Thay vì cấm hãy làm bạn với con trên mạng xã hội
Môi trường - Ngày đăng : 14:59, 15/05/2016
Hot girl đại náo phố đi bộ Nguyễn Huệ. Hình ảnh tràn lan mạng xã hội hồi năm ngoái
Cãi nhau, chửi nhau trên mạng, đánh nhau, giết nhau ngoài đời đã chẳng còn mấy xa lạ. Và bạo lực học đường dễ dàng bắt nguồn chỉ từ những lời bình luận, chế nhạo, chê bai, hay nói xấu nhau trên Facebook.
Tháng 8 năm ngoái, "hot girl đại náo phố đi bộ Nguyễn Huệ" là câu chuyện được đông đảo độc giả quan tâm. Kẻ 8 lạng, người nửa cân, hàng trăm thanh thiếu niên kéo ra đây hò hét, hô hoán, “cổ vũ” cho “đội nhà”.
52 cái tát, nạn nhân chảy máu mũi, nhưng người đánh không hề run tay. Những hình ảnh xuất hiện trong đoạn clip lan truyền trên mạng xã hội hồi đầu tháng 5 vừa qua, được cho là ghi lại tại một trường ở Mộc Châu, khiến người xem choáng váng.
Mới đây, mạng xã hội lan truyền clip ghi lại cảnh học sinh cấp 2 bị ba nữ sinh khác đánh hội đồng ở Phú Yên. Nạn nhân là một cô bé còn đeo khăn quàng đỏ đã liên tục bị tát, đánh, đạp.
Trong cả ba vụ việc nêu trên, nhân vật chính đều là phe kẹp nơ, và nguyên nhân đều bắt nguồn từ mâu thuẫn trên Facebook.
Chúng ta đang sống trong thời của Facebook!
Một vị Hiệu trưởng ngao ngán thốt lên: “Nếu không có điện thoại, không có Facebook, các em sẽ không chửi nhau, nói xấu nhau thì chắc không có vụ đánh nhau”. Nhiều người đặt ra câu hỏi: Có nên cấm con sử dụng mạng xã hội (cụ thể là Facebook), hay cần giới hạn trong độ tuổi nào?
Bởi nếu bị cấm, trẻ sẽ không dám sử dụng Facebook và theo đó, sẽ không thể hiện cảm xúc, không chửi nhau và từ đó không dẫn đến đánh nhau? Nhưng có cấm được không? Câu trả lời chắc chắn là không.
Chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng. Những phát minh tuyệt vời từ công nghệ số đã giúp con người có thể kết nối với nhau, trò chuyện với nhau, thậm chí thể hiện tình cảm với nhau, dù cách cả nửa vòng Trái đất. Và việc sử dụng mạng xã hội, đặc biệt Facebook, đã trở thành xu hướng tất yếu.
Đây là một con số đáng giật mình về thói quen sử dụng Facebook của người dùng Việt Nam
Giữa tháng 6/2015, Facebook đưa ra những con số thống kê về thói quen sử dụng Facebook của người dùng Việt Nam như sau: Có 20 triệu người Việt Nam sử dụng Facebook mỗi ngày và trung bình mỗi người dành ra tới 2,5 giờ mỗi ngày để lang thang trên Facebook và đáng lưu ý, người dùng Facebook tại Việt Nam có độ tuổi khá trẻ.
Vậy bạn có cấm được con sử dụng Facebook khi mà ở trường được dạy vi tính, bạn bè trong lớp hầu như đã được bố mẹ cho phép sử dụng smartphone và trở thành một netizen (cư dân mạng) chính hiệu? Liệu bạn có muốn con bạn trở thành một “người đặc biệt” trong mắt mình (nhưng là kẻ dị biệt ở lớp)?
Thực tế, hồi năm ngoái, Nghị viện châu Âu đã thông qua một đạo luật, trong đó giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội đối với trẻ em ở các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU). Theo đó, trẻ em nằm trong độ tuổi từ 13 đến 16 trở lên mới có quyền đăng ký tài khoản sử dụng mạng xã hội, và tùy theo quy định ở mỗi quốc gia mà số tuổi có thể chênh lệch khác nhau để phù hợp với thực trạng.
Đạo luật này ngay lập tức bị các nhà phê bình cho là sẽ không thể phát huy hiệu quả tối đa. Bởi, hầu như các mạng xã hội đều giới hạn độ tuổi người đăng ký (chẳng hạn như đối với Facebook là từ 13 tuổi trở lên). Và rõ ràng, chỉ cần khai khống tuổi thực lên là trẻ hoàn toàn có thể tạo cho mình không chỉ một mà thậm chí nhiều tài khoản.
Chúng ta vẫn biết, nhu cầu tự nhiên của con người, và đặc biệt giới trẻ, là khám phá những điều lạ, làm những điều chưa từng làm, chinh phục những đỉnh cao chưa một lần được chạm đến… Nếu như bất chợt nhìn lại mình ở độ tuổi con bây giờ, nếu như sẵn sàng làm bạn với con, bạn sẽ thấy ở con những điều quen thuộc bạn từng trải qua.
Trẻ con thường thích làm người lớn. Và trong lĩnh vực công nghệ thông tin luôn có những tay hacker siêu hạng. Càng khó bẻ khóa thì hacker càng chịu khó mày mò. Nói một cách hài hước như một chuyên gia xã hội học có tiếng của nước ta, “cấm” chính là một trong những biện pháp khuyến khích, một trong những cách “vẽ đường cho hươu chạy” tới đích nhanh nhất.
Thay vì cấm, hãy trở thành người bạn lớn để con có thể tin tưởng và chia sẻ bất cứ điều gì về bạn bè, trường lớp. Hãy hướng dẫn con sử dụng có trách nhiệm và có giới hạn mạng xã hội.