Cướp đứa trẻ bị chôn sống và hành trình xóa bỏ hủ tục của người Xê Đăng

Môi trường - Ngày đăng : 08:24, 12/04/2016

Trở thành “tội đồ” vì cướp đứa trẻ sắp bị chôn sống theo mẹ nhưng cuối cùng chị Hiếu đã khiến mọi người phải “thức tỉnh” từ bỏ hủ tục lạc hậu tồn tại nhiều đời nay.

Những thói quen sinh hoạt từ xa xưa của đồng bào dân tộc thiểu số đã hình thành những hủ tục mà không ai dám làm trái. Trong đó phải kể đến hủ tục “lạnh người” chôn sống trẻ sơ sinh khi người mẹ không may qua đời.

Chính hủ tục này đã khiến hàng trăm người đàn ông phải sống trong cảnh cô độc và xót xa bởi họ vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân khi đã tự tay chôn đi đứa con của mình sau khi người vợ không may qua đời.

Theo sự chỉ dẫn tận tình của người dân, chúng tôi tìm về Trạm y tế xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Bên trong căn phòng đã ngả màu là người phụ nữ nhỏ nhắn Hồ Thị Hiếu (SN 1987) đang bận rộn khám bệnh cho các đồng bào người Xê Đăng trong làng.

Cướp đứa trẻ bị chôn sống và hành trình xóa bỏ hủ tục của người Xê Đăng

Chị Hồ Thị Hiếu bên chồng và con trai Hồ Quốc Khánh

Với nụ cười hiền hậu, dáng người mảnh khảnh ít ai biết chị Hiếu đã từng là một kẻ “tội đồ” khi cướp bé trai sơ sinh từ tay dân làng trước khi đứa trẻ này bị chôn sống theo mẹ.

Câu chuyện bắt đầu vào ngày 2/9/2011, hôm đó cả làng Tắc Giang chìm trong tang thương, ảm đạm khi sản phụ Hồ Thị Yên (32 tuổi) chuyển dạ hạ sinh một bé trai 2,5 kg rồi băng huyết tử vong ngay tại nhà.

“Đó là đứa con thứ 6 của vợ chồng chị Yên. Do hôm đó chị Yên không được đưa đến trạm y tế, dân làng chẳng ai biết cách cầm máu lại phải nằm giữa sàn nhà bằng đất trong nhiều giờ liền nên đuối sức rồi tử vong” - một người dân nhớ lại.

Cái chết của sản phụ Yên nhanh chóng lan truyền khắp cả làng, già làng cùng những người vị cao niên lập tức có mặt nhà anh Hồ Văn Xếp (chồng chị Yên). Giữa những người nhà nạn nhân và đại diện dân làng diễn ra một cuộc họp ngay trong ngày hôm đó. Theo tục lệ của làng từ trước đến nay thì đứa trẻ buộc phải chôn sống cùng với mẹ.

Lúc này, chị Hiếu đang làm việc tại thị trấn Nam Trà My thì nghe tin dữ khi dân làng chuẩn bị chôn sống đứa trẻ vừa mới chào đời. Thế nhưng, từ thị trấn lên Tắc Giang hơn 20 km, hơn nữa đường rừng lại khó đi, nếu đến nơi cũng phải mất mấy giờ đồng hồ, sợ không kịp, chị nhanh trí điện thoại cho em gái của mình tức tốc cướp đứa trẻ tháo chạy. “Nếu tôi chạy đến nơi sợ sẽ không kịp nên gọi cho em gái của mình lấy chồng ở Tắc Giang chạy đến nhà anh Xếp cướp đứa trẻ”, chị Hiếu kể lại.

Nhận được điện thoại của Hiếu, chị Hồ Thị Hoàng (em gái chị Hiếu) nhanh chóng cùng vài người bạn đến nhà gặp anh Xếp và già làng để thuyết phục. Khuyên mãi không được, chị Hoàng tranh thủ lúc không ai để ý ẵm đứa bé bỏ chạy. “Lúc đó không còn cách nào khác nên tôi đành phải làm như vậy. Sợ dân làng sống hai bên đường bắt lại nên chúng tôi phải băng đường rừng tháo chạy. Phải mất hai giờ đồng hồ mới đến được chỗ chị Hiếu đang nhờ người chở bằng xe máy lên đón”, chị Hoàng nói.

Về đến Trung tâm huyện, bé trai được chăm sóc tận tình nên sức khỏe nhanh chóng ổn định, chị Hiếu nhận đứa bé làm con và đặt tên Hồ Quốc Khánh. Hiếu nói rằng, cái tên đó là để nhớ về ngày 2/9, ngày mà một đứa trẻ suýt chút nữa bị chôn sống theo hủ tục lạc hậu của làng.

Thế nhưng cuộc sống của hai mẹ con không trôi qua êm đềm như chị nghĩ, vì những năm sau đó nữ y tá phải đối mặt với những lời buộc tội, xỉ vả của dân làng. Vì một thiếu nữ chưa chồng như chị Hiếu lại có con, mặc dù ai cũng biết không phải con đẻ nhưng đối với dân làng Xê Đăng, đó là một điều cấm kỵ. “Lúc đó tôi phải ở nhờ nhà người quen dưới huyện không dám về làng, Hoàng cũng ở đây gần 1 tháng rồi mới về. Họ không cho tôi đặt chân đến ngôi làng Xê Đăng nào vì sợ ‘con ma’ đeo bám”, chị Hiếu ngậm ngùi kể.

Trước khó khăn và áp lực mà dân làng gây ra, cứ ngỡ nữ y tá sẽ chùn bước nhưng chị vẫn ngày đêm nuôi hi vọng một ngày sẽ khiến cả làng “thức tỉnh” rời xa hủ tục.

“Một thời gian sau, khi Quốc Khánh đã lớn tôi quyết định đối mặt với họ. Tôi đến gặp già làng cùng các vị cao niên trong làng để giải thích không có con ma nào cả, cộng với sự tuyên truyền của chính quyền địa phương, cuối cùng người dân cũng bỏ qua. Họ không những tha thứ cho hành động của mình mà còn hứa xóa bỏ hủ tục này”, chị Hiếu vui mừng kể.

Bằng sự cam đảm và cố gắng, cuối cùng chị Hiếu đã khiến dân làng dân từ bỏ hủ tục lạc hậu tồn tại dai dẳng. Cảm phục trước hành động của chị, một chàng trai người Cơ Tu ở huyện Nam Giang đem lòng yêu thương nữ y tá. Cuối năm vừa rồi cả hai đã nên nghĩa vợ chồng. Ngày cưới của chị được rất nhiều người dân Xê Đăng đến chung vui và chúc mừng.

Sơn Tùng