Tháng 5, nhớ về con đường huyền thoại

Đời sống - Ngày đăng : 11:46, 07/05/2019

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, đường Trường Sơn, hay đường mòn Hồ Chí Minh là con đường huyết mạch nối hai miền Nam – Bắc.

Con đường huyền thoại này không chỉ là biểu hiện ý chí sắt đá, quyết tâm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, mà còn là biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết chiến đấu của nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia và bạn bè quốc tế.

Cầu nối giữa hai miền Nam - Bắc

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền. Để giữ vững liên lạc giữa hai miền Nam - Bắc, bảo đảm cho Trung ương Đảng chỉ đạo phong trào cách mạng ở miền Nam, ta mới chỉ có một tuyến liên lạc qua miền tây Quảng Trị do Liên khu ủy 5 phụ trách, chỉ đạo từ giới tuyến trở vào và Ủy ban Thống nhất Trung ương phụ trách từ giới tuyến trở ra. Tuy nhiên, con đường này không thể đáp ứng được yêu cầu vận tải người và vũ khí với số lượng lớn khi cách mạng miền Nam phát triển.

Bước sang năm 1959, cách mạng miền Nam đứng trước một bước ngoặt, đòi hỏi Đảng ta phải có quyết sách kịp thời. Tháng 1/1959, Hội nghị Trung ương lần thứ 15 đã đề ra nhiệm vụ cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới. Hội nghị khẳng định nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là giải phóng miền Nam; phương pháp cách mạng và phương thức đấu tranh là dùng bạo lực cách mạng, từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, đánh đổ quyền thống trị của đế quốc, phong kiến; trước mắt là đánh đổ tập đoàn thống trị Ngô Đình Diệm tay sai của Mỹ, thiết lập chính quyền cách mạng. Việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15 của Đảng về nhiệm vụ chi viện cho miền Nam, việc nhanh chóng mở đường vận chuyển chi viện chiến lược cho các chiến trường trở thành một nhiệm vụ hết sức quan trọng, cấp bách của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta.

Tháng 5, nhớ về con đường huyền thoại

Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ - vị Tư lệnh đầu tiên của đường Trường Sơn huyền thoại

Ngày 5/5/1959, Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, thừa lệnh Bộ Chính trị trực tiếp giao nhiệm vụ cho Thượng tá Võ Bẩm, nguyên Cục trưởng Cục Nông trường tổ chức Đoàn công tác quân sự đặc biệt làm nhiệm vụ mở đường vận chuyển hàng quân sự vào Nam, tổ chức đưa đón bộ đội, cán bộ, chuyển công văn, tài liệu từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc.

Đến ngày 9/5/1959, Thường trực Quân ủy triệu tập ban cán sự chính thức giao nhiệm vụ cho đoàn mở đường Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong năm 1959, đoàn có nhiệm vụ soi đường bảo đảm giao thông liên lạc từ miền Bắc vào miền Nam, vận chuyển gấp một số hàng quân sự theo yêu cầu của Liên khu 5, bảo đảm cho việc đưa 500 cán bộ hành quân vào chiến trường làm nòng cốt xây dựng lực lượng chủ lực.

Với ý đồ chiến lược bí mật, chủ động tiến công, Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy Bộ Quốc phòng yêu cầu đoàn tuyệt đối giữ bí mật, không để đối phương biết được sự chi viện của miền Bắc đối với miền Nam, dù chỉ một hoạt động nhỏ lẻ, đây là vấn đề có tính nguyên tắc. Để hoàn thành nhiệm vụ, Tổng Quân ủy quyết định biên chế bước đầu cho đoàn là 500 cán bộ, chiến sĩ. Ngoài đoàn bộ, đoàn sẽ tổ chức tiểu đoàn vận tải bộ 301 và các bộ phận xây dựng kho, bao gói hàng, sửa chữa vũ khí, chế biến thực phẩm.

Do được thành lập vào tháng 5/1959, Đoàn được mang phiên hiệu Đoàn 559. Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1959) và cũng là Ngày Bộ Chính trị và Thường trực Tổng Quân ủy giao nhiệm vụ mở tuyến chiến lược Trường Sơn cũng được xác định là Ngày truyền thống của Đoàn 559, Bộ đội Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh.

Thể hiện quyết tâm của Đảng và tình cảm của Bác Hồ

Sau một thời gian gấp rút chuẩn bị, đầu tháng 6/1959, Đoàn 559 tổ chức đội khảo sát mở tuyến vào Nam bắt đầu từ Khe Hó (nằm giữa một thung lũng ở tây nam Vĩnh Linh, Quảng Trị), sau đó vạch tuyến phát triển về hướng Tây Nam, điểm đặt trạm cuối cùng là Pa Lin, kế cận trạm tiếp nhận của Khu 5. Con đường này phải vượt qua nhiều dãy núi cao hiểm trở, khí hậu vô cùng khắc nghiệt. Để bảo đảm tuyệt đối bí mật, khẩu hiệu hành động của Đoàn là: “Ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”; phải chủ động tránh địch và bí mật.

“Do phải đảm bảo yêu cầu tuyệt đối bí mật, an toàn, nên phần lớn đường Trường Sơn đều được mở xuyên qua những cánh rừng. Toàn suối sâu, vực thẳm, hang hốc... Có khi vừa rải đường, xếp đá xong, mưa một trận là sụt xuống, anh em lại phải làm lại từ đầu. Đó là chưa kể máy bay địch quần thảo, bắn phá suốt ngày. Để tránh bom, những lái xe chuyên chở vũ khí trong các đơn vị vận tải như chúng tôi thường chỉ chạy khi trời tối, cao điểm là lúc gần sáng. Đó là thời điểm các máy bay ném bom của Mỹ trở về căn cứ...”, ông Trương Văn Lợi (SN 1939, ở Văn Lợi, Quỳ Hợp, Nghệ An), cựu lái xe đường Trường Sơn, chuyên phục vụ cho chiến trường Quảng Trị năm xưa chia sẻ.

Tháng 5, nhớ về con đường huyền thoại

Đường Trường Sơn lịch sử

Ngày 13/8/1959, chuyến hàng đầu tiên chính thức vượt Trường Sơn. Sau 8 ngày đêm băng rừng lội suối và hệ thống đồn bốt chốt của địch, ngày 20/8/1959, chuyến hàng đầu tiên được bàn giao cho chiến trường Trị Thiên tại Tà Riệp, gồm 20 khẩu tiểu liên, 20 khẩu súng trường, 10 thùng đạn tiểu liên và đạn súng trường. Chuyến hàng đầu tiên tuy ít ỏi, song đã làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ Khu 5, thể hiện quyết tâm của Đảng và tình cảm của Bác Hồ, của quân, dân miền Bắc gửi tới đồng bào, chiến sĩ miền Nam.

Chỉ trong vòng mấy tháng ngắn ngủi của năm 1959, Đoàn 559 đã chuyển được vào Khu 5 số hàng gồm 1.667 khẩu súng bộ binh, hàng trăm nghìn viên đạn và một số quân dụng thiết yếu khác, đưa 542 cán bộ, chiến sĩ vào làm nhiệm vụ ở miền Nam. Còn tính đến ngày Việt Nam hoàn toàn thống nhất, toàn bộ tuyến đường Trường Sơn vừa được xây dựng, vừa thực hiện nhiệm vụ vận chuyển, cung cấp binh lực, lương thực và vũ khí khí tài để chi viện cho chiến trường miền Nam trong suốt gần 6000 ngày đêm không ngơi nghỉ (từ năm 1959 - 1975).

Cũng trong 16 năm đằng đẵng ấy, các lực lượng công binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến Trường Sơn gồm khoảng 120.000 người đã đổ không biết bao mồ hôi, xương máu để “san núi, bạt rừng” làm nên mạng đường liên hoàn, vững chắc với 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang, nối Đông với Tây Trường Sơn, vươn tới các chiến trường, với tổng chiều dài gần 20.000km…

Góp phần tái thiết, dựng xây đất nước       

Vậy là từ một nhóm nhỏ cán bộ soi đường, đến tiểu đoàn giao liên đầu tiên dẫn quân, đã hình thành một binh đoàn mang tên Binh đoàn Trường Sơn – Đoàn 559; Từ lối mòn men theo dãy Trường Sơn, đã hình thành hệ thống đường trục dọc, trục ngang, với đường bộ, đường sông, đường ống xăng dầu, dài gần 2 vạn km. Trên hệ thống giao thông này, hơn một triệu tấn hàng hóa, vũ khí được đưa vào các chiến trường; hơn 2 triệu lượt người, 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn, 90 đơn vị binh chủng kỹ thuật vào Nam ra Bắc.

Đã có biết bao tấm gương hi sinh anh dũng để bảo vệ cho tuyến đường huyết mạch. Mỗi mét đường, mỗi cây cỏ đều thấm đượm mồ hôi, xương máu của biết bao anh hùng, liệt sỹ mới mười tám đôi mươi mãi mãi nằm xuống nơi đây. Họ đã hiến dâng tuổi thanh xuân làm nên con đường lịch sử, vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước… Trong suốt quá trình chiến đấu trên tuyến, có 19.387 cán bộ chiến sĩ của ta đã anh dũng hy sinh, hơn 32.000 người bị thương. Bộ đội đường Hồ Chí Minh có 77 đơn vị được tuyên dương đơn vị anh hùng và 44 chiến sỹ được tuyên dương anh hùng quân đội. Trong đó, các đồn trạm công an nhân dân vũ trang đóng dọc đường mòn Hồ Chí Minh như Cha Lo, Làng Ho, Cà Xèng, Óc Sách, Cù Bai… đã tổ chức cho hàng ngàn lượt cán bộ chiến sĩ tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu để bảo vệ tuyến đường.

Cũng trên con đường này, Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân đã tạo nên một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng khi bất chấp nguy hiểm lao ra khỏi công sự, đứng bên khẩu đội 3 hô lớn: “Nhằm thẳng quân thù, bắn”. Bị bom Mỹ cắt gãy nát đùi bên phải, anh đã yêu cầu y tá cắt nốt phần thịt dính vào chân cho đỡ vướng và tiếp tục tỉnh táo theo dõi cuộc chiến, biểu dương kịp thời các chiến sĩ lập công. Sau trận chiến ác liệt, anh đã hi sinh. Năm 1967, Nguyễn Viết Xuân được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ tranh nhân dân. Bia di tích trận đánh lịch sử của anh cùng đồng đội giờ đây vẫn hiện hữu trên vị trí trận địa năm nào tại xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.

Trong suốt những năm kháng chiến, các cán bộ, chiến sỹ trên tuyến đường Trường Sơn luôn bám đường, đồng cam cộng khổ cùng các lực lượng bộ binh, công binh, pháo binh, hậu cần và các lực lượng giao liên, thanh niên xung phong, lái xe, văn nghệ sĩ trên đường ra tiền tuyến. Đồng thời, họ còn có nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự địa bàn biên giới, chống gián điệp biệt kích và cùng đồng bào  các dân tộc tiến hành đảm bảo bí mật, an toàn cho tuyến đường.

Trong tập sách “Phan Trọng Tuệ - vị Tư lệnh đầu tiên của đường Trường Sơn huyền thoại”, có một phần hồi kí “Mùa mưa Trường Sơn 1965” do chính ông kể lại cho hai cán bộ Nhà xuất bản Giao thông vận tải là Nghiêm Đa Văn và Đức Ngọc chấp bút có đoạn: “Theo chỉ thị của trên, chúng tôi chỉ đạo các đồn biên phòng đóng dọc Trường Sơn, làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, vừa giúp đỡ cách mạng của nước bạn, vừa lo xây dựng cơ sở quần chúng, giúp đỡ bảo vệ các đoàn cán bộ vào Nam và ra Bắc, theo các tuyến đường dây giao liên…”.

Có thể nói, đường Trường Sơn hay đường Hồ Chí Minh đã làm thay đổi cục diện trên chiến trường Việt Nam, đưa cách mạng nước ta đi tới thắng lợi vẻ vang như lời đánh giá của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Đường Trường Sơn đến mùa Xuân năm 1975 đã góp phần quan trọng vào thắng lợi huy hoàng, giải phóng hoàn toàn miền Nam thân yêu”. Sau chiến tranh, con đường huyền thoại này lại gánh vác một sứ mệnh vô cùng to lớn trong công cuộc tái thiết đất nước. Mấy năm gần đây, suốt dọc con đường mang tên Bác đã và đang mọc lên rất nhiều khu công nghiệp, nhà máy giúp giải quyết việc làm cho hàng ngàn, hàng vạn lao động nông thôn, góp phần xoá đói giảm nghèo. Từ con đường mòn trong chiến tranh, giờ đường Hồ Chí Minh đã và đang hiện hữu trong từng hơi thở cuộc sống, trong từng bước phát triển của đất nước.

Nam Hoàng