Hội thảo “Truyền thông về hạ tầng giao thông: Nhìn nhận và định hướng”
Giao thông - Ngày đăng : 06:31, 05/09/2019
Dự Hội thảo có các ông: Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; cùng các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, các cơ quan báo chí truyền thông...
Ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã dành sự quan tâm lớn cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước, góp phần bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh, phát triển các lĩnh vực đời sống xã hội... Nhiều công trình hiện đại được đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước...
Ngoài nguồn lực của Nhà nước, nguồn vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng đã và đang mở rộng sự tham gia của toàn xã hội, nhất là đầu tư của các doanh nghiệp vào các dự án giao thông, khu công nghiệp, khu đô thị mới và đóng góp tự nguyện của nhân dân vào phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn. Các hình thức đầu tư, xây dựng, vận hành, kinh doanh được đa dạng hoá, mở rộng.
Trong công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực hạ tầng giao thông, báo chí có vai trò quan trọng, vừa tuyên truyền, phổ biến, phản ánh thực tiễn sinh động, vừa giám sát và phản biện chủ trương, chính sách, vừa là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Thời gian qua, bên cạnh những kết quả tích cực, báo chí cũng còn gặp những khó khăn, những bất cập, hạn chế trong công tác “tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong xã hội để mọi người dân ủng hộ và chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng”.
Hội thảo nhằm mục đích tiếp tục khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của người dân; tạo điều kiện để các cơ quan nhà nước, nhà đầu tư, các đối tác, trong việc cung cấp thông tin cho báo chí về các dự án hạ tầng giao thông, giúp báo chí thực hiện tốt vai trò và nhiệm vụ phản ánh kịp thời những thành tựu, cũng như những bất cập trong thực tiễn; từ đó cơ quan quản lý nhà nước có căn cứ điều chỉnh cơ chế, chính sách phù hợp.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tham gia tham luận dưới những góc nhìn khác nhau, theo PGS. TS Nguyễn Chí Thành - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam. Trong thời gian qua, BOT đã được bàn luận rất nhiều tại nghị trường của các cơ quan nhà nước, hội thảo của các cơ quan, tổ chức và đặc biệt là trên các phương tiện truyền thông tạo nên tâm điểm dư luận xã hội. Trong đó nhiều ý kiến, tham luận, tác phẩm báo chí đã “mổ, xẻ” một phần, góp phần cảnh báo, chấn chỉnh, ngăn chặn những khuyến khuyết, yếu kém trong việc đầu tư theo hình thức BOT. Bên cạnh đó cũng không ít phát biểu, tham luận, bài báo thiếu trách nhiệm, chỉ cốt để “tạo hình ảnh, gây ấn tượng” tạo nên luồng dư luận ngược chiều với chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước và từ đó vô hình gây lên phản ứng, phản kháng, làm vơi đi niềm tin của dân chúng đối với việc đầu tư hạ tầng giao thông. theo hình thức BOT. Tồn tại và bất cập về BOT hiện tại có khá nhiều. Nhưng nguyên nhân thì chưa được chỉ ra cụ thể, rõ ràng.
Ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội cho rằng, cần phải minh bạch trong các vấn đề về BOT, đảm bảo không chỉ lợi ích vật chất mà còn là lợi ích tinh thần cho cả phía Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Giải pháp tiếp tục kêu gọi tư nhân đầu tư thông qua hình thức PPP là tất yếu, không chỉ đầu tư đường bộ mà còn phải đầu tư cả đường biển, đường sông và đường sắt.
Về phía Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, ông Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội mong muốn, cần sớm có Luật về PPP. Trong đó qui định rõ về công tác công bố dự án, lựa chọn nhà đầu tư một cách minh bạch. Xây dựng và tôn trọng nguyên tắc quản lý đầu tư theo phương thức PPP trong đó đặc biệt các quy định về quản lý sử dụng vốn đầu tư.
Bế mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, với hơn 10 bài tham luận, ý kiến phát biểu, các thước phim sống động và các bài báo trong khuôn khổ của Hội thảo đã phản ánh quyết tâm, trách nhiệm cao của Ban chỉ đạo, Ban tổ chức, các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà báo, nhà đầu tư về một vấn đề quan trong đang là thời sự nóng bỏng của cả nước. Giá trị các tham luận, các ý kiến phát biểu không chỉ là các luận cứ khoa học, nhằm chứng minh làm rõ vấn đề mà còn có giá trị thực tiễn rất lớn. Từ tiếng nói của người trong cuộc, của các nhà quản lý, các nhà đầu tư, các chuyên gia, những người nhiều năm trăn trở với lĩnh vực hạ tầng giao thông đất nước và những dẫn chứng thuyết phục của cơ quan kiểm toán, ngân hàng đã phản ánh khá toàn diện, chân thực mô hình BOT của cả nước. Qua đó giới báo chí truyền thông nhìn nhận được thực trạng, nhìn lại chính mình để làm tốt hơn vai trò của báo chí là xóa bỏ sự nhìn nhận thiên lệch và định kiến trong một bộ phạn của cộng đồng xã hội về BOT.