Trang thông tin mạo danh Quốc hội: Không thể can thiệp do khó xác định chủ thể tên miền
Đời sống - Ngày đăng : 11:35, 01/12/2018
19 trang thông tin điện tử giả danh nghĩa của Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội
Theo thông tin trước đó ngày 21/11, Văn phòng Quốc hội đã gửi cảnh báo đến các đại biểu về những trang thông tin mạo danh Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội dễ gây nhầm lẫn.
Một trang mạo danh trang chính thức của Quốc hội - Ảnh chụp màn hình
Thông báo cho biết, theo phản ánh của các cử tri, Văn phòng Quốc hội đã rà soát các trang thông tin điện tử mạo danh Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội và lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội.
Kết quả rà soát thời gian qua cho thấy, hiện nay đang tồn tại 19 trang thông tin điện tử giả danh nghĩa của Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo Hội đồng Dân tộc, các UB của Quốc hội, các ban thuộc UB Thường vụ Quốc hội.
Trong đó có trang https://www.quochoi.org mạo danh trang điện tử chính thức của Quốc hội với tên Đại biểu nhân dân. Ngoài ra còn có trang mạo danh Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và cả 4 Phó Chủ tịch Quốc hội: Tòng Thị Phóng, Phùng Quốc Hiển, Uông Chu Lưu, Đỗ Bá Tỵ...
“Các trang thông tin này vừa đăng lại tin, bài của các cơ quan báo chí chính thống trong nước về hoạt động của Quốc hội, các lãnh đạo Quốc hội và lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, gây hiểu lầm đây là các trang chính thức của Quốc hội. Các trang này cũng vừa đăng tải các tin của mạng xã hội và các bài viết có những thông tin sai lệch, không đúng sự thật, tạo cách hiểu không đúng về hoạt động của Quốc hội”, thông báo cho hay.
Danh sách các website mạo danh Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội
Hiện, Văn phòng Quốc hội vẫn đang tiếp tục phối hợp với Bộ TT&TT, Bộ Công an để tiến hành rà soát, xử lý theo đúng quy định hiện hành.
Khó khăn trong xử lý hành vi vi phạm
Liên quan vấn đề này Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng đã xác nhận việc mới đây Văn phòng Quốc hội đã thông báo về sự xuất hiện của 19 trang thông tin điện tử đi kèm với 36 tên miền quốc tế mạo danh Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội và lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội.
Theo Trung tâm cho biết đã tiến hành rà soát, 36 tên miền này đều được đăng ký tại các tổ chức ở nước ngoài và sử dụng dịch vụ ẩn giấu thông tin chủ thể. Các website được thiết kế với giao diện giống nhau và cùng đăng tin, bài tổng hợp về hoạt động của Quốc hội, các lãnh đạo Quốc hội và lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, gây hiểu lầm đây là các trang chính thức của Quốc hội. Các hành vi giả mạo này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, làm nhiễu loạn thông tin, mất an toàn an ninh xã hội.
Đại diện Trung tâm Internet Việt Nam cho hay, việc xử lý hành vi vi phạm này là vấn đề không đơn giản. Việc khó xác định được chủ thể tên miền nên không thể can thiệp, xử lý đối với các trang thông tin điện tử vi phạm. Đây chính là nguyên nhân gây trở ngại trong công tác quản lý nhà nước về tên miền quốc tế dạng này.
Thực tế cho thấy, để đấu tranh loại trừ thông tin xấu độc, thông tin xuyên tạc, sai sự thật đòi hỏi phải “nhận diện” được đâu là nguồn thông tin chính thống, đâu là không chính thống trên Internet.
Những dấu hiệu nhận diện có thể xem xét trên các yếu tố như: tên miền được sử dụng cho website; nội dung, cấu trúc website; địa chỉ IP lưu trữ nội dung của website, website có xác thực số...
Các nguồn tin chính thống, đặc biệt là tin tức chính trị, luật pháp của Việt Nam được đăng, phát trên báo điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp phép hoặc trên các trang thông tin điện tử của cơ quan Đảng, Nhà nước với “nhận diện” là sử dụng tên miền “.vn”.
Theo quy định pháp luật, báo điện tử, trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của các cơ quan Đảng, Nhà nước phải sử dụng ít nhất 01 tên miền “.vn” và lưu giữ thông tin tại hệ thống máy chủ có địa chỉ IP ở Việt Nam.
Phía cơ quan chức năng cũng cho biết, để hạn chế, ngăn chặn hành vi vi phạm trong cung cấp thông tin trên mạng có tính chất xuyên biên giới đòi hỏi có sự nỗ lực của các cơ quan quản lý trong nước, sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức quốc tế cũng như các quốc gia khác.
Ngoài ra, việc quản lý không đơn thuần là xử lý hành chính hay ngăn chặn bằng các biện pháp kỹ thuật. Hơn ai hết, người sử dụng cần nâng cao khả năng tự sàng lọc, nhận diện thông tin trên mạng, tránh bị lợi dụng, lôi kéo vào các hoạt động tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước…