

Đầu thế kỷ 21, nhận thấy dấu hiệu mai một của di sản phi vật thể này qua việc các nghệ nhân hát sử thi dần “khuất bóng”, các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của các dân tộc Tây Nguyên thiếu vắng sự hiện diện của sử thi, các đề án sưu tầm, dịch thuật và phân loại ở tầm quốc gia bắt đầu được xây dựng. Sau hơn 10 năm miệt mài, 62 tập với 60.000 trang in song ngữ tiếng Việt và tiếng dân tộc do Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam và các tỉnh Tây Nguyên được ấn hành.

Tiếp đó, các nhà nghiên cứu cũng đã tiến hành lập hồ sơ để đệ trình Unesco đưa sử thi Tây Nguyên vào danh mục văn hóa phi vật thể truyền khẩu của nhân loại với đại diện là một số sử thi tiêu biểu, mang giá trị nghệ thuật cao của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Người Êđê có sử thi Khan "Đăm San”, "Đăm Di", "Khinh Dú", "Đăm Đơ roăn", "Y Pơrao", "Mơ Hiêng"... Người Ba-na có sử thi Hơ-mon "Đăm Noi", "Giông nghèo tám vợ", "Tre vắt ghen ghét Giông", "Dyông Wiwin", "Xing Chi Ôn"…. 

Đắm mình trong cõi sử thi

Nghệ nhân Điểu Klung với một cuốn sử thi Mơ-nông 

Không chịu thua so với “những người anh em” của mình, đồng bào dân tộc Jarai có Sử thi Hơ-ri mang tên "Chilơkôk"; sử thi Akha juka của người Raglai là "Uđai Ujà"; sử thi Dăm Diông của người Xơ-đăng và sử thi Ôtnrong của đồng bào Mơ-nông là "Cây nêu thần", "Mùa rẫy bon Tiăng" hay "Đi cướp lại bộ cồng từ Sơm, Sơ"… Hàng trăm tác phẩm trên làm nên một bộ sử thi kể về cuộc đời nhiều thế hệ anh hùng của các dân tộc bản địa Tây Nguyên đã có công lập buôn làng, chiến đấu bảo vệ quê hương và xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Là người được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam “chọn mặt gửi vàng” để dịch một số bộ sử thi của các dân tộc Tây Nguyên, nhà nghiên cứu A Jar, hiện đang sinh sống và làm việc tại tỉnh Kon Tum cho rằng, sử thi vùng Tây Nguyên có những đặc điểm vùng rất đang lưu ý như thường mang ba chủ đề lớn là lấy vợ, làm lụng và đánh giặc. Thời gian phản ánh trong các tác phẩm cũng thường có mốc “chung chung” là "trước khi Tây sang" - nghĩa là từ thế kỷ 19 trở về trước.

Với mô hình cộng đồng buôn làng, việc làm lụng và lấy vợ của các anh hùng sử thi cũng mang đặc điểm của kinh tế - xã hội Tây Nguyên, như việc trồng trọt, hái lượm, săn bắn hay cướp vợ hoặc bị bắt rể là một hiện tượng phổ biến, từ Thế kỷ XIX về trước. Bên cạnh đó, chủ đề đánh giặc đã phản ánh nguyện vọng của lịch sử thúc đẩy từ tình trạng chiến tranh liên miên đến sự ổn định, đến hòa bình, giàu có. Hiện nhà nghiên cứu A Jar đã hoàn thành việc biên soạn và dịch gần 30 bộ sử thi của dân tộc Ba-na và dân tộc Xơ-đăng ra tiếng phổ thông.

Những thanh âm riêng có của đất trời

Trong chuyến công tác tại Tây Nguyên, tôi có may mắn được gặp gỡ nhiều nghệ nhân đang lưu giữ các bộ sử thi của dân tộc mình như nghệ nhân A Lưu, nghệ nhân A Bek, nghệ nhân Điểu Klung, nghệ nhân A Jar, nghệ nhân Y Blu, nghệ nhân Y Guang Hwing… để nghe các cụ hát kể một số trường đoạn sử thi tiêu biểu. Tuy không hiểu nghĩa của các tác phẩm được trình bày bằng tiếng bản địa, song những âm giai đặc trưng của cách kể, cách ngân rung cuối mỗi câu hát, chất giọng của người kể cùng với không gian dưới mái sàn đơn sơ tràn ngập nắng sớm và gió lành đã đem lại những cảm xúc khó quên.

Có một đặc điểm là do hầu hết các bộ sử thi chỉ lưu truyền miệng, nên có thể có nhiều tình tiết, nhiều lời thoại khác nhau. Người hát kể sử thi phải bám chắc theo “văn bản” gốc đã từng nghe và thuộc, đảm bảo ngôn ngữ và không khí cổ xưa, chứ không tùy tiện ngẫu hứng sáng tác thêm vào những lời mới, ý mới, hình ảnh mới không hợp lý. Nếu không cảm được hồn của sử thi thì khó nhớ liền mạch được. Ngay cả trong nghệ thuật hát kể sử thi Tây Nguyên được các dân tộc gọi bằng nhiều cách khác nhau. Đơn cử như dân tộc Ba-na gọi là hơ-mon, dân tộc Ê-đê gọi là “khan” và “hơ-ri” là cách gọi sử thi của đồng bào Ja-rai. Nghệ nhân A Lưu còn bảo, mỗi lần ông hơ-mon thì đều cảm thấy như có thần linh truyền thêm nội lực cho mình, nên mới có được hứng khởi và có đủ sức khỏe để hát kể hết ngày sang đêm!

Qua một số tác phẩm đã được dịch, có thể nhận thấy sử thi Tây Nguyên biểu đạt đời sống tinh thần của đồng bào với nghệ thuật kỳ vĩ hào hùng bắt nguồn từ niềm tin về Yang - Trời, còn được các nhà nghiên cứu gọi là “niềm tin về sự huyền ảo có thực”. Cùng với đó, cao nguyên hùng vĩ khoáng đạt tiềm ẩn biết bao điều huyền diệu. Giản đơn là một tiếng gió về qua nóc nhà rông, tiếng thác Đăm ri ồn ào đưa nước bạc hay một tiếng tơ rưng, một nhịp đàn đá, một bước voi đi uy lẫm giữa đại ngàn, một điệu chiêng xoang thì đó chính là những thanh âm riêng có của đất trời Tây Nguyên hội tụ…

Tất cả những điều đó đã tạo nên các đặc trưng văn hóa - văn hóa sinh thái và văn hóa nhân văn - một trong những yếu tố góp phần làm nên nội dung thống nhất mà đặc thù của sử thi Tây Nguyên.

Niềm kiêu hãnh của mảnh đất Tây Nguyên

Cũng cần phải kể đến yếu tố nhân vật anh hùng trong đại đa số sử thi Tây Nguyên. Sử thi “Đam San” cho thấy một Đam San anh hùng chiến thắng kẻ thù xâm hại lợi ích cộng đồng dân tộc mình và trở thành “tù trưởng của mọi tù trưởng”. Sử thi “Anh em Giông, Giở…” của người Ba-na nói về chiến thắng của anh hùng Giông trước tên Xtret nham hiểm... 

Bối cảnh lịch sử trong các sử thi đều biểu đạt một thời kỳ đồng bào sống cô lập, nhỏ bé giữa núi rừng và thiên nhiên khắc nghiệt. Việc đấu tranh với thiên nhiên, với các cộng đồng khác rắp tâm tranh đoạt đất đai, của cải, phụ nữ… là thường xảy ra. Chính vì vậy mỗi cộng đồng đều cần phải đoàn kết thành một khối thống nhất dưới sự dẫn dắt của một vị thủ lĩnh.

Các nhà nghiên cứu đều khẳng định chiến tranh trong sử thi Tây Nguyên là cuộc chiến đem lại hạnh phúc, ấm no cho cộng đồng. Người anh hùng cộng đồng bước vào sử thi Tây Nguyên với biết bao sự kỳ vĩ hóa, biết bao niềm tự hào, biết bao ước mơ mà nhân dân gửi gắm. Hầu hết sử thi đều nói lên sự vươn lên mạnh mẽ của con người trong mọi hoàn cảnh khắc nghiệt của cuộc sống. Cuối cùng, cái thiện sẽ thắng cái ác để trường tồn. Nó như gián tiếp nói lên sức sống của người Tây Nguyên giữa bao khó nghèo lạc hậu để tồn tại đến ngày nay.

Vẻ đẹp hình thể của các nhân vật cũng được khắc họa rõ nét. Giống như Thánh Gióng, Thạch Sanh, các chàng trai Tây Nguyên luôn có cơ thể cường tráng với bắp chân rắn chắc, tấm lưng rộng, bộ ngực nở, cánh tay to và gương mặt sáng đẹp, cương nghị, là hiện thân của lý tưởng, ước mơ của cả cộng đồng. Nhà nghiên cứu Phan Thị Hồng từng nhận xét: “Người anh hùng sử thi Tây Nguyên, những pho tượng sừng sững, sống động, hiên ngang, con người hiển hách luôn sát cánh với cộng đồng”.

Đêm cứ trôi, trăng Tây Nguyên cứ lung linh, huyền ảo. Lửa vẫn bập bùng, lời ngân hơ-mon vẫn đầy hư ảo, lúc thì trầm lắng, thẳm sâu như lời tâm tình của đôi trai gái, lúc vang vọng, trầm hùng như lời gọi bạn từ trên núi cao, nhưng cũng có lúc đổ dồn như nước reo, lửa cháy, như tiếng sấm rền trong những cơn giông đầu hạ. Dường như, khi đã hòa mình vào không gian đắm say và linh thiêng của hát kể sử thi, thì cũng là lúc những sắc dân của vùng đất bazan này tự tin và kiêu hãnh nhất. Điều đó là hoàn toàn hợp lý, bởi lâu nay, sử thi Tây Nguyên không chỉ là niềm tự hào của riêng người Tây Nguyên, mà còn là niềm hãnh diện chung của nền văn học đa dân tộc Việt Nam. 

Nam Hoàng