Theo chân các chiến sỹ bảo vệ rừng nơi “chảo lửa” Tây Nguyên

Đời sống - Ngày đăng : 13:11, 20/06/2017

Với họ, mỗi cây xanh trong khu rừng bị hạ xuống như chính bản thân mình bị người khác đâm chảy máu vậy. Vì thế, họ quyết tâm không kể ngày nắng, đêm mưa lặn lội từng ngõ ngách để bảo vệ rừng cây nơi “chảo lửa” Kon Tum được xanh mát.

Gian nan giữ rừng

Huyện Ia H’Drai là một huyện biên giới nằm ở phía Tây nam của tỉnh Kon Tum. Dân cư đa số là người đồng bào dân tộc thiểu số từ các tỉnh phía Bắc như Thái, Tày, Nùng, Mường, Sán Chỉ…được các doanh nghiệp trồng cao su trên địa bàn tuyển vào làm công nhân. Họ lập gia đình, đưa gia đình từ ngoài quê vào và sinh sống trên địa bàn ngày càng đông đúc. Bước đầu lập nghiệp ở vùng đất mới đầy hoang sơ này, người dân chia ra làm 28 cụm dân cư, nằm rải rác khắp các vùng đơn lẻ trong huyện nên công tác giữ rừng trở nên gian khổ và cần sự kiên trì hơn bao giờ hết.

Có dịp ngược dòng lên Ia H’Drai trong một ngày nắng nóng của tiết trời tháng 5 thì mới có thể thấu hiểu được những khó khăn vất vả về kinh tế, giao thông, thông tin … ở huyện mới thành lập của tỉnh Kon Tum. Có mặt, đặt chân và hoà mình vào cuộc sống với anh em tại Công ty Lâm nghiệp Ia H’Drai sẽ giúp bạn cảm nhận được rõ hơn về những vất vả mà các “chiến sĩ” bảo vệ rừng nơi đây đang phải chống chọi. Mạng internet không có, sóng điện thoại chợp chờn. Mỗi khi có người gọi đến hay muốn gọi cho ai tôi đành phải chạy ra ngoài đường để dò sóng.

Anh Ngô Văn Hải-Giám đốc công ty Lâm nghiệp cùng các anh chị, em khác mỗi lần thấy tôi chạy ra, chạy vào lại cười toáng lên “Chú ở thành phố lâu ngày mới vào rừng, nhà mạng (mạng điện thoại) tạo điều kiện cho chú tập thể dục chứ anh em chúng tôi trong này thì ngày nào mà chẳng được tập như vậy mấy chục lần”.

Trong cuộc trò chuyện bên những ly trà đã rót sẵn, tôi được nghe các anh tâm sự về cuộc sống, về sinh hoạt và chuyện đời, chuyện nghề. Nước ngọt ở đây chỉ dùng để tắm giặt mà không nấu ăn được vì bị nhiễm phèn nặng. Cùng với đó, đây là vùng đất vẫn còn tồn dư độc chất dioxin nên toàn bộ nước ăn, uống đều phải đưa từ thành phố lên. Giếng nước được đào sâu, nhưng vì hạn hán nên các anh cũng chỉ sử dụng cầm chừng, chia nhau mỗi người một ít tránh việc “người trước tắm giặt, người sau ở dơ”.

Bên cạnh đó, các anh chị chủ yếu từ TP. Kon Tum và TP. Pleiku (Gia Lai) lên đây công tác xa cách nhà cả 100km-150km, nên mỗi tháng chỉ về nhà thăm vợ con, gia đình được một đến hai lần. Toàn bộ thời gian, các anh cần mẫn chăm sóc, bảo vệ cho khu rừng của mình xanh mát.

Tối đến, tôi được sắp xếp ngủ chung phòng với anh Lực (Phó Giám đốc lâm trường). Tôi hỏi đùa anh:“Ở trong này không có sóng điện thoại, nếu tối đến, vợ nhớ chồng, con nhớ cha mà gọi điện thoại cứ “tò tí te” thế này thì vợ có nghĩ sao không anh”?. Anh cười cho biết: “Gia đình cũng hiểu hoàn cảnh của mình, nên chuyện đó thì không lo. Vất vả là những lúc mưa to, gió lớn để nhận các văn bản từ cấp trên hay nơi khác đến, cũng như gửi văn bản đi, các anh em phải chạy ra tận ngã ba đường lớn (cách nơi ở khoảng 4-5km) mới có “ít mạng internet” để làm việc. Việc cập nhật, xem các thông tin thời sự, xã hội trên mạng ở đây hầu như mù mịt”.

Theo chân các chiến sỹ bảo vệ rừng nơi “chảo lửa” Tây Nguyên

Giám đốc Ngô Văn Hải cùng cán bộ Lâm trường chống gậy băng rừng đi tuần

Những bước chân không mỏi

Huyện Ia H’Drai được xem là nơi có độ che phủ rừng lớn nhất nhì của tỉnh Kon Tum. Theo chân Giám đốc Hải cùng một số anh em trong lâm trường đi tuần, tôi đã đi qua rất nhiều dây leo chằng chịt, trèo qua những rễ cây ngoằn ngoèo bám vào vách đá dựng đứng, lội qua những con suối cắt ngang từng ngọn đồi một. Cuối cùng chúng tôi cũng đã lên tới ngọn đồi cao nhất của khu rừng. Lúc này, tôi mới nhận ra, “khi người ta đứng giữa bạt ngàn của rừng xanh, mới thấy con người mình thật bé nhỏ”.

Đi ròng rã một buổi sáng trên rừng, thấy tôi thấm mệt, anh em vội dừng lại nghỉ trưa tại ngôi nhà làm bằng ván gỗ và vách nứa với cái giường ngủ tập tễnh, cùng với hai ba chiếc võng để anh em canh gác ngủ. Thức ăn trưa đơn giản với món rau muống anh em tự trồng, vài con cá bắt được dưới lòng hồ mang lên nhưng đầy tình cảm và ấm áp tình người.

Ăn trưa xong, mọi người tranh thủ uống nước, rồi lại tất bật lên đường để xuống với lòng hồ Sê San, nơi các cán bộ, nhân viên đang tuần tra rừng trên những chiếc thuyền thô sơ, mộc mạc.

Sống nơi đây, các anh cảm thấy tự hào xen lẫn trách nhiệm. Tự hào là bởi, đây có lẽ là nơi có độ che phủ của rừng lớn nhất nhì của tỉnh Kon Tum và của cả Tây Nguyên nên các anh và nhân dân được sống ở nơi có không khí rất trong lành. Cùng với đó là lòng hồ Sê San rộng lớn với dung tích lên tới 80,6 triệu km3 đã làm cho cảnh quan nơi này vốn đã bình yên lại trở nên thơ mộng. Nhưng, chính cái cảnh đẹp “mê hồn” kia, lại làm cho công việc của các anh càng thêm nặng gánh. Làm sao để giữ được “lá phổi” nơi này luôn trong lành, khi số lượng người canh giữ rất hạn chế, đã thế lại còn phải chia năm, sẻ bảy ra bảo vệ cả đường núi lẫn đường thủy?. Câu hỏi đó luôn hiện hữu trong đầu các anh, như tiếp thêm động lực, sức mạnh giúp các anh làm việc cật lực không kể ngày, đêm để những lâm tặc đang rình rập, nung nấu tìm mọi thủ đoạn chặt phá rừng cây phải dè mình, lo sợ.

Con thuyền nhổ neo đưa tôi cùng các anh em đi tuần giữa lòng hồ thủy điện Sê San, băng qua những đảo nhỏ với cây cối um tùm, vượt qua những cọc gỗ giữa hồ khiến tôi có cảm giác như mình đang được đắm mình vào trận Bạch Đằng lịch sử. Những cây to, nổi trên mặt nước một đến hai mét, hay những gốc cây ẩn mình dưới hồ nước yên bình, để chờ lái thuyền mất tập trung hay không thông thạo đường đi thì sẽ bị chúng “nuốt chửng”.

Theo chân các chiến sỹ bảo vệ rừng nơi “chảo lửa” Tây Nguyên

Những đảo nhỏ xanh ngát, tô thêm vẻ đẹp bức tranh sơn thủy giữa lòng hồ Sê San

Anh Phan Văn Bính (nhân viên bảo vệ rừng) được anh em phong cho chức thuyền trưởng tâm sự: “Năm 2004, lúc ấy Lâm trường huyện Ia H’Drai chưa thành lập, anh làm cho một lâm trường khác trên địa bàn này, đã bị một nhóm dân quá khích, vượt hồ qua đánh vì các anh không cho phá rừng làm rẫy. Sau đó, hai bên ngồi lại với nhau, cùng nhau trò chuyện, phân tích về những hành động trái pháp luật đó. Anh cần rẫy nhưng tất cả chúng ta thì cần lá phổi xanh để sống…Chẳng phải chúng tôi làm khó gì anh, nhưng nhiệm vụ chúng tôi phải làm, anh làm thế khác nào làm khó chúng tôi. Chuyện trò qua lại rất nhiều lần, cuối cùng họ mới hiểu được nỗi khổ của những người bảo vệ rừng như chúng tôi. Sau, họ xin lỗi, rồi từ đó, nhóm người này không qua phát rẫy nữa”.

Việc đi tuần bằng thuyền trên lòng hồ vất vả và nguy hiểm khôn lường. Nửa đêm, hễ nghe tiếng động, các anh lại tất bật nhảy xuống thuyền lần mò theo tiếng động đang phát. Không phải ai cũng lái được thuyền trong đêm khuya. Phải rành đường lắm mới tránh được các cọc gỗ đang đợi để “nuốt chửng” con thuyền.

Con thuyền chạy đến nơi túp lều trú ngụ của anh em ven hồ Sê San bị sóng và gió mạnh đầu tháng 4 quật ngã, trên gương mặt của Giám đốc Hải đã hiện hữu nỗi lo cho các anh em cấp dưới của mình. Vừa đi nhặt những tấm biển báo, vừa lắc đầu nói: “Khổ thế đấy anh à, khó khăn lắm mới dựng được lán trại cho anh em nghỉ trưa và nghỉ đêm, thế mà giờ lại bị sập. Nghe anh em kể cảnh nằm võng trên thuyền mà tôi thấy thương quá. Công việc cực nhọc, muốn tìm một nơi để nghỉ ngơi lấy sức mà cũng bị sóng, gió phá đi”.

Nói rồi, anh lặng người, lòng như thắt lại, đôi mắt nhìn xa xăm nơi túp lều dựng tạm để các anh em đi tuần nghỉ ngơi giữa trưa nắng nóng, hay những ngày mưa dài bị nước cuốn trôi dù chiếc xuồng đã chạy đi rất xa.

Còn mãi tình người

Trước chuyến công tác lần này, tôi đã được nghe các đồng nghiệp của mình nói về những tình cảm cao đẹp mà các anh đã giúp đỡ khi lên đây tác nghiệp chẳng may gặp sự cố trên đường về xe cộ. Chuyện là một lần, giữa trưa nắng nóng, hai nữ đồng nghiệp chạy xe máy vào đến giữa rừng, không may xe bị xịt hơi. Xum quanh không một ngôi nhà, không người qua lại. Họ lầm lũi, người mang ba lô, người đẩy xe mồ hôi nhễ nhại. Trong lúc tuyệt vọng nhất, bỗng có một người đàn ông trạc tuổi ngũ tuần đi ngang qua. Không chút chần chừ, người đàn ông dừng xe lại, được các nữ đồng nghiệp cho biết xe mình bị hỏng, ông liền để chạy về, gọi người ra quấn vải vào lốp xe (loại xe lốp đặc) để cố gắng chạy về hộ, còn hai nữ đồng nghiệp của tôi được ông chở về trong lúc chân không bước nổi vì mệt mỏi .

Đến nơi, hai đồng nghiệp mới biết được đó là những cán bộ của Công ty Lâm nghiệp huyện. Vì đã quá bữa trưa, trong bếp không còn cơm nên hai người được anh em ở đây pha mì tôm cho ăn. Sau này về, một người tâm sự: “Trong cuộc sống, đôi khi vấp phải những khó khăn, trắc trở, được những cánh tay vươn ra cứu giúp không vụ lợi đã là một đặc ân. Trong những trải nghiệm đó, tôi sẽ chẳng bao giờ quên được những tấm chân tình thuần chất, bình dị của lòng người. Một bát mì tôm, nó tưởng chừng như rất bình thường trong cuộc sống, lại giúp ta có thêm động lực trong cuộc sống đầy tình người của các anh bảo vệ rừng”.

Mặt trời khuất dần sau những khu rừng cao chót vót, tôi chào các anh ra về. Cảm ơn các anh, cảm ơn tô mì tình nghĩa đầy ấm áp với những người xa lạ. Các anh đã chấp nhận cuộc sống xa gia đình, xa chốn thị thành phồn hoa để đến với mảnh đất hoang sơ đầy khó khăn và thử thách Ia H’Drai này, giữ vững “lá phổi xanh” nơi chảo lửa Bắc Tây Nguyên.

Trần Sỹ