Ba mối quan tâm lớn nhất của người tiêu dùng Việt

Bảo vệ người tiêu dùng - Ngày đăng : 07:59, 06/08/2016

Ba mối quan tâm lớn nhất của người tiêu dùng (NTD) Việt trong quý II/2016 là gì? Câu trả lời đã được Nielsen đưa ra trong báo cáo mới đây.

Ba mối quan tâm lớn nhất của người tiêu dùng Việt

NTD Việt bên cạnh xu hướng tiết kiệm cũng rất sẵn lòng để chi trả cho các khoản mục lớn.

Công ty đo lường và thông tin toàn cầu - Nielsen mới có báo cáo về chỉ số niềm tin người tiêu dùng (NTD) trong quý II/2016. Theo đó, ba mối quan tâm lớn nhất của NTD Việt trong quý II/2016 là sức khỏe, công việc và nền kinh tế. Cụ thể, sức sức khỏe vẫn là mối quan tâm quan trọng nhất chiếm 32%; sự đảm bảo về công việc chiếm 29% và mối quan tâm thứ ba là sự ổn định của nền kinh tế (26%). Ngoài ra, sự ổn định của chính trị (8%) và các vấn đề liên quan đến tội phạm (8%) xuất hiện như là một trong những mối quan tâm đáng lưu ý trong quý này.

Các mối quan tâm khác bao gồm sự cân bằng trong công việc và cuộc sống (21%), tăng sinh hoạt phí thiết yếu (13%) và tăng giá thực phẩm (12%) và các chính sách phúc lợi lương hưu cho bố mẹ & sự hạnh phúc (8%).

Con số khảo sát của Nielsen cho thấy người tiêu dùng Việt vẫn rất lạc quan. Hơn một nửa người tiêu dùng tin rằng công việc của họ sẽ tuyệt vời hơn trong 12 tháng tới. Gần 2 trong 3 người tiêu dùng tin rằng tình hình tài chính của họ sẽ tốt hơn trong 12 tháng tới.

Tính chung trong quý II/2016, mức độ tự tin của người tiêu dùng Việt Nam vẫn giữ được ở 107 điểm. So với quý trước, chỉ số này có sự giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao, giúp Việt Nam đứng thứ 7 trong số các quốc gia có mức độ lạc quan cao nhất trên toàn cầu sau Philippines, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Singapore.

Đáng lưu ý là người tiêu dùng Việt hiện nay, bên cạnh xu hướng tiết kiệm cũng rất sẵn lòng để chi trả cho các khoản mục lớn. Báo cáo cho biết, sau khi đã trang trải các chi phí sinh hoạt thiết yếu, khoảng 3/5 người Việt sẽ sử dụng tiền nhàn rỗi để đi du lịch, nghỉ mát (41%, tăng 5% so với quý trước), mua sắm quần áo mới (38%) và sử dụng các dịch vụ giải trí bên ngoài (37%).

Theo bà Nguyễn Hương Quỳnh, Tổng Giám đốc, Nielsen Việt Nam: “NTD Việt được biết đến như là những người có xu hướng ưu tiên tiết kiệm, và chính tâm lý này đã ảnh hưởng đến khuynh hướng chi tiêu cẩn trọng của họ, đặc biệt là chi tiêu cho các hàng hóa/nhu cầu cơ bản. Nhưng ngược lại, thu nhập tăng lên lại đang thúc đẩy họ mong muốn nâng cao chất lượng cuộc sống và thay đổi phong cách sống như mua sắm các sản phẩm công nghệ đời mới hoặc quần áo mới”.

Cũng theo bà Hương, trong thời đại Internet hiện nay, tâm lý thị trường sẽ phản ánh ngay lập tức và rõ ràng các diễn biến tích cực, tiêu cực và trung hòa. Người tiêu dùng Việt chú ý sát sao đến những gì đang diễn ra trên thị trường và họ cũng dễ dàng bị ảnh hưởng bởi sự truyền miệng từ những người xung quanh, các thông tin trên mạng xã hội… và họ sẽ nhanh chóng đưa ra phản ứng. Điều này đòi hỏi các nhà sản xuất và nhà bán lẻ phải hành động nhanh hơn nữa để lường trước các xu hướng và giải quyết, đáp ứng được các mối quan tâm trước khi những ảnh hưởng đó định hình quyết định tiêu dùng của người Việt.

Lan Trần