Hội nghị truyền thông về xuất khẩu lao động
Đời sống - Ngày đăng : 15:19, 04/10/2019
Trong những năm qua, công tác xuất khẩu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tính chung từ năm 2006 đến nay, Việt Nam đã đưa được hơn 1 triệu lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Cùng với số lượng, chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng không ngừng được nâng cao; ngành nghề đưa đi được mở rộng, trong đó có nhiều ngành nghề mới như: Điều dưỡng, hộ lý, lao động trong một số lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, lao động có tay nghề, kỹ thuật cao.
Hoạt động xuất khẩu lao động đã và đang đóng góp quan trọng vào công tác giải quyết việc làm hàng năm
Các thị trường chính của Việt Nam tiếp tục được củng cố và tăng cường, đặc biệt là thị trường khu vực Đông Bắc Á, Trung Đông, Malaysia và gần đây là một số thị trường Châu Âu cũng có những tín hiệu tích cực về việc tiếp nhận lao động Việt Nam.
Hiện nay, cả nước đã có 362 doanh nghiệp có giấy phép dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với khoảng 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở trên 40 nước và vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm ngành nghề.
Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước phát biểu tại hội nghị
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe và thảo luận các nội dung về: Kết quả thực hiện Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, định hướng sửa đổi Luật giai đoạn 2020 – 2030; Giải pháp nâng cao chất lượng tuyển chọn nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài; Một số vấn đề về Luật và thực hiện Luật Người Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; Xử lý khủng hoảng truyền thông; Đẩy mạnh đào tạo văn hóa ứng xử cho người lao động thích ứng với thị trường lao động quốc tế;…
Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH khẳng định: Hoạt động xuất khẩu lao động đã và đang đóng góp quan trọng vào công tác giải quyết việc làm hàng năm, bình quân khoảng 10% tổng số lao động được giải quyết việc làm của cả nước. Với mức thu nhập tốt, nhiều lao động sau khi đi xuất khẩu lao động về nước đã có cuộc sống tốt hơn.
Qua đó, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương có đông người đi xuất khẩu lao động. Cùng với đó là tạo ra một đội ngũ nhân lực chất lượng cao được tôi luyện dài ngày trong môi trường làm việc tiên tiến, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.
Toàn cảnh hội nghị truyền thông về nâng cao chất lượng xuất khẩu lao động
Tuy nhiên, bên cạnh nhiều thành tựu đáng ghi nhận, công tác truyền thông về xuất khẩu lao động thời gian qua cũng còn những hạn chế. Điều này dẫn đến tình trạng một bộ phận người lao động còn thiếu thông tin, khả năng tự liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp xuất khẩu lao động, còn có tình trạng doanh nghiệp cần tuyển người thì không có, trong khi người cần đi xuất khẩu lao động thì không biết nơi cần tuyển dụng ở đâu, dẫn đến xảy ra các trường người lao động bị kẻ xấu lừa đảo, gây tâm lý hoang mang trong xã hội.
Để khắc phục những hạn chế này, một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả là công tác truyền thông về xuất khẩu lao động. Theo đó, thông tin cần được truyền thông nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời đến với mọi tầng lớp nhân dân, nhất là tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa…