Sức ép hấp dẫn
Chính trị - Ngày đăng : 10:50, 13/04/2012
Không có thống kê cụ thể và không mấy tin tưởng vào số lượng phát hành qua PR của lực lượng chạy quảng cáo, nhưng tính ra số báo in sống khỏe đâu có nhiều. Hàng loạt báo “lớn” sụt giảm lượng phát hành, từ sêm sêm nửa triệu bản/kỳ xuống còn vài chục phần trăm so với trước. Không lẽ báo chí hiện đại khó thích ứng với xã hội đến thế!
Theo các nhà báo lão thành, hiện đã xuất hiện các tiền đề của các tập đoàn báo chí. Đài Truyền hình Việt Nam với nhiều kênh thông tin riêng, đã chú trọng đến thông tin giải trí và thương mại thuần túy. Đài Tiếng nói Việt Nam, có thêm kênh phát thanh có hình, có chương trình phát trên sóng FM các thông tin giao thông vận tải ở hai trung tâm kinh tế lớn là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh.
Thông tấn xã Việt Nam hiện có trên dưới 40 ấn phẩm, sản phẩm thông tin và đã có Truyền hình Thông tấn phát sóng 24/24. Các báo lớn như Công an nhân dân, Thanh niên, Tuổi trẻ đều có hàng loạt ấn phẩm ngày, tuần, tháng, báo điện tử. Báo chí bằng tiếng Anh đã có thêm một số đồng nghiệp với ViệtNam News của TTXVN, Saigon Times của Thời báo Kinh tế Sài Gòn…
Trong thời kỳ phát triển của công nghệ thông tin báo chí điện tử, cổng thông tin điện tử (TTĐT), trang web tập thể và cá nhân phát triển mạnh ở nước ta. Nhờ đó, mặt bằng báo chí có thêm lực lượng thông tin mới, nhanh, nhạy bén và phong phú. Báo điện tử đã góp phần thay đổi thói quen đọc báo đơn điệu và tẻ nhạt, khô cứng. Các nhà báo cũng thay đổi cách làm để chú trọng truyền tải các thông tin mà bạn đọc cần thay vì chỉ nhăm nhăm cung cấp tin tức mà tòa soạn có.
Tính hấp dẫn của báo mạng cũng như các báo khác, trước hết là ở chỗ độc giả tìm thấy các thông tin nhanh mà họ thực sự quan tâm. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt mạnh đó, báo điện tử, trang TTĐT và web đã bộc lộ không ít hạn chế. Đáng chú ý là đã có một số tờ báo xa rời tôn chỉ, mục đích, đối tượng bạn đọc; thông tin còn thiếu nhạy cảm chính trị, thậm chí thiếu chính xác, sa đà vào vụ án, đời tư, vô bổ... Ngay tại diễn dàn Quốc hội các đại biểu đã lên tiếng cảnh báo về các trò chơi game online bạo lực, cờ bạc, kích dục được ví với sự độc hại của ma túy tràn lan trên mạng.
Sẽ là thiếu sót nếu không kể đến việc đã có những tờ báo phải xin giãn kỳ, tạm nghỉ, thậm chí đình bản vì không trụ được trong cơ chế khắc nghiệt của thị trường. Một số báo phải lách luật, chớp cơ hội để “lá cải hóa” từng trang từng số, nhất là số phụ, số cuối tuần, cuối tháng, số chuyên đề… để câu khách.
Chưa bao giờ đội ngũ nhà báo Việt Nam đông đảo và hùng mạnh như bây giờ. Việt Nam đã có 707 cơ quan báo chí in, trong đó có 178 báo, bao gồm: 76 báo Trung ương và 102 báo địa phương và 529 tạp chí, trong đó Trung ương 415 và địa phương 114 tạp chí, một hãng thông tấn quốc gia.
Riêng lĩnh vực phát thanh truyền hình, cả nước hiện có 67 đài phát thanh, truyền hình trong đó Trung ương 2, Bộ ngành và địa phương 65; Mạng lưới truyền thanh cơ sở có 606 đài cấp huyện trong đó có 228 đài đăng phát sóng FM và hệ thống truyền thanh xã phường. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, cả nước hiện có 32 báo điện tử, 180 trang TTĐT của cơ quan báo chí và gần 200 trang TTĐT tổng hợp được cấp phép hoạt động. Báo điện tử đã phát huy ưu điểm thông tin nhanh, nhạy, tích hợp được nhiều loại hình truyền thông trên một phương tiện.
Tuy nhiên, cần phải làm gì để hiện đại hóa báo chí? Sức ép đè nặng trên vai các ban biên tập báo. Chắc chắn báo nào cũng phải bảo đảm thông tin nhanh, đúng, hấp dẫn. Nhưng làm gì để đạt yêu cầu trên, câu trả lời không dễ gì có được!
Bảo Dân