Công bố nội dung bản dịch bia đá Chăm Pa gần 6 thế kỷ

Đời sống - Ngày đăng : 14:49, 04/10/2019

Sáng 4/10, bia đá cổ Chăm Pa ở huyện Đăk Pơ (Gia Lai) được các chuyên gia trong và ngoài nước công bố về việc giải mã chữ viết tồn tại gần 6 thế kỷ.

Buổi công bố bản dịch có Giáo sư, tiến sỹ, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Ngọc – Phó chủ tịch Hội khảo cổ học Việt Nam; Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Vân  - Nguyên GĐ bảo tàng tỉnh Gia Lai; Giáo Sư Andrew Hardy – Trưởng Văn phòng đại diện Trường Viễn Đông Bác cổ; Ông Nguyễn Trọng Thuỷ - Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Pơ.

Công bố nội dung bản dịch bia đá Chăm Pa gần 6 thế kỷ

Quang cảnh buổi họp báo.

Theo đó, vào năm 1962, một người dân tên Nguyễn Xuân Thành (nay khoảng 80 tuổi, trú tại thôn Tư Lương, xã Tân An-Đăk Pơ), phát hiện tảng đá có khắc những dòng chữ lạ. Nghi ngờ đây là nơi có báu vật, nên cụ đã không khai báo với lực lượng chức năng. Sau một thời gian dài tìm kiếm, không phát hiện được gì nên thông tin đã tới lực lượng chức năng.

Tại buổi họp báo, UBND huyện Đăk Pơ thông tin: Địa điểm được phát hiện bãi đá Chăm Pa cổ là thôn Tư Lương xã Tân An. Nội dung bia đá Chăm Pa thể hiện “Ngợi ca! Đã từng có một chúa tể tối cao của các vị vua, con trai hoàng thượng Jayasinhavarma thuộc dòng dõi Vrsu, quý tộc của thành phố hoàng gia Nauk Glaun Vijaya.….”

Công bố nội dung bản dịch bia đá Chăm Pa gần 6 thế kỷ

Các chuyên gia tham quan bia đá cổ Chăm Pa.

Đây là một phát hiện thú vị về văn hoá Chăm Pa cổ trên vùng đất Tây Nguyên nói riêng và dải đất miền Trung nói chung. Theo đánh giá của Giáo sư, Tiến sỹ, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Ngọc – Phó Chủ tịch Hội khảo cổ học Việt Nam thì dấu tích bia đá cổ Chăm Pa được phát hiện tại thôn Tư Lương cho thấy có dấu tích của người Chăm Pa thượng ở Tây Nguyên là chính xác.

Nó có từ trước khi vua Lê Thánh Tông tiến hành cuộc chiến giữa Đại Việt và Chiêm Thành năm 1471.

Công bố nội dung bản dịch bia đá Chăm Pa gần 6 thế kỷ

Giáo Sư Andrew Hardy – Trưởng Văn phòng đại diện Trường Viễn Đông Bác cổ trao đổi thông tin tại buổi công bố.

Sau buổi công bố, đoàn chuyên gia cùng chính quyền địa phương và các phóng viên đã đi khảo sát thực tế tại điểm phát hiện ra hòn đá có khắc chữ Chăm Pa cổ.

Theo các chuyên gia, văn hoá Chăm Pa cổ cần được khảo sát kỹ, để tránh mất và thất lạc di tích lịch sử văn hoá cổ.

Trần Sỹ