Hạt giống tình người và sự hồi sinh kỳ diệu

Đời sống - Ngày đăng : 08:00, 04/02/2019

Họ ở cách nhau hàng ngàn cây số, mang nghĩa vụ cuộc đời hoàn toàn khác nhau. Tai ương ập đến bất ngờ cướp đi sinh mạng. Nhưng với những quyết định vượt lên nỗi đau của người thân, họ vẫn "tồn tại" trong cơ thể của những con người khác.

Từ nghĩa cử tận hiến…

Đã có rất nhiều cuộc trao tặng mô tạng đầy xúc động. Có những cuộc ghép tạng xuyên quốc gia đi vào lịch sử y khoa Việt Nam. Có những câu chuyện bố và bác cùng cho thùy phổi cứu sống con mình. Có người mẹ dằn lòng xuống, sẵn sàng gạt bỏ dư luận mà hiến tạng của cậu con trai mới lớn không may qua đời vì tai nạn... nhưng dường như, những điều ấy vẫn chưa đủ lay động hàng triệu trái tim người Việt. Cho đến khi Hải An - “chiến binh” dũng cảm kiên cường chiến đấu với căn bệnh ung thư đến phút cuối, đã để lại ánh sáng cho hai người khác bằng hai giác mạc của mình. Cô bé như thiên thần tỏa ra ánh sáng kỳ diệu, ấm áp.

Một câu chuyện có thể lay động đến trái tim của bất kỳ ai. Câu chuyện đó được bắt đầu từ một cuộc điện thoại đến đường dây nóng của Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người vào sáng ngày 22/2/2018, một người phụ nữ nghẹn ngào: "Con gái tôi Nguyễn Hải An - 7 tuổi, đang hôn mê do u cầu não xâm lấn. Gia đình có nguyện vọng hiến tặng nội tạng của cháu cho những bạn nhỏ khác đang bị bệnh chờ ghép tạng". Cuộc điện thoại ấy đã mở đầu cho câu chuyện cổ tích về cô bé thiên thần Hải An con gái của chị Nguyễn Trần Thùy Dương.

Bé Hải An trút hơi thở cuối vào chiều cùng ngày khi mới bước qua tuổi thứ 7 được 3 tháng do mắc u thần kinh đệm cầu não lan tỏa. Đây là căn bệnh ung thư hiếm ở trẻ em, điều trị vô cùng khó khăn. Trước khi bé qua đời, mẹ bé đã nói chuyện với bé về cái chết và việc hiến giác mạc cho bạn khác. “Con tặng lại ánh sáng cho bạn khác nhé. Mẹ tự hào về con”. Người mẹ nói và đặt nụ hôn lên trán con. Hình ảnh ấy khiến những người chứng kiến không sao cầm nổi nước mắt.

Hạt giống tình người và sự hồi sinh kỳ diệu

Bé Hải An để lại thông điệp về tình yêu thương

Trong chiều 26/2 tại Bệnh viện Mắt Trung ương đã diễn ra hai ca ghép giác mạc thành công - món quà mà bé An để lại sau gần một giờ phẫu thuật. Hai người may mắn nhận được giác mạc là bệnh nhân 42 tuổi mắc bệnh loạn dưỡng giác di truyền và bệnh nhân trên 70 tuổi bị bệnh sẹo đục giác mạc. Hành động của bé Hải An và gia đình gây xúc động mạnh và được nhiều người trân trọng. Dù bé không còn nhưng "món quà" bé để lại thực sự là một viên ngọc sáng giữa đời!

Tại lễ tiễn đưa bé Hải An, Bộ trưởng Bộ Y tế đã gửi lời tri ân đến bé: “Tôi tin rằng, ở một nơi nào đó, con đang thấy hạnh phúc vì đã làm được một việc tốt và mang lại vô vàn thương yêu cho cuộc sống! Con gái nhỏ Hải An sẽ mãi hiện diện trong tim của cha mẹ con, ông bà con; trong tim của tôi và tất cả mọi người!”.

“Em không biết việc làm của em đúng hay sai. Em không biết anh có giận em không nhưng em muốn anh cứu được nhiều người khác...”, đó là những điều mà chị Tạ Thị Kiều thầm thì vào tai người chồng đang nằm im lìm trên giường bệnh. Thiếu tá Lê Hải Ninh (quê Ninh Bình) gặp nạn trên đường làm nhiệm vụ. Anh được đưa đến Bệnh viện Trung ương quân đội 108 (Hà Nội) trong tình trạng đã chết não. Trước khi nói với chồng những lời ấy, người vợ ký vào lá đơn hiến tặng phổi, gan, tim, thận và giác mạc của chồng. Vì chị biết ở đâu đó có những con người đang chờ đợi được cứu sống từng ngày. Nghĩa cử cao đẹp của chị và gia đình đã mang lại sự sống, đem lại ánh sáng cho 6 người khác.

Hạt giống tình người và sự hồi sinh kỳ diệu

Vợ anh Nguyễn Ngọc Khiêm “gặp lại” quả tim của chồng trong lồng ngực người khác

Cách đây 7 tháng, anh Nguyễn Ngọc Khiêm (xã Hùng Dũng, Hưng Hà, Thái Bình) không may bị tai nạn giao thông trên đường đi làm về, được chuyển lên Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cấp cứu nhưng nhanh chóng rơi vào hôn mê rồi chết não. Khi biết con trai không thể qua khỏi, bố mẹ và vợ anh đã nén đau thương, trong chốc lát đồng ý hiến tim, gan, thận và 2 giác mạc của anh cho 6 người xa lạ.

Trái tim của anh Khiêm được vận chuyển từ Hà Nội vào Huế, cứu sống ông Trần Tuấn vào ngày 18/5. Những mô tạng còn lại cũng được chuyển ghép cho 5 người khác. Ít ai biết, đây cũng là chuyến bay đầu tiên của anh Khiêm trong suốt 29 năm qua. Khi nhìn thấy thùng đựng tim chuyển lên máy bay đi Huế, cháu ruột anh đã không nén được đau thương, thốt lên: “Lần đầu tiên cậu được đi máy bay!” khiến tất thảy nghẹn lại.

Mới đây, truyền hình có quay hình ảnh bệnh nhân ghép tim ở Huế hồi phục sức khoẻ, hàng xóm xem được liền khoe với bà Thông (mẹ anh Khiêm - PV). Cả chiều bà đứng ngồi đợi con dâu đi làm về để tìm xem. “Khi con mở ra, cả hai mẹ con ôm nhau khóc nức nở. Tim thằng Khiêm đó, ông ấy khoẻ lắm. Trái tim con trai tôi vẫn còn đập”, bà Thông xúc động nói.

Trong giờ phút gặp lại người đàn ông mang trái tim chồng mình, chị Hằng (vợ anh Khiêm - PV) không kìm được nước mắt: "Một phần cơ thể anh vẫn còn sống trong cơ thể ai đó, có nghĩa là anh không hoàn toàn biến mất. Nhờ một phần cơ thể của anh mà những người khác được cứu sống, có nghĩa là cái chết của anh không hoàn toàn vô ích. Làm được một việc tốt, tôi cảm thấy đỡ buồn đau, tôi tin anh cũng đồng ý với quyết định của vợ và gia đình mình”.

Khi được hỏi sẽ nói gì với 2 con gái khi các bé lớn lên, không chút suy nghĩ, chị Hằng mỉm cười tâm sự: “Tôi sẽ nói với các con rằng bố vẫn còn sống, chỉ là không ở bên cạnh chúng ta thôi. Sự sống vẫn đang được hồi sinh. Lớn lên tôi sẽ phải nói với các con rằng rất tự hào về việc bố đã làm”.

Mở ra những cuộc đời mới

Hà Nội - một buổi sáng cuối năm 2018, từng thước phim miêu tả hành trình đưa bệnh nhân được ghép tim từ cõi chết trở về hiện lên trên màn hình lớn. Người tham dự chăm chú, y bác sĩ thì xúc động. Ở góc khán phòng cậu bé 15 tuổi đã oà khóc nức nở trong khoảnh khắc nhắc đến ân nhân. Cậu bé ấy là Phạm Văn Cơ (15 tuổi, ở Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) may mắn nhận được trái tim hiến tặng từ một thanh niên ở Hà Nội bị tai nạn giao thông không may chết não. Trái tim đã vượt qua hành trình hơn 700km để viết tiếp kỳ tích ghép tạng xuyên Việt và đem sự sống cho cậu thiếu niên tưởng chừng cuộc sống sẽ khép lại.

Hạt giống tình người và sự hồi sinh kỳ diệu

Cậu bé 15 tuổi và hành trình hồi sinh kỳ diệu

Để ca ghép tim diễn ra thành công, các bác sĩ ở Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Trung ương Huế cùng hãng hàng không phải "chạy đua” với thời gian. Cảm giác dồn nén, sức ép căng thẳng trong hàng tiếng đồng hồ đã được giải tỏa khi trái tim mới đập rộn ràng trong lồng ngực bệnh nhân. Từ cậu bé xanh xao, gầy gò với cân nặng vẻn vẹn 39kg, sau ghép tim, Cơ đã tăng 11kg. Đây cũng là lần đầu tiên Cơ cùng mẹ tới Hà Nội. Cả hai đều mong muốn gặp lại người thân của cậu thanh niên đã hiến tặng tim cho Cơ, để nói lời cảm ơn sâu sắc.

Cũng như Cơ, khi nhắc lại hành trình “từ cõi chết” trở về của mình, đôi mắt ông Trần Tuấn (Thừa Thiên - Huế) ngân ngấn nước. Phát hiện suy tim giai đoạn cuối cách đây 2 năm, sự sống của ông Tuấn chỉ trông chờ vào ghép tim. Từ người trụ cột trong gia đình, đã có lúc ông Tuấn chỉ thoi thóp chờ đợi phép màu đến với mình.

“Với tôi, thời điểm đó, dù đăng ký vào danh sách nhận tạng hiến nhưng vẫn nghĩ đó chỉ là sự chờ đợi vô vọng mà thôi. Cả gia đình như thấy sẵn một kịch bản của ngày cuối trong đời vậy. Thế rồi, sự may mắn đã đến khi tôi nhận được thông tin có trái tim hiến tặng từ một người chết não hoàn toàn trùng khớp với tôi về các chỉ số. Ngày nhận tin, cả tôi và gia đình vẫn không tin nổi đó là sự thật. Ca phẫu thuật ghép tim thành công đã đưa tôi từ cõi chết trở về. Sự may mắn trong đời không thể tưởng tượng được của tôi là nhờ bàn tay vàng, khối óc nhiệt tình của y, bác sĩ, là sự rộng tình “cho đi” của người tình nguyện hiến tạng”, ông Tuấn chia sẻ.

Không giấu được hạnh phúc khi gặp được người thân của ân nhân, ông Tuấn nghẹn ngào: “Từ lúc tỉnh lại, luôn muốn được gặp lại gia đình người đã hiến tim cho mình nhưng chưa có cơ hội. Trái tim anh Khiêm đã ở trong lồng ngực tôi. Giờ tôi không chỉ sống cho tôi nữa mà sống cho 2 người, một nửa cho mình, một nửa cho anh Khiêm”.

gieo hạt giống tình người

Là người đã theo dõi câu chuyện hiến mô tạng trong nhiều năm qua, ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, ghép tạng là một trong 10 phát minh vĩ đại nhất của nhân loại trong thế kỷ 20, là biện pháp duy nhất để cứu sống người bệnh giai đoạn cuối. Mỗi năm, trên thế giới có hàng chục nghìn người được thừa hưởng thành tựu từ ghép tạng. Từ một quốc gia "chậm tiến" so với thế giới trong lĩnh vực ghép tạng, đến nay, sau 26 năm kể từ ca ghép tạng đầu tiên, kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam đã tiệm cận với thế giới.

Tính đến thời điểm này, cả nước có 18 cơ sở đủ điều kiện ghép tạng, gần 3.400 bệnh nhân đã được ghép tạng. Trong đó có 3.223 ca ghép thận, 125 ca ghép gan, 26 ca ghép tim và nhiều ca ghép giác mạc, góp phần mang lại sự sống cho nhiều người bệnh hiểm nghèo.

Theo các chuyên gia ghép tạng, một người chết não cho đa tạng có thể cứu được 6-10 người bệnh. Tuy nhiên, thời gian qua số ca hiến tạng sau khi chết não còn rất hạn chế. Đây thực sự là điều đáng tiếc khi bác sĩ vẫn có đủ khả năng để cứu chữa người bệnh, khi người bệnh vẫn còn cơ hội và khao khát sống nhưng phải bó tay bởi không có nguồn tạng để ghép.

Nói về rào cản lớn nhất trong việc hiến tạng, ông Phúc cho rằng, đó là những định kiến, quan niệm xã hội. Quyết định của những người thân trong gia đình người hiến mô/tạng cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Ông Phúc lấy ví dụ, không phải ca hiến nào cũng thực hiện thành công. Có nhiều trường hợp tuyên truyền rồi nhưng họ không đồng ý bởi vẫn còn đó những định kiến cái “tôi” cá nhân và không có sự nhất quán giữa những người thân trong gia đình.

Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cũng nhấn mạnh, hầu hết các tôn giáo đều không cấm hiến tạng mà có quan niệm rất thiện: “Cứu một người phúc đẳng hà sa”. Cũng nhiều người hiểu rõ tính nhân văn nên khi người thân bị tai nạn chết não, đã hiến tạng cứu người. Một trường hợp điển hình mới đây là bà Trần Thị Ngần (Hà Nội) đã hiến tạng của con trai bị tai nạn không qua khỏi, cứu sống nhiều người. Trong đó, trái tim con trai bà hiện đang nằm trong lồng ngực một chiến sĩ Cảnh sát biển.

Những câu chuyện của bà Ngần, bé Hải An, anh Khiêm hay Thiếu tá Ninh…và những người thân trong gia đình họ đang viết tiếp một câu chuyện mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, một hành trình nối dài của sự sống, của những tấm lòng. Họ đã ra đi và để lại một món quà kỳ diệu giữa cuộc đời với nhiều ước nguyện và gửi gắm yêu thương.

Một người nằm xuống, nhưng một phần thân thể vẫn sống, và lại thêm một mạng sống được nối dài. Cuộc sống, là nơi luôn có những góc nhìn đa chiều. Nhưng giữ lại, hay cho đi một phần thân thể để nhận về thêm một hạt giống tình người, gieo thêm một mầm sống mới, đó sẽ là quyết định của mỗi chúng ta…

Thảo Nguyên