Phải xóa bỏ tình trạng bổ nhiệm “đúng quy trình” người không xứng đáng

Chính trị - Ngày đăng : 23:45, 27/12/2016

Đây là phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Bộ Nội vụ chiều 26/12.

Từ kết quả thực tế mà ngành nội vụ đã thực hiện trong năm 2016 liên quan đến lĩnh vực này cho thấy đây là chỉ đạo cần thiết hiện nay.

Nhiều sai sót trong bổ nhiệm cán bộ

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, năm 2016, ngành nội vụ đã bám sát định hướng, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Chính phủ… để chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ. Công tác xây dựng thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước được tập trung chỉ đạo quyết liệt, bảo đảm tiến độ và chất lượng. Công tác cải cách hành chính được tiến hành đồng bộ và có những chuyển biến tích cực; việc chỉ đạo, điều hành được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đến các địa phương…

Đáng chú ý, ngành nội vụ đã tập trung tối đa mọi nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ của mình. Trong đó có việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách về tổ chức bộ máy và quản lý biên chế và tiến hành thanh tra một số lĩnh vực như: quản lý, sử dụng biên chế công chức, số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập; bổ nhiệm, bổ nhiệm lại; số lượng cấp phó; tuyển dụng công chức; ký hợp đồng lao động…

 Đồng thời, Bộ Nội vụ cũng tiến hành thanh tra đột xuất theo yêu cầu của Thủ tướng. Qua thanh tra đã phát hiện ra những thiếu sót, sai phạm của một số Bộ, ngành, địa phương. Điển hình như việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại không thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục, người được bổ nhiệm chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn; tuyển dụng cán bộ không qua thi tuyển, tiếp nhận công chức không đúng đối tượng, không đáp ứng đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn… Thanh tra Bộ Nội vụ cũng đã kiến nghị cấp có thẩm quyền thực hiện các giải pháp khắc phục.

Phải xóa bỏ tình trạng bổ nhiệm “đúng quy trình” người không xứng đáng

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị

Lãnh đạo Bộ Nội vụ cũng đã chỉ ra một số những bất cập, hạn chế cần khắc phục hiện nay, đó là: Việc xây dựng và ban hành một số văn bản, đề án còn chậm tiến độ, chất lượng chưa cao, phải xin lùi. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo cải cách hành chính chưa thực sự quyết liệt, việc quán triệt, tuyên truyền và chỉ đạo tổ chức thực hiện, bố trí nguồn lực cho công tác này còn hạn chế. Tổ chức bộ máy một số cơ quan nhà nước chưa tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả chưa cao. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước còn chậm, chưa phù hợp với yêu cầu đặt ra. Bộ máy các cơ quan hành chính Nhà nước còn cồng kềnh, phức tạp, thiếu ổn định; lĩnh vực quản lý chồng chéo, vướng mắc.

Việc thực hiện tinh giản biên chế chưa theo đúng mục tiêu, trình tự quy định, mới chỉ dừng ở việc giải quyết theo nguyện vọng cá nhân, chưa thể hiện trách nhiệm của người đứng đầu và căn cứ vào đánh giá phân lọai công chức, viên chức. Một số bộ, ngành địa phương thực hiện tinh giản biên chế không theo đúng trình tự quy định và giải quyết tinh giản biên chế theo nguyện vọng cá nhân; có những trường hợp không thuộc đối tượng tinh giản biên chế vẫn đưa vào diện tinh giản nên trong quá trình thẩm tra đối tượng tinh giản biên chế, Bộ Nội vụ đã không thẩm tra hoặc không đồng ý thực hiện việc tinh giản này.

Phải minh bạch, công khai trong tuyển dụng

Ngoài những vấn đề nêu trên, trong Báo cáo công tác của Bộ Nội vụ cũng đã chỉ ra những bất cập, hạn chế cần khắc phục. Đó là, sau nhiều năm triển khai thực hiện Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành cho thấy còn có những khoảng trống pháp lý, những bất cập chậm được sửa đổi, bổ sung, cần có tổng kết, đánh giá để sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước trong giai đoạn mới. Từ sự thiếu chặt chẽ đó dẫn đến tình trạng đề bạt, bổ nhiệm cán bộ ở một số địa phương chưa đúng quy định gây bức xúc dư luận. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chưa đồng đều, có nơi còn yếu, nhất là năng lực phát hiện vấn đề, tham mưu và đề xuất các biện pháp giải quyết; một số trường hợp cán bộ, công chức khi giải quyết công việc liên quan đến tổ chức và người dân chưa tận tụy, thiếu trách nhiệm, hoặc nhũng nhiễu, tiêu cực.

 Kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa được chấp hành một cách nghiêm túc, còn lỏng lẻo nên dẫn đến tình trạng tùy tiện, vô nguyên tắc trong giải quyết công việc ở các cơ quan hành chính. Việc tổng kết Đề án tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức để có đánh giá kết quả thực hiện và đề xuất phương hướng nhiệm vụ mới phải làm tiếp theo chưa được tiến hành, do đó cải cách công vụ, công chức có xu hướng bị chững lại. Công tác thanh tra chưa kịp thời phát hiện những hạn chế của cơ chế, chính sách để đề nghị sửa đổi, chưa tiến hành thanh tra đối với những lĩnh vực khác như đào tạo, bồi dưỡng, quản lý Hội, tổ chức phi Chính phủ, cải cách hành chính…

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã chỉ rõ những hạn chế, cần tập trung khắc phục. Theo đó, Bộ Nội vụ cần tiếp tục cải cách thể chế để đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước trong lĩnh vực được phân công; chấm dứt tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn như hiện nay.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Việc tuyển chọn công chức, viên chức cần công khai tiêu chí, tiêu chuẩn, minh bạch để ứng viên cạnh tranh với khả năng thực sự, đáp ứng yêu cầu tuyển dụng. Rà soát sửa đổi ngay các thủ tục, quy trình bất hợp lý, sớm xoá bỏ tình trạng chạy chọt, tuyển dụng và bổ nhiệm người nhà. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, giải quyết dứt điểm các vụ việc nổi cộm được dư luận quan tâm; không để xảy ra tình trạng bổ nhiệm “đúng quy trình” nhưng người được bổ nhiệm không xứng đáng, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Bộ Nội vụ cần tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, ngành, chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn cấp tỉnh. Có chính kiến rõ ràng về cơ cấu tổ chức, phương án phân định thẩm quyền giữa các cơ quan phụ trách các lĩnh vực. Đôn đốc, kiểm tra, đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước, phát huy vai trò là cơ quan thường trực về cải cách hành chính, tích cực phối hợp với các bộ, ngành làm tốt công tác tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả và thông suốt từ Trung ương đến địa phương. Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học, tập trung nghiên cứu sâu, chú trọng tính ứng dụng, kịp thời, thiết thực, phục vụ quản lý Nhà nước.

Đặc biệt, Bộ Nội vụ cũng cần tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, bảo đảm đoàn kết nội bộ và đề cao kỷ cương, kỷ luật hành chính trong hoạt động công vụ. Thực hiện đồng bộ các giải pháp về phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hiện công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan Nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu. 

Mai Thoa