Chàng trai Thần Nông: Con giáp thứ 13
Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 13:57, 01/04/2016
“Còn một con giáp thứ 13, gọi tên là con tim” chính là lời đề tựa trong phần mở đầu cuốn sách sẽ ra mắt độc giả vào ngày mai (2/4) của Sơn Paris - chàng trai Thần Nông.
Mọi người hay gọi cậu là Sơn Paris, còn tôi chỉ thích gọi bằng một cái tên đơn giản và thân thuộc: Sơn.
Nguyễn Ngọc Sơn đa tài và bản lĩnh. Sơn, với tôi lần đầu gặp mặt không để lại ấn tượng gì đặc biệt ngoài dăm ba thông tin chẳng mấy hay ho gắn với danh xưng hot boy một thời.
Tôi vẫn tin vào chữ “duyên”. Và tôi gặp Sơn, làm bạn với cậu cũng nhờ chữ duyên.
Tôi không viết nhiều về Sơn. Tôi khó tính, và Sơn thì quá chỉn chu. Tôi ghét những sự nhàng nhàng, còn Sơn thì… khá cầu toàn.
Năm 2015, đúng thời điểm bù đầu chuẩn bị cho tốt nghiệp, cậu lại chạy đôn chạy đáo để ra mắt Xanh (dự án chuỗi trà chanh từ thiện), cùng một loạt chương trình đã lên list. Tuổi trẻ nhiều hoài bão, đôi khi thích làm những thứ khiến mình có thể nổi nhanh, quả thực tôi có chút lo lắng. Tôi lo cậu sẽ bỏ viết sách, bởi để thành công trong nghề này quả không dễ dàng gì.
Dăm ba lần hỏi han, yên tâm đôi chút. Và chỉ khi thấy Sơn tất tả chuẩn bị đón “đứa con” thứ ba chào đời, tôi mới thở phào…
Tác giả trẻ Nguyễn Ngọc Sơn: "Nhân duyên này là do trời định"
PV: Tuổi 20 đầy khát khao, mơ mộng với Trót lỡ chạm môi nhau, rồi bỗng… Muốn khóc thật to, và giờ là Đừng khóc nữa nhé - Phải mạnh mẽ lên. Mười ba, đó là một sự tỉnh ngộ, sẵn sàng buông bỏ, dám sống thật?
Nguyễn Ngọc Sơn: Tôi muốn khép lại sự yếu đuối của chính mình, truyền một ngọn lửa đầy ắp năng lượng tới bạn bè và độc giả của tôi. Ngần ấy nước mắt và buồn tủi trong tuổi trẻ như vậy là đủ rồi, đã đến lúc phải mạnh mẽ để đi hết những hỷ nộ ái lạc của cuộc đời.
Tôi viết Trót lỡ chạm môi nhau khi bước qua tuổi 19 đầy mơ mộng, hão huyền về tình yêu và hạnh phúc. Để rồi, khi chạm tim mình vào những vết xước, tôi viết nên Muốn khóc thật to. Tới giây phút này, lại muốn khích lệ trái tim mình hãy dịu dàng vừa đủ, để điềm nhiên đón nhận mọi thăng trầm.
PV: Phần mở đầu Mười ba, Sơn có “cảnh báo”: “Hay khóc đừng đọc!”. Tại sao vậy? là lời nhắc nhở thật sự, hay… chiêu PR của một “tay” truyền thông? (cười)
Nguyễn Ngọc Sơn: Ôi, tôi giỏi PR lắm sao? Cuốn sách nào cũng nói tôi có “thủ đoạn” cả.
Mười ba không dành cho người mau nước mắt. Vì họ sẽ thương các nhân vật tới tức điên lên mất, vì họ sẽ nhìn thấy chính câu chuyện của mình rồi tự dưng òa khóc, vì họ sẽ căm ghét tôi luôn để nhân vật rơi vào cái kết lạ đời.
Tôi không giỏi chiêu trò đến thế đâu. Tôi chỉ muốn độc giả được đọc khuyến cáo trước khi đọc sách tôi. Nếu tôi không phải là tác giả cuốn này, tôi nhất định sẽ tìm gặp kẻ đã viết ra nó và “chửi xéo” một trận lôi đình. Anh ta đã tìm ra hàng ngàn lý do để người ta phải rơi lệ. (cười to)
Hay khóc đừng đọc!
PV: Vậy mỗi lần đọc bản thảo, Sơn và những anh chị bên NXB có chuẩn bị sẵn khăn giấy?
Nguyễn Ngọc Sơn: Lúc viết Mười ba, tôi khóc nhiều lắm. Đó là khoảng thời gian có rất nhiều thay đổi trong cuộc sống của tôi. Cũng có một vài biến cố làm tôi loay hoay giữa những lựa chọn và quyết định.
Khi cơn bão đi qua, tôi đọc lại cuốn sách và thấy rất thương một cái “tôi” đã phải đối đầu với những chuyện đó. Nhưng tôi không khóc, chỉ luôn hồi hộp vì không biết độc giả có thể đồng điệu với lòng mình hay không.
PV: Sơn dành 13 tháng để viết Mười ba. Và trong ngày ra mắt sách sẽ có 313 bạn đọc được nhận sách có chữ ký của Sơn. Là sự trùng hợp hay có bàn tay sắp đặt?
Nguyễn Ngọc Sơn: Nếu điều đó đã là một điểm thú vị rồi thì chắc có lẽ Mười ba được đánh giá cao về sự chặt chẽ và đồng nhất.
Tiếp tục là dòng sách hai phần, Mười ba bao gồm Đừng khóc nữa nhé và Phải mạnh mẽ lên! Đừng khóc nữa nhé gồm 13 truyện ngắn, truyện dài, mỗi truyện gồm 13 phần. Phải mạnh mẽ lên với 13 chương, tên các chương chạy từ một tới 13 chữ.
Lời đề ở phần mở đầu sách cũng liên quan trực tiếp tới con số này. “Còn một con giáp thứ 13, gọi tên là con tim”.
Bìa sách gồm 13 bông hoa với 13 màu sắc khác nhau. Số sách được xuất xưởng sớm trong ngày ra mắt là 313 cuốn.
Tôi vốn rất kỹ lưỡng, cũng muốn tạo dấu ấn cho sách của mình, có thể đây là biểu hiện cho tính cách ấy của tôi.
Phải mạnh mẽ lên!
PV: Mười ba ra đời ngoài chất liệu là những trải nghiệm của bản thân, còn có những câu chuyện mà Sơn “tự nguyện” hoặc “bất đắc dĩ” làm chuyên gia tư vấn tâm lý. Vậy có ca nào Sơn “bó tay”?
Nguyễn Ngọc Sơn: Độc giả coi tôi là một trạm thu cảm xúc hoàn toàn miễn phí, ở đó, họ được giãi bày tất cả những mảnh vỡ trong lòng mình. Tôi nghĩ mình quá may mắn khi thoát khỏi 2 chữ “hot boy”.
Từ ngày viết sách, tôi không còn bị ai lăng mạ nữa. Họ tìm đến tôi để chia sẻ, để nhận lấy những lời khuyên chân thành nhất. Bản thân khi họ hỏi tôi, trong lòng họ đã phần nào hình dung ý niệm về câu trả lời. Vì thế, tôi không thể giải quyết vấn đề của họ, tôi chỉ ở bên cạnh, nói cho họ biết suy nghĩ của một người đứng xem câu chuyện.
Nhiều câu chuyện oái oăm, kỳ lạ, thậm chí là có nằm mơ cũng không thể nghĩ tới. Và chúng đều là chất liệu để tôi sáng tác.
PV: Trong một số truyện ngắn của Sơn, độc giả dễ dàng thấy phảng phất chút ngôn tình trong đó, ngay từ tên nhân vật. Là vì Sơn thích những gì đẹp đẽ, hay bị ảnh hưởng bởi trào lưu soái ca?
Nguyễn Ngọc Sơn: Con người tôi vốn dĩ ngọt ngào. Sự nhạy bén và lãng mạn cũng ở mức cao hơn người khác.
Ngôn tình sao? Người ta đang hiểu sai thái quá về nó. Nhân vật của tôi không có ai đạt chuẩn “soái ca” hết, họ gần gũi tới mức cảm thấy như đang ở cạnh ngay độc giả, như đang ăn tối cùng, đang đi nhà sách cùng vậy.
"Tôi thích những gì đẹp đẽ"
PV: Vẫn tiếp tục gắn mác 16+, nếu cho thang điểm 10, thì bạn chấm chất 16+ của Muốn khóc thật to và Mười ba như thế nào?
Nguyễn Ngọc Sơn: Nếu như Muốn khóc thật to sở hữu nhiều cảnh nhạy cảm gắn mác 16+ thì Mười ba lại rất khan hiếm điều này. Nhiều cảnh là bị cắt khi xin giấy phép xuất bản, nhiều cảnh chỉ nhẹ nhàng, vừa vặn. Nhưng cảnh nóng trong Mười ba đi theo thiên hướng nghệ thuật, nồng nàn, dữ dội và khiến độc giả phải tưởng tượng.
Cái chính trong Mười ba buộc cuốn sách này không nên được đọc nếu bạn dưới 16 tuổi nằm ở sức nặng nội dung. Phải đến câu chuyện thứ 13, độc giả mới tìm được một cái kết có hậu. Tôi sợ độc giả trẻ khi đọc Mười ba lại trở nên mất niềm tin và tình yêu, vì quá buồn thương cho nhân vật mà không tập trung đạp xe đến trường. (cười)
PV: Sơn sợ nhất cảm giác cô đơn. Nhiều bạn trẻ cũng nói rằng, càng lớn càng cảm nhận được sự cô đơn. Vì suy nghĩ đã chín, đã nhiều va vấp, trải nghiệm? Còn Sơn thì sao?
Nguyễn Ngọc Sơn: Cảm giác cô đơn rõ ràng là rất đáng sợ mà. Giữa nhịp độ bộn bề, giữa bao nhiêu khuôn mặt, cuối cùng mình lại cô đơn. Chẳng phải rất buồn sao.
Sự cô đơn trước kia thường dùng khi trong tình cảm, nhưng bây giờ tôi thấy người trẻ bị vướng vào tâm trạng ấy rất nhiều. Trong công việc, trong gia đình, thậm chí là từ trong suy nghĩ, họ đã cảm thấy cô đơn vì không thể có người thấu hiểu.
Thần Nông, đằng sau cụ cười lành, gương mặt hiền tựa mặt hồ yên ả là sóng ngầm sâu thẳm trong nội tâm
PV: Tôi luôn có một ấn tượng đặc biệt với những chàng trai cung Thần Nông. Có vẻ đằng sau cụ cười lành, gương mặt hiền tựa mặt hồ yên ả là sóng ngầm sâu thẳm trong nội tâm?
Nguyễn Ngọc Sơn: Đúng đấy! Thần Nông dữ dội quá. Tôi thấy Thần Nông sống mạnh về tình cảm, như cơn sóng chiều, dồn dập, ồn ã. Tâm tư của Thần Nông vừa nhiều vừa sâu, tôi nghĩ cung nay sinh ra hợp với ngành xuất bản lắm!
PV: Tốt nghiệp Học viện ngoại giao, khá nổi tiếng trong giới trẻ, làm truyền thông tốt. Có khi nào Sơn nghĩ đến việc đi theo con đường chính trị?
Nguyễn Ngọc Sơn: Nhiều khi tôi thử tưởng tượng, và thấy sởn da gà. (Cười)
Tôi khá quyết đoán trong công việc, chỉ làm thứ mình thích, không theo đuổi thứ tôi không màng.
PV: Bản thảo ra mắt bạn đọc được biết đã bị cắt bỏ, chỉnh sửa… Nhìn đứa con tinh thần như vậy, Sơn xót chứ?
Nguyễn Ngọc Sơn: Mặt tôi tái nhợt đi, chữ tôi viết ra mà, khi ấy đã dồn bao tâm huyết và cảm xúc vào cả. Nhưng có những quy định phù hợp với từng thời điểm, tôi phải chấp nhận thôi.
PV: Vậy sau Mười ba, sẽ là…?
Nguyễn Ngọc Sơn: Sẽ là một cuốn tự truyện viết về một tấm gương nghị lực phi thường và một cuốn sách dạy yêu, dạy sống mang tên “Suỵt! Đừng nói cho nó biết!”.
Tôi là con người của dự định mà, trong đầu không bao giờ cho phép bản thân mình nghỉ ngơi. (Cười)