“Bảo tàng mini” về nông nghiệp độc nhất vô nhị ở xứ Thanh
Đời sống - Ngày đăng : 13:24, 24/07/2019
Tuổi thơ “bầu bạn” với cái cày, cái cuốc
Ông Nguyễn Hữu Ngôn (hiện đang là Tổng Biên tập kiêm Phó Giám đốc Nhà Xuất bản Thanh Hóa) từng sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo, ngày ngày làm bạn với cái cày, cái cuốc nên tình yêu nông thôn đã ngấm vào máu thịt, suy nghĩ của ông. Từ thuở thiếu niên, ông rất đam mê sưu tầm những vật dụng sản xuất của người nông dân. Bởi vậy, ông lúc nào cũng nuôi giấc mơ có một bảo tàng lưu giữ, bảo tồn nhiều hiện vật độc đáo của ngành nông nghiệp và những vật dụng sinh hoạt của người nông dân qua các thời kỳ lịch sử.
Ông Nguyễn Hữu Ngôn bên những dụng cụ lao động sản xuất của người nông dân
Để hiện thực hóa nỗi đau đáu trong lòng bấy lâu, ông bắt đầu “cuộc hành trình ngược dòng thời gian” tìm về những giá trị lịch sử xa xưa. Ông rong ruổi khắp nơi trên chiếc xe đạp cà tàng, về tận vùng quê xa xôi, hẻo lánh để tìm kiếm, nhặt nhạnh những đồ dùng sinh hoạt, dụng cụ sản xuất nông nghiệp người ta không dùng nữa đem về nhà mình. Với đồng lương ít ỏi hàng tháng kiếm được, ông đều dành vào việc thu mua các đồ vật gắn bó mật thiết với người nông dân. Ông còn làm thêm nghề chụp ảnh, viết sách báo để thực hiện bằng được ước nguyện.
Ông Ngôn kể: “Có lần bắt gặp các bà, các cô đang quẩy gánh hàng rong, tôi liền đến bắt chuyện và hỏi mua lại chiếc gánh, đôi quang. Ban đầu, họ nhìn tôi bằng ánh mắt ngỡ ngàng nhưng nhìn thấy sự chân thành và sự nóng lòng muốn sở hữu chúng nên có người còn tặng luôn cho tôi đôi quang, gánh đã gắn bó bó với họ hàng chục năm”.
Từ đó, những đồ vật không đáng giá lần lượt theo ông về nhà, lúc là cái liềm, cái cuốc, cái xẻng, cái cưa,... lúc là cái đĩa, cái bát, cái cối, cái niêu,…của các bác nông dân…hay cái mõ, cái gùi,… của người Mường.
Mong muốn có Bảo tàng Nông nghiệp Việt Nam
Sau hơn 30 năm nhọc công sưu tầm và lưu giữ, hàng ngàn hiện vật đã “hội tụ” trong ngôi nhà 3 tầng của gia đình. Trong “bảo tàng mini” này có rất nhiều các hiện vật về nông nghiệp, nông thôn và các dụng cụ sinh hoạt trong đời sống của người nông dân Việt Nam qua các thời kỳ.
Các hiện vật được ông Nguyễn Hữu Ngôn sắp xếp, phân loại thành từng nhóm như: công cụ lao động sản xuất (cày, bừa, rìu đồng, rìu đá, cuốc, xẻng,…); các công cụ đánh bắt; công cụ chế biến, bảo quản lương thực, thực phẩm (đồ sành, gốm, sứ như vại, chum, xồm, kiệu,…); các đồ dùng sinh hoạt (nồi, niêu, chõ, niếng,…). Đây là nét đặc trưng riêng của làng quê, mang vẻ đẹp của hồn quê Việt. Riêng hệ thống nồi của nông dân xưa, ông có cả bộ từ nồi một, nồi hai cho đến nồi ba mươi. Đặc biệt, ông còn sưu tầm các văn bản cổ xưa về nông nghiệp như: địa bạ, hương ước, sắc phong, văn bản xây dựng thời kỳ Hợp tác xã nông nghiệp (năm 1958),…
Ông Ngôn mong muốn có thể xây dựng một bảo tàng nông nghiệp của cá nhân
Để bảo lưu, tôn vinh, phát huy những giá trị văn minh nông nghiệp mà người Việt đã sáng tạo hơn 4000 năm qua, năm 2012, ông Nguyễn Hữu Ngôn đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Bảo tàng Nông nghiệp Việt Nam. Kết quả là, ông đã nhận được 2 văn bản trả lời của Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, đánh giá cao ý tưởng , khát vọng của ông.
Ông Ngôn phấn khởi chia sẻ: “Lãnh đạo của Hội Nhà văn Việt Nam cũng có chung ý tưởng xây dựng Phòng Nông nghiệp ở Bảo tàng Nhà văn Việt Nam để làm nơi giảng dạy cho học sinh về những tác phẩm nông nghiệp, và tôi đã tặng cho họ rất nhiều hiện vật”.
Đến nay, ông vẫn đau đáu khát vọng có thể xây dựng một bảo tàng nông nghiệp của cá nhân để trưng bày những hiện vật mà ông đã dày công sưu tầm và gìn giữ trong suốt hơn 30 năm qua.