Tháng 5, chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,54%
Bảo vệ người tiêu dùng - Ngày đăng : 00:52, 25/05/2016
Như vậy, CPI bình quân 5 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước tăng 1,59%.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính của "rổ hàng hóa", nhóm giao thông tăng cao nhất ở mức 2,39%, thứ hai là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,88%, đứng thứ ba là nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,56%; 8 nhóm hàng còn lại có mức tăng nhẹ, như: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,36%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,34%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,11%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,09%...
Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê giá cho biết, các nguyên nhân làm tăng CPI tháng 5 này là: chỉ số giá nhóm lương thực tăng 0,68% và tăng ở hai kỳ đầu của tháng do thương lái thu gom lúa gạo thực hiện các hợp đồng xuất khẩu gạo đã ký và tác động của khô hạn, xâm nhập mặn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Đến giữa tháng 5 - kỳ thứ 3 giá lúa gạo đã giảm trước sức ép Thái Lan tuyên bố xả kho gạo 11,4 triệu tấn trong tháng 5 và tháng 6 năm 2016. Tuy nhiên so cùng kỳ năm trước giá lúa gạo hiện tại vẫn cao hơn khoảng 300 đồng/kg.
Chế biến tôm xuất khẩu tại công ty Minh Phú Hậu Giang.
Bên cạnh đó, chỉ số nhóm thực phẩm tăng 0,38% chủ yếu tăng ở nhóm hàng các loại thịt sau khi xảy ra hiện tượng cá chết tại các tỉnh miền Trung, người dân hạn chế sử dụng thủy hải sản, cùng với việc thương lái thu gom lợn hơi để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Trong tháng có kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài nên nhu cầu thực phẩm tăng cao hơn so tháng trước. Cụ thể, chỉ số giá nhóm thực phẩm tháng này tăng như sau: giá thịt lợn tăng 1,98%; giá thịt bò tăng 0,3%; giá thịt gia cầm tươi sống tăng 0,09%; trong đó giá gà ta tăng 0,03%; giá các loại thịt gia cầm khác tăng 0,24%...
Cũng trong tháng 5, nhóm giao thông là nhóm có chỉ số tăng cao nhất trong 11 nhóm hàng chính. Chỉ số giá nhóm giao thông tháng 5 tăng chủ yếu ở mặt hàng xăng dầu do giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng vào ngày 20/4/2016 và ngày 5/5/2016 dẫn tới chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 5,15% so với tháng trước.
Đồng thời, nhu cầu đi du lịch của người dân tăng cao trong dịp nghỉ lễ nên giá tour du lịch trong nước tăng 1,11%; giá tour du lịch nước ngoài tăng 1,01%; giá khách sạn tăng 0,53% và giá nhà khách, nhà trọ tăng 0,83%.
Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở cũng tăng 0,37% do nhu cầu xây dựng năm nay tăng cao cùng với xu hướng giá nguyên liệu đầu vào trên thế giới tăng. Giá gas tăng 2,44% do các doanh nghiệp tăng 5.000 đồng/bình 12 kg từ ngày 1/5/2016 do giá gas thế giới tăng. Thời tiết nắng nóng nên nhu cầu sử dụng điện, nước tăng làm cho giá nước sinh hoạt tăng 0,38%, giá điện sinh hoạt tăng 0,78%.
Cùng với đó là giá dịch vụ bảo hiểm y tế tăng 4,72% do từ 1/5/2016 Nhà nước thực hiện điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1.150.000 đồng/tháng lên 1.210.000 đồng/tháng.
Mặt khác trong tháng 5, giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới, những ngày đầu tháng giá vàng tăng và đứng ở mức trên 1.298 USD/ounce, sau đó giảm nhẹ đến ngày 15/5/2016 giá vàng thế giới ở mức 1.272 USD/ounce. Giá vàng thế giới đã tăng gần 20% từ đầu năm đến nay khi kinh tế Mỹ có một số dấu hiệu chững lại khiến các nhà đầu tư tin rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) chưa thể sớm có động thái tăng lãi suất tiếp theo. Bình quân giá vàng trong nước ngày 15/5/2016 dao động quanh mức 3.402.000 đồng/chỉ vàng SJC.
Với cách thức điều hành tỷ giá mới, sau 5 tháng, tỷ giá VND/USD trên thị trường thấp hơn nhiều so với mặt bằng tỷ giá cuối năm 2015 và khá ổn định. Sự ổn định của tỷ giá trong thời gian qua một phần cũng do diễn biến thuận lợi trên thị trường tài chính quốc tế, đồng USD giảm giá so với các đồng tiền khác sau khi FED phát đi thông điệp sẽ chỉ điều chỉnh nâng lãi suất cơ bản đồng USD một lần trong năm 2016 thay vì hai lần như dự báo trước đây. Do đó, trong nước tỷ giá VND/USD tháng này khá ổn định xoay quanh 22.300 VND/USD.
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 5/2016 tăng 0,25% so với tháng trước và tăng 1,87% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm nay lạm phát cơ bản tăng 1,78% so cùng kỳ năm 2015.
Đáng chú ý, tháng 5, các mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống, xăng dầu tăng nhưng mức tăng không cao hơn mức tăng các nhóm hàng còn lại nằm trong “rổ” tính lạm phát cơ bản nên lạm phát chung lại thấp hơn lạm phát cơ bản.