"Chết oan" nếu được sơ cứu không đúng cách khi tai nạn giao thông

Giao thông - Ngày đăng : 13:41, 04/06/2016

Tai nạn giao thông khiến nhiều người thương vong, tuy nhiên nếu biết cách sơ cứu sẽ góp phần giữ được mạng sống cho nạn nhân. Song, những thiện chí cứu chữa ấy đôi khi lại gây hại nếu người cấp cứu không có những kiến thức sơ cứu cơ bản.

Nạn nhân “chết oan” vì được “đưa đi cấp cứu”

Thực tế hiện nay, khi tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra, hầu hết các nạn nhân thường được chuyển thẳng đến các cơ sở y tế, bệnh viện mà không được sơ cứu ban đầu hoặc nếu được sơ cứu thì chất lượng cũng rất thấp, và điều này dẫn đến thực trạng nhiều nạn nhân bị TNGT “chết oan” do không được sơ cứu hay sơ cứu không đúng cách.

Mới đây, theo báo cáo nghiên cứu của Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) trong số 300.000 bệnh án nạn nhân nhập viện vì TNGT, chỉ có 5 - 10% bệnh nhân được sơ cứu tại chỗ nhưng hơn 50% số đó sơ cứu sai kỹ thuật, vận chuyển tới viện thiếu an toàn; 51% nạn nhân ở Hà Nội và 55% ở Huế được chuyển đến viện bằng xe máy. Rất nhiều trường hợp thương tật nặng hơn hoặc tử vong trong quá trình vận chuyển đến viện.

Mỗi ngày Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận cả trăm trường hợp bị tai nạn thương tích từ khắp nơi chuyển về, trong số này có rất nhiều trường hợp không được cấp cứu ban đầu hoặc có được cấp cứu nhưng “nhiệt tình không đúng cách” đã vô tình làm nạn nhân nặng thêm, tử vong không đáng có trước khi đến viện.

Các bác sĩ cho biết, với các tai nạn thương tích, nếu được cấp cứu đúng cách có thể giúp tăng 50% cơ hội sống cho nạn nhân. Theo thống kê, gần 100% các nạn nhân chấn thương sọ não đều bị chấn thương đốt sống cổ. Tuy nhiên rất ít người cứu hộ ban đầu có kỹ năng phát hiện chấn thương này. Khi thấy người bị nạn, người dân thường bế nạn nhân lên xe đưa đi cấp cứu gây gãy cột sống, rất nguy hiểm.

Sơ cứu nạn nhân không đúng cách sẽ khiến nạn nhân nặng hơn (ảnh minh hoạ)

Theo TS.BS Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội giải thích, với những trường hợp chấn thương đốt sống cổ, khi bị vác, xốc ngược sẽ gây đứt tủy sống, dẫn đến tử vong ngay lập tức hoặc bị liệt cơ hô hấp, liệt tứ chi không thể phục hồi. Đây là sai lầm dễ mắc nhất của người cứu hộ thiếu kiến thức.

Khi xảy ra TNGT, việc cấp cứu tại hiện trường phần lớn do người dân thực hiện, nhiều nạn nhân không được vận chuyển đến bệnh viện bằng xe cấp cứu chuyên dụng mà bằng các phương tiện như: Taxi, xe ôm, thậm chí bằng cả xe tải…

Bác sĩ Nguyễn Trọng Diện, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh cho biết: “Cấp cứu nạn nhân bị TNGT đúng cách không phải ai cũng làm được, nhiều vụ TNGT nạn nhân bị rất nhẹ nhưng khi đến viện thì trở nên nghiêm trọng hơn rất nhiều, thậm chí còn dẫn đến tử vong. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng cơ bản vẫn là sơ cứu chưa đúng cách. Ví dụ như nạn nhân bị TNGT gãy xương đùi, người dân bế xốc ngay lên thì rất có thể chỗ xương gãy đó chọc vào động mạch làm cho vết thương thêm trầm trọng hơn. Trường hợp này phải lấy thanh đòn cố định vết thương đó lại để tránh tổn thương và chờ xe cấp cứu đến”.

Cần sơ cứu kịp thời và đúng cách

Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, mỗi năm, nước ta có khoảng 50 nghìn người bị thương do TNGT cần sơ cấp cứu và 11 - 12 nghìn trường hợp tử vong do TNGT. Theo tính toán, việc nâng cao năng lực hệ thống sơ cấp cứu TNGT thông qua đào tạo kiến thức cho đội ngũ cộng tác viên, xây dựng các trạm sơ cấp cứu dọc các tuyến đường chính nhằm cấp cứu kịp thời và đúng cách các trường hợp bị tai nạn có nguy cơ tử vong cao, có thể giảm được 10% số người bị chết do TNGT, tương ứng khoảng 1.000 nạn nhân mỗi năm. Ðiều này cho thấy, vấn đề sơ cấp cứu nạn nhân trước khi đưa đến bệnh viện có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, tâm lý chung của nhiều người là khi thấy nạn nhân bị tai nạn thì lập tức đưa thẳng vào bệnh viện mà không qua sơ cứu. Với trường hợp bị chấn thương sọ não, bệnh nhân bị mất tri giác, lẽ ra cần phải tranh thủ khoảng thời gian vàng trong cấp cứu, chuyển tới bệnh viện càng sớm càng tốt thì nhiều người lại chọn cách xoa dầu cao hoặc cạo gió để hy vọng nạn nhân tỉnh dậy, làm chậm quá trình điều trị. Vì vậy, cộng đồng, nhất là những người tham gia giao thông cần nâng cao kỹ năng sơ cứu nạn nhân trong các trường hợp TNGT để có thể chủ động và sẵn sàng ứng cứu, nhằm giảm thương vong cho nạn nhân.

Đứng trước thực trạng khi gặp nạn nhân bị tai nạn giao thông nhiều người không dám vào sơ cứu vì sợ làm nặng thêm tổn thương. Bác sĩ Hoàng Bùi Hải cho biết, khi gặp trường hợp bị tai nạn giao thông trên đường, việc đầu tiên mọi người nên làm là nhanh chóng gọi người hỗ trợ và gọi 115.

Cấp cứu ban đầu gồm 5 phần việc quan trọng, nếu chỉ cấp cứu đường thở nhưng không làm gì tiếp theo thì cũng vô nghĩa. Nhiều trường hợp người bị nạn đã ngừng tim rồi nhưng không được ép tim tại chỗ mà chuyển quãng đường dài đến bệnh viện khiến nạn nhân dù sau đó được cấp cứu, tim đập lại nhưng vĩnh viễn hôn mê.

Các bác sĩ khuyến cáo, với công tác sơ cứu ban đầu phải có sự hỗ trợ ít nhất 2-3 người. Những người này phối hợp giữ cổ nạn nhân, người khác phải hà hơi thổi ngạt, người khác phải xem tri giác, xem mạch…

Với những chấn thương gãy xương đùi thì cần sơ cứu bằng cách dùng nẹp cố định phần chi gãy, sau đó mới phân tuyến điều trị. Nếu không phần xương gãy chọc vào thịt khiến tình trạng gãy kín thành gãy hở thì những mảnh gãy của xương có thể gây đứt mạch máu, dẫn đến sốc mất máu, sốc chấn thương.

Đặc biệt, nếu nạn nhân bị chấn thương đốt sống cổ nhưng không phát hiện được tại thời điểm chấn thương. Quá trình bế, vác, vận chuyển khiến xương cổ nạn nhân bị gãy nặng hơn, gây đứt tủy, liệt tứ chi, liệt cơ hô hấp.

Có thể thấy, việc cấp cứu nạn nhân TNGT đường bộ trong thời gian qua chủ yếu dựa vào tinh thần tự nguyện của người dân, đó là thấy nạn nhân bị tai nạn thì đưa đi bệnh viện, trong khi đó với hệ thống giao thông trải dài, nhiều khu vực miền núi nên việc cấp cứu qua hệ thống 115 rất hạn chế. Bên cạnh đó, việc cấp cứu, điều trị cho nạn nhân TNGT của các trung tâm y tế tuyến huyện chưa đáp ứng được yêu cầu, nên nạn nhân phải chuyển lên các tuyến cao hơn và nó cũng là một trong những nguyên nhân làm cho tỷ lệ nạn nhân bị tử vong do TNGT sau sơ cứu chiếm tỷ lệ không nhỏ. Cùng với đó là trang thiết bị phục vụ cho cấp cứu nạn nhân cũng còn thô sơ, chưa đáp ứng được những chấn thương phức tạp.

Sơ cứu, cấp cứu nạn nhân bị TNGT đúng cách, kịp thời góp phần không nhỏ vào việc giảm thương tật do chấn thương, đồng thời hạn chế thấp nhất hậu quả, di chứng lâu dài, giảm chi phí và gánh nặng cho gia đình và xã hội, đặc biệt là giảm các trường hợp tử vong. Bên cạnh đó, các lái xe chính là những người đầu tiên tiếp xúc với nạn nhân TNGT cần phải biết kỹ năng sơ, cấp cứu để hỗ trợ kịp thời.

Sơ cứu khi tai nạn giao thông:

Người bị tai nạn giao thông mà vẫn hoàn toàn tỉnh táo, không chảy máu, thậm chí đứng dậy được, vẫn cần cho nằm nghỉ để theo dõi nhịp thở. Với tổn thương chi, sơ cứu như người bị gãy xương.

Còn khi bị chảy máu thì phải cầm máu tại chỗ bằng cách lấy một cục bông đè mạnh vào vết thương - động tác rất đơn giản nhưng cầm máu hiệu quả. Với bệnh nhân trong tình trạng hôn mê, bất tỉnh, cần chuyển ngay bệnh nhân đến bệnh viện ở tư thế nằm.

Lưu ý, cần từ 2-3 người nhấc người bệnh lên chứ không bế xốc bổng hay bế gập người lại, đưa đến chỗ an toàn và gọi xe cứu thương đến hoặc chuyển ngay đến bệnh viện.

Khi sơ cứu trong nhiều trường hợp, việc đầu tiên là cần phải kiểm soát được đường hô hấp cho bệnh nhân, làm đường thở thông thoáng. Nếu đường thở bị tắc nghẽn do đất, cát, răng giả, đờm dãi... phải móc ngay ra.

Nếu người bệnh không thở được thì phải hô hấp nhân tạo. Muốn hạn chế tình trạng suy hô hấp thì nên đặt bệnh nhân nằm đầu cao. Nếu bệnh nhân bị huyết áp thấp, hoặc bệnh nhân có bệnh sọ não cần lưu ý không nên đặt nằm ở tư thế đầu quá cao.

Huy Hùng