Số tiền uống rượu, bia ở Việt Nam có thể nuôi sống 21 triệu người/năm
Môi trường - Ngày đăng : 17:49, 08/01/2016
Theo kết quả nghiên cứu mới nhất của Tổ chức HealthBridge tại Việt Nam, 57,72% hộ gia đình Việt Nam dùng rượu bia thường xuyên. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, những hộ gia đình sử dụng rượu, bia thường xuyên là những hộ gia đình có chủ hộ là nam giới; gia đình có nhiều thành viên nam giới; có thu nhập cao; sống ở vùng nông thôn; chủ hộ không thuộc dân tộc kinh…
Ths. Bs. Phạm Thị Hoàng Anh, Giám đốc Tổ chức HealthBridge tại Việt Nam
Đặc biệt ở Việt Nam những hộ gia đình có học vấn cao, ở thành thị tiêu dùng nhiều rượu, bia hơn các hộ ở nông thôn. Bà Phạm Thị Hoàng Anh khẳng định, điều này hoàn toàn trái ngược với kết quả nghiên cứu ở các nước phát triển.
Ngoài ra, chi tiêu cơ bản (thực phẩm, y tế và giáo dục) ở các hộ có người uống rượu, bia luôn thấp hơn so với các hộ khác ở hầu hết các nhóm chi tiêu. Cụ thể, các thành viên gia đình ở các hộ có người uống rượu, bia thường xuyên ít được đầu tư về dinh dưỡng, chăm sóc y tế và giáo dục so với các thành viên ở các hộ không có người uống rượu, bia.
Sự chênh lệch thể hiện rõ ràng nhất trong chi tiêu y tế và giáo dục ở các nhóm nghèo. Chi tiêu trên đầu người cho giáo dục và y tế ở các hộ nghèo có sử dụng rượu, bia chỉ bằng 48% và 60% so với hộ không có người sử dụng rượu, bia.
Theo thống kê, tổng chi tiêu cho rượu, bia của Việt Nam là 16.372 tỷ đồng, số tiền này có thể mua 1.770.000 tấn gạo đủ để nuôi sống gần 21 triệu người/năm. Nếu số tiền mua rượu, bia được dùng để mua xe máy thì có thêm 12,5% hộ nghèo hiện chưa có xe máy sẽ được sử dụng phương tiện đi lại phổ biến này.
Trong khi những người uống rượu bia ở các gia đình sống dưới ngưỡng nghèo uống 2 cốc rượu, bia/5 ngày thì trẻ em trong các gia đình này uống chưa đến 1 cốc sữa/năm. Theo tính toán, nếu số tiền mua rượu, bia ở các gia đình này được dùng mua sữa thì trẻ em sẽ được uống 1 cốc sữa/3 ngày thay vì ít hơn 1 cốc sữa/năm.
Theo bà Phạm Thị Hoàng Anh việc tiếp cận rượu, bia ở Việt Nam tương đối dễ dàng. Khu vực đô thị được đánh giá là tiêu thụ rượu, bia nhiều hơn nông thôn. Nguồn gốc của rượu, bia chủ yếu từ nhà máy và tư nhân tự nấu. Giá rượu, bia được xem là bình thường so với mức thu nhập của người dân, thậm chí còn rẻ đối với một số nhóm xã hội là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng lạm dụng rượu, bia ngày càng gia tăng.
Để giảm thiểu thấp nhất hậu quả mà rượu, bia gây ra bà Phạm Thị Hoàng Anh cho rằng, cần phải đẩy mạnh tăng cường truyền thông về tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe và gánh nặng kinh tế của sử dụng rượu, bia đối với hộ gia đình, tập trung cho vùng nông thôn và dân tộc thiểu số.
Tăng thuế và giá rượu, bia để giảm sức mua rượu, bia đây là giải pháp tốt trong giảm tiêu thụ rượu, bia đã được các nước trên thế giới áp dụng và mang lại hiệu quả tốt. Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu, bia cần được lồng ghép vào các chương trình bình dằng giới và xóa đói giảm nghèo.