Thanh Hóa: Ảnh hưởng sau bão số 10, nhiều bản miền núi bị cô lập

Đời sống - Ngày đăng : 17:19, 16/09/2017

Từ chiều 15 đến trưa 16/9, tỉnh Thanh Hóa có mưa lớn trên diện rộng do ảnh hưởng của bão số 10. Hàng trăm hộ dân ở huyện Quan Sơn và Lang Chánh bị cô lập với bên ngoài do nước từ thượng nguồn các con sông lớn trên địa bàn dâng cao.

Thanh Hóa: Ảnh hưởng sau bão số 10, nhiều bản miền núi bị cô lập

Nước sông dâng cao làm chia cắt 5 bản của 3 xã huyện Quan Sơn

Ông Vũ Văn Đạt, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Do ảnh hưởng của bão số 10, nước từ 2 con sông lớn chảy qua địa bàn huyện dâng cao gần 2m đã gây chia cắt, cô lập nhiều hộ dân ở các xã Na Mèo và Sơn Điện gây khó khăn trong việc đi lại cho người dân. Địa phương cũng chỉ đạo nếu không có việc cần thiết, người dân không nên qua sông bằng bè mảng để đảm bảo an toàn".

Cụ thể, tại huyện Quan Sơn, ở bản Son, Sa Ná thuộc xã Na Mèo và bản Sủa, Na Hồ thuộc xã Sơn Điện, bị ngăn cách bởi con sông Luồng; bản Nầm, xã Trung Tiến đang bị chia cắt do nước sông Lò dâng cao. Nguyên nhân do các bản này chưa có cầu kiên cố bắc qua sông, một số bản có cầu tạm thì đã bị nước lớn cuốn trôi.

Hiện nay, mặc dù đã hết mưa, mực nước sông Lò và sông Luồng vẫn tiếp tục dâng cao, nước lớn cuồn cuộn chảy xiết, nguy cơ sạt lở cao, rất may gần bờ sông không có dân cư sinh sống.

Trước tình hình trên, UBND huyện Quan Sơn đã chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp cùng chính quyền địa phương theo dõi diễn biến, bám sát tình hình để có cách ứng phó, giúp đỡ nhân dân khi cần thiết. Huyện cũng đã cử lực lượng thanh niên xuống các địa bàn tiếp cận, giúp đỡ người dân. Hiện cuộc sống của người dân ở các địa bàn kể trên vẫn ổn định với phương châm bốn tại chỗ.

Tại huyện miền núi Lang Chánh, do mưa lớn nước sông Âm cũng dâng cao nên sáng sớm ngày 16/9, UBND huyện đã chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành sơ tán khoảng 70 người chủ yếu là người già và trẻ nhỏ tại bản Trải 2 (thị trấn Lang Chánh), nằm bên bờ sông Âm được sơ tán đến những nơi an toàn.

Đồng thời, UBND huyện cũng đã cho người giám sát, theo dõi mực nước tại các đập tràn để đảm bảo an toàn khi người dân lưu thông qua. Hiện chính quyền địa phương vẫn đang tiếp tục theo dõi diễn biến mưa lũ để có những biện pháp ứng phó kịp thời.

Sáng 16/9, Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương phát đi cảnh báo lũ quét, sạt lở đất ở nhiều địa phương, đặc biệt chú ý là các huyện miền núi.

Cơ quan này khẳng định nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng vùng trũng thấp ở tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Tuyên Quang và vùng núi các tỉnh bị ảnh hưởng của bão số 10 từ Thanh Hóa đến Quảng Bình.

Vì vậy, chính quyền các địa phương có cảnh báo cần đề phòng, chủ động sẵn sàng ứng phó để tránh thiệt hại về người và tài sản.

Thu Thủy