Cần giải quyết dứt điểm 142 kiến nghị của cử tri còn tồn đọng

Chính trị - Ngày đăng : 10:16, 15/11/2016

Sáng 15/11, Chủ tịch Quốc hội đã phát biểu khai mạc mở đầu phiên chất vấn. Tiếp đó, Quốc hội đã nghe Trưởng Ban dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, QH khóa XIII.

Cần giải quyết dứt điểm 142 kiến nghị của cử tri còn tồn đọng

Trưởng Ban dân nguyện của UBTVQH Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri

Khắc phục được tình trạng chậm trả lời kiến nghị cử tri

Báo cáo cho thấy từ sau kỳ họp thứ 10 đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, 63 Đoàn đại biểu Quốc hội đã tổ chức 823 cuộc tiếp xúc cử tri, tổng hợp 2.613 kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội. Sau khi phân loại, xử lý các kiến nghị trùng nội dung, kiến nghị không rõ nội dung, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương, còn 914 kiến nghị.

Nội dung kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, tập trung chủ yếu vào 8 nhóm vấn đề chính: nông nghiệp, nông dân, nông thôn; giải quyết việc làm và an sinh xã hội; văn hóa, giáo dục, y tế; kế hoạch, đầu tư, tài chính và ngân sách; sản xuất, kinh doanh, quản lý thị trường; giao thông vận tải, quản lý xây dựng; tài nguyên và môi trường; xây dựng Nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật và hoạt động của các cơ quan tư pháp… Toàn bộ 914 kiến nghị của cử tri đã được các cơ quan có thẩm quyền tiếp thu giải quyết. Tính đến hết ngày 30/9/2016 đã có đầy đủ 914 văn bản trả lời gửi đến các cử tri đúng quy định (đạt 100%).

Trong công tác lập pháp, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã nghiêm túc nghiên cứu, xem xét, tiếp thu những kiến nghị của cử tri để hoàn thiện các dự án luật nhằm khắc phục tình trạng luật “khung”, luật “ống”; đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, hạn chế tình trạng luật phải chờ các văn bản hướng dẫn. Quốc hội đã đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh một số dự án luật mà cử tri kiến nghị nhiều, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân như Luật Quy hoạch, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật về Hội, Luật Du lịch, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo…

Trong các hoạt động giám sát, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội luôn tích cực, chủ động thực hiện kế hoạch giám sát gắn với việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và với những vấn đề bức xúc đang được đông đảo cử tri và xã hội quan tâm. Các kết luận giám sát thẳng thắn nêu những tồn tại, hạn chế, từ đó yêu cầu Chính phủ, các ngành, các cấp cần tiếp tục có giải pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và giải quyết tốt hơn những yêu cầu, kiến nghị của cử tri.

Tuy nhiên, một số trường hợp, các cơ quan của Quốc hội còn chưa quan tâm, tiếp thu đầy đủ các kiến nghị của cử tri trong việc thẩm tra, đánh giá tác động của một số dự án luật; chưa khai thác hiệu quả các ý kiến, kiến nghị của cử tri, chưa lấy đó làm cơ sở, làm căn cứ thực tiễn để xem xét, đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Việc tổ chức hội nghị, hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho các dự án luật đôi khi còn mang tính hình thức, chưa thực sự hiệu quả. Một số nội dung được nhiều cử tri quan tâm, kiến nghị các cơ quan của Quốc hội tổ chức giám sát như: giám sát quản lý, sử dụng ngân sách; giám sát việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh vẫn chưa được quan tâm tổ chức thực hiện thường xuyên.

Trong quá trình giám sát, việc đánh giá kết quả tổ chức thi hành luật, pháp lệnh của cơ quan có thẩm quyền nhiều khi còn chung chung, chưa xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người đứng đầu chịu sự giám sát. Bên cạnh đó, việc theo dõi, đôn đốc, giám sát công tác tổ chức thực hiện các kết luận giám sát, nghị quyết của Quốc hội về giám sát còn chưa được quan tâm đúng mức nên hiệu quả giám sát còn chưa cao.

Báo cáo kết quả giám sát cho thấy sau Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, Chính phủ, các thành viên Chính phủ dưới sự điều hành của Thủ tướng đã nỗ lực trong việc giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri.

Tại kỳ họp này, 100% các kiến nghị của cử tri đã được các bộ, ngành trả lời đảm bảo đúng thời gian quy định, khắc phục được tình trạng chậm trả lời kiến nghị cử tri (Tại kỳ họp trước, các kiến nghị được trả lời cử tri đúng thời gian quy định chỉ đạt 65,67%). Các kiến nghị của cử tri đã được thông tin, giải trình, trả lời cụ thể, rõ ràng, rành mạch hơn trước, được cử tri đồng tình, đánh giá cao.

Còn 129/856 kiến nghị của cử tri đang được xem xét, nghiên cứu, giải quyết

Liên quan đến kết quả giải quyết của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, Báo cáo nêu rõ, các kiến nghị được cơ quan có thẩm quyền trả lời bằng văn bản giải trình và cung cấp thông tin cho cử tri (551/856 kiến nghị, chiếm 64,37%). Các bộ, ngành đã giải trình và cung cấp thông tin cho cử tri về một số vấn đề cụ thể như: đầu tư phát triển nông nghiệp, xúc tiến thương mại tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp; chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên; về nâng mức cho vay đối với một số đối tượng chính sách; về đầu tư cơ sở vật chất cho các đơn vị y tế cấp tỉnh; về tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông ở một số địa phương; về xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông; về công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường; công tác quản lý lễ hội; công tác cải cách hành chính và quản lý công chức, viên chức...

176 trên tổng số 856 kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 11, QH Khóa XIII đã được các bộ, ngành giải quyết hoặc phối hợp giải quyết xong (chiếm 20,56%) dưới các hình thức như: Ban hành, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật và tổ chức thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm. Chính phủ đã ban hành 109 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó, có 47 nghị định của Chính phủ, 19 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 43 văn bản của các bộ, ngành để tiếp thu, giải quyết những kiến nghị mà cử tri quan tâm trong một số lĩnh vực như:  nông nghiệp, nông thôn; giáo dục và an sinh xã hội; y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm; về sản xuất kinh doanh và quản lý thị trường, quản lý tài chính, ngân sách và kế hoạch đầu tư; quản lý tài nguyên, môi trường; quản lý xây dựng đô thị, chính sách phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp ở đô thị; đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, xử lý xe quá tải, quá khổ và giảm thu phí BOT…

Tiếp thu kiến nghị của cử tri trong công tác tổ chức thi hành pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi trách nhiệm của mình đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm trong một số lĩnh vực, cụ thể như: Bộ NN và PTNT phối hợp với Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã tổ chức 61 Đoàn thanh tra, kiểm tra; ban hành 1.195 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền phạt gần 23 tỷ đồng; xử phạt 3 công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi có chứa chất cấm, 01 công ty sản xuất thuốc thú y giả; Bộ Công thương tiến hành kiểm tra việc bán hàng đa cấp, đã xử phạt 36 doanh nghiệp với số tiền gần 6,5 tỷ đồng, thu hồi giấy chứng nhận đối với 9 doanh nghiệp; Bộ GTVT phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, kiểm soát tải trọng phương tiện...

Hiện nay, vẫn còn 129 trên tổng số 856 kiến nghị của cử tri, chiếm 15,07%, đang được xem xét, nghiên cứu để giải quyết có nội dung tập trung vào các vấn đề như: nông nghiệp, nông thôn; an sinh xã hội; y tế; giáo dục; văn hóa,...thuộc thẩm quyền tiếp thu, nghiên cứu và giải quyết của Chính phủ và các Bộ NN và PTNT, Bộ LĐTB và XH, Bộ Y tế; Bộ GD và ĐT; Bộ TT và TT...

Về kết quả giải quyết của Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao đã nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết và trả lời 4/4 kiến nghị của cử tri. Trong đó, các kiến nghị về bồi thường oan sai; về xem xét lại một số vụ án... đều đã đã được lãnh đạo liên ngành Tòa án Nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao xem xét, đánh giá một cách thận trọng, khách quan, toàn diện; đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng xét xử các vụ án và triển khai tại tòa án các cấp. Đối với trường hợp để xảy ra oan, sai đã xác định rõ trách nhiệm của cá nhân để xem xét, xử lý đúng quy định của pháp luật.

Trong kỳ báo cáo, không có kiến nghị của cử tri gửi tới QH thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao.

Cần giải quyết dứt điểm 142 kiến nghị của cử tri còn tồn đọng

Báo cáo của Ủy ban dân nguyện Quốc hội khẳng định: Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Quốc hội, cơ quan của Quốc hội nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri; đổi mới các hình thức giám sát, tăng cường hiệu quả và chất lượng của các hoạt động giám sát, sau giám sát; trong đó, đặc biệt quan tâm giám sát các nội dung có liên quan đến hai lĩnh vực mà đông đảo cử tri quan tâm, kiến nghị qua nhiều kỳ họp, đó là iágm sát việc quản lý, sử dụng ngân sách; Giám sát việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh.

Các Đoàn đại biểu Quốc hội cần quan tâm nâng cao hơn nữa chất lượng tổng hợp kiến nghị của cử tri, bảo đảm đầy đủ, rõ ràng, cụ thể, tạo thuận lợi cho cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, đồng thời công khai kết quả giải quyết kiến nghị trên các phương tiện thông tin đại chúng để cử tri theo dõi, giám sát.

Chính phủ, các bộ, ngành cần quan tâm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả giải quyết kiến nghị của cử tri, hạn chế tối đa tình trạng nợ đọng việc giải quyết; xác định việc giải quyết, trả lời đầy đủ, đúng thời hạn các kiến nghị của cử tri là một trong những tiêu chí đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của bộ trưởng, trưởng ngành; rà soát, xem xét sửa đổi, bổ sung 75 văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành nhưng cử tri phản ánh còn chưa chưa phù hợp với thực tiễn, thiếu tính khả thi dẫn đến chưa bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật.

Đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, rà soát, giải quyết dứt điểm 142 kiến nghị của cử tri còn tồn đọng tại các kỳ họp trước cần xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể giải quyết dứt điểm 142 kiến nghị tồn đọng này.

Trong đó, đặc biệt quan tâm giải quyết bốn vấn đề mà nhiều cử tri quan tâm đã kiến nghị qua một số kỳ họp Quốc hội: Tính ổn định của các phương án tổ chức thi tốt nghiệp Phổ thông Trung học và xét tuyển vào Đại học, Cao đẳng; Vi phạm pháp luật và các biến tướng trong hoạt động bán hàng đa cấp; Xây dựng thương hiệu nông sản, thực phẩm hỗ trợ nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, có chính sách đột phá trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; Quản lý và xử lý các sai phạm trong khai thác tài nguyên khoáng sản, chặt phá rừng trái phép

PV