Chuyển từ thủy lợi phí sang giá dịch vụ cần chỉ rõ tác động đối với nông nghiệp nông thôn

Chính trị - Ngày đăng : 13:41, 12/09/2016

Sáng nay (12/9), dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, UBTVQH đã khai mạc Phiên họp thứ 3. Cho ý kiến về dự án Luật Thủy lợi, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng cần cân nhắc kỹ lưỡng khi chuyển từ thủy lợi phí sang giá dịch vụ thủy lợi.

Chuyển từ thủy lợi phí sang giá dịch vụ cần chỉ rõ tác động đối với nông nghiệp nông thôn

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp (Ảnh: Quang Khánh)

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Kỳ họp thứ Hai Quốc hội khóa XIV có rất nhiều nội dung quan trọng nên phiên họp thứ 3 của UBTVQH sẽ diễn ra trong 10 ngày (từ 12 – 22/9) để chuẩn bị tốt cho Kỳ họp này. Tại phiên họp, UBTVQH sẽ cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XIV; cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý 3 dự án Luật và cho ý kiến về 10 dự án Luật. Phiên họp cũng cho ý kiến về Báo cáo công tác năm 2016 của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, UBTVQH tập trung vào công việc của phiên họp; các thành viên Chính phủ, các cơ quan chủ trì trình dự án luật cần thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc của UBTVQH, dành thời gian họp để thảo luận và cho ý kiến về các vấn đề được trình bày để đảm bảo chất lượng của phiên họp UBTVQH.

Tiếp đó, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Thủy lợi.

Cần làm rõ giới hạn phạm vi điều chỉnh của Luật Thuỷ lợi

Theo Tờ trình về dự án Luật Thủy lợi do Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường trình bày, việc xây dựng Luật Thủy lợi nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển thủy lợi, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền và lợi ích quốc gia; phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương trong giai đoạn hiện nay và các năm tiếp theo. Kế thừa và pháp điển hóa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi năm 2001 và các văn bản pháp luật có liên quan, đồng thời, bổ sung những quy định mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn, luật hóa một số quy định trong các văn bản dưới luật nhằm tăng giá trị pháp lý của các quy định này. Phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan ở Trung ương và chính quyền các cấp ở địa phương; đồng thời quy định rõ quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động về lĩnh vực thủy lợi.

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thủy lợi, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng khẳng định sự cần thiết phải ban hành dự án Luật Thủy lợi, song cũng chỉ rõ, việc quản lý thủy lợi và các hoạt động liên quan đến nước cần đảm bảo sự thống nhất. “Đề nghị, cần làm rõ trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thống nhất quản lý nhà nước về thủy lợi. Đồng thời nghiên cứu bổ sung trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong điều tiết việc khai thác sử dụng nước trong hệ thống thủy lợi; quyết định đầu tư, xây dựng công trình hồ chứa thủy điện, tham gia xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa thủy điện – thủy lợi, hồ chứa thủy điện...”, ông Phan Xuân Dũng phát biểu.

Tán thành với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, nhiều thành viên UBTVQH đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát các quy định của dự án Luật Thủy lợi với các luật có liên quan như Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Phí và lệ phí, Luật Tài nguyên nước, Luật Xây dựng, Luật Đê điều, Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật Đầu tư công…để bảo đảm tính thống nhất cũng như khả thi của các điều luật.

Tính toán kỹ lưỡng việc chuyển "thủy lợi phí” sang giá dịch vụ

Liên quan đến một trong những điểm mới của dự án luật là quy định “giá dịch vụ thủy lợi” thay cho “thủy lợi phí” tại Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường giải thích, quy định vậy để bảo đảm phù hợp, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, vì Luật phí và lệ phí không quy định “thủy lợi phí”. Đồng thời, việc thực hiện cơ chế giá sẽ làm thay đổi nhận thức của xã hội về công tác thủy lợi từ “phục vụ” sang đúng bản chất “dịch vụ”; giúp người sử dụng dịch vụ (nước từ công trình thủy lợi) hiểu rõ bản chất hàng hóa của nước, coi dịch vụ thủy lợi là một dịch vụ đầu vào cho sản xuất; góp phần nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm. Việc thực hiện cơ chế giá dịch vụ thủy lợi sẽ đưa công tác thủy lợi tiếp cận với cơ chế thị trường, tạo động lực cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thủy lợi; gắn trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ thủy lợi, bên sử dụng dịch vụ thủy lợi.

Bên cạnh đó, Nhà nước tiếp tục có chính sách hỗ trợ các dịch vụ thủy lợi phục vụ mục tiêu công ích (sản xuất nông nghiệp quy mô hộ gia đình; tiêu nước phục vụ dân sinh...), hỗ trợ dân sinh, sản xuất tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, hỗ trợ tổ chức, cá nhân trong trường hợp bị thiệt hại do thiên tai gây ra.

Chưa đồng tình với quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh bày tỏ quan ngại khi Ban soạn thảo chưa chỉ rõ việc chuyển từ thủy lợi phí sang giá dịch vụ thủy lợi sẽ có tác động như thế nào đối với lĩnh vực nông nghiệp nói chung và đời sống bà con nông dân nói riêng? Nếu quy định này được chấp thuận thì lời giải cho bài toán cân đối giá dịch vụ sẽ như thế nào? Ban soạn thảo đã tính tới quan điểm của người dân, đối tượng chủ yếu chịu sự điều chỉnh của điều luật, khi chuyển từ “phục vụ” sang “dịch vụ” đối với công tác thủy lợi hay chưa? 

Đánh giá việc chuyển từ phí sang giá dịch vụ thủy lợi là vấn đề rất căn bản của dự luật, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu vấn đề: Ban soạn thảo có dự toán chuyện khi chuyển sang giá dịch vụ thì nông dân có quyền được chọn trồng cái gì không? Trách nhiệm của người cung cấp dịch vụ cho người dân khi hạn hán, lũ lụt thế nào? “Nếu làm dịch vụ thì phải cam kết cung cấp đầy đủ cho người dân bất kể hạn hán, lũ lụt chứ nếu sau này đổ tại trời thì không được”, ông Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu.

Bàn về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình nhấn mạnh phải làm thật kỹ, chu đáo. Bởi “đây không đơn giản chỉ là thay đổi ngôn từ, mà là làm cuộc cách mạng ở nông thôn, phải làm sao giúp cho người dân chứ không phải giúp cho quản lý nhà nước”.

Ngọc Mai