Ấm lành đất Tây Nguyên

Đời sống - Ngày đăng : 08:34, 27/04/2017

Tây Nguyên, với vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh, luôn là “điểm ngắm” của các thế lực phản động trong và ngoài nước.

Kể từ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975, đất và người Tây Nguyên đã trải qua bao cơn biến động. Vượt lên khốn khó, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên từ Ba na, Ê đê, Xơ đăng đến M’nông, Gia rai... đã dệt trên bazan “đỏ nắng, đỏ đất” bạt ngàn cao su, hồ tiêu, cà phê cùng với nhịp cồng chiêng hoan say mời gọi. Sau mỗi lần “rừng động”, dường như Tây Nguyên lại thêm một lần vươn vai đứng dậy mạnh mẽ hơn.

“Lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn”

Hẳn nhiều người trong chúng ta còn nhớ đến những tháng ngày sau giải phóng (30/4/1975), người dân Tây Nguyên theo tiếng gọi của Đảng ra sức xây dựng Tây Nguyên giàu đẹp, no ấm. Nhưng niềm vui chưa bén rễ thì tàn quân chế độ cũ đã câu kết với các thế lực thù địch bên ngoài đã nổi lên chống phá cách mạng, phá hoại cuộc sống yên bình. Các buôn làng bị đánh phá, người già, trẻ em bị giết hại, thanh niên bị bắt vào rừng rồi đưa sang Campuchia để huấn luyện trở thành lực lượng chống phá lâu dài. Rồi những luận điệu xuyên tạc trắng trợn để chia rẽ người Kinh với người Thượng được tung ra khiến các buôn làng chìm trong hoang mang, sợ hãi.

Đạo lý ngàn đời của dân tộc Việt Nam là lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn. Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời từng nói: “Trong mấy mươi triệu con người cũng có người thế này, thế khác nhưng thế này, thế khác đều là dòng dõi tổ tiên ta. Vậy phải khoan hồng, đại độ và đối với đồng bào lầm đường, lạc lối ta phải lấy tình nhân ái mà cảm hóa họ”. Thời điểm ấy, Trung ương Đảng cũng đã ra Nghị quyết, trong đó nhấn mạnh: Vấn đề chính trị phải được giải quyết một cách cơ bản và lâu dài, việc truy quét các thế lực thù địch phải gắn liền với nhiệm vụ thực hiện chính sách của Đảng đối với dân tộc, tôn giáo.

Ấm lành đất Tây Nguyên

Điệu cồng chiêng trên đất Tây Nguyên

Và từ chủ trương đúng đắn ấy, các lực lượng quân đội, công an cùng các ngành chức năng đã vào cuộc. Bằng sức mạnh vật chất kết hợp với sức mạnh của lòng nhân ái, những người lính đứng chân trên đất bazan đỏ nắng đỏ gió đã đem tấm lòng, cử chỉ, việc làm của mình để đến với từng bếp lửa, từng ché rượu để lời lành như nước suối mát lan toả, có sức kêu gọi con em Tây Nguyên trở về từ rừng sâu.

Ngay cả những người cầm đầu, có vai trò yếu nhân trong tổ chức này như Thiếu tá FULRO Liêng Bang, Tham mưu trưởng Quân khu 4 hiện ở xã Đa Đờn, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, hoặc Zanna, Tham mưu trưởng FULRO Quân khu 2 cũng đều phải bật thốt lên rằng:“Ở rừng khổ quá, tôi tự bỏ hàng ngũ để trở về với chính quyền cách mạng. Sau khi về, được chính quyền hỗ trợ, giúp đỡ nên gia đình tôi phát triển được kinh tế, mỗi năm thu được hàng chục, rồi hàng trăm triệu đồng. Cuộc sống no đủ, sung túc dần lên…”.

Không chỉ có Liêng Bang, Zanna mà còn nhiều người khác như đại úy, mục sư Ha Đơi – một trong những người từng là “Cha tinh thần” của một số tổ chức phản động cũng có chung suy nghĩ. Đưa chúng tôi đi thăm rẫy cà phê đang chín ửng của gia đình mình tại xã Tu tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, ông bảo ngày mới quay về với cách mạng, được nhiều người đón nhận, ông như cái cây đã bị nhổ, tưởng sẽ chết héo, chết khô được ươm trồng lại. Giờ đây, mỗi khi trồng xuống đất một nhành cây, chăm một chùm quả hay một đàn gà để nuôi sống gia đình cũng là cách để ông tạ ơn đời. 

 Mở lòng với những “đứa con lạc lối”

Khi đất nước mở cửa, đa phương hoá quan hệ với mong muốn làm bạn với thế giới, thì từ nước ngoài, bằng con đường thư tín và internet, những nhóm phản động lưu vong dựa vào Ksor Kớk xúi giục bà con biểu tình, gây bạo loạn. Cơn biến động lần này khiến những cánh rừng đại ngàn Tây Nguyên thêm một lần rớm máu. Đã có biết bao bà con Tây Nguyên bỏ lại buôn làng, nương rẫy để tham gia biểu tình rồi trốn sang Campuchia chỉ với niềm tin mông muội vào lời hứa đầy ảo tưởng của Ksor Kớk là sẽ đón bà con ra nước ngoài để cùng được hưởng cuộc sống an nhàn.            

Ấm lành đất Tây Nguyên

Zanna, cựu Tham mưu trưởng FULRO Quân khu 2: “Nhờ ơn cách mạng mà gia đình tôi giờ mới được no ấm thế này!”

Lời độc lan xa, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk…. đâu đâu cũng thấy những cơn chuyển động rùng rùng mỗi đêm. Rồi cái khối chuyển động ấy nhập nhoà, lẫn dần vào bóng tối, để lại những buôn làng trống vắng tiếng người. Chính quyền ở các tỉnh liên tục tổ chức phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ an ninh biên giới và đưa các đối tượng sai phạm ra kiểm điểm trước dân, để các đối tượng sai phạm đứng ra tự nói rõ việc làm sai trái của họ. Qua đó bà con hiểu rõ những điều bịa đặt mà bọn xấu từng reo rắc.

Lần “rừng động” này, đã có biết bao người lính từ các lực lượng biên phòng, binh đoàn 15, công an được điều động về với Tây Nguyên. Nhiều người đã cống hiến cả tuổi trẻ của mình để đuổi loài thú dữ ra khỏi đại ngàn xanh thẳm. Không phải một ngày, không chỉ một đợt công tác, các anh đã luôn đồng hành với đồng bào từ gian khó tới niềm vui, từ nghi ngờ, lảng tránh tới tin yêu, gửi gắm. Từng bước nắm tình hình trong các buôn làng, các anh còn quan hệ chặt chẽ với chính quyền, những người có uy tín tổ chức vận động bà con trong các buôn làng nhận mặt kẻ thù, phân hóa kẻ xấu.

Còn đối với những người dân vốn bị những luận điệu xuyên tạc và lời răn của tà đạo làm cho cái đầu mất đi phương hướng, họ đã trở về bình yên sau những tháng ngày tủi nhục, đói khát ở xứ người. Mặc cảm cùng nỗi lo sợ bị kết tội đè nặng trên vại họ. Nhưng tình người Tây Nguyên đã xóa nhòa tất cả. Đất Tây nguyên vốn bao dung, luôn dang tay chờ đón những đứa con lỗi lầm trở về cùng đất mẹ. Không chỉ được Ban chỉ đạo Tây Nguyên, chính quyền địa phương và bà con cưu mang, họ còn được cấp lương thực, quần áo trong mấy tháng đầu, được nhận lại nhà cửa, ruộng rẫy. 

Đã có rất nhiều căn nhà mà đồng bào ở đây vẫn quen gọi đó là những “căn nhà đoàn kết, căn nhà tình nghĩa”  được xây dựng, trở thành  những sợi dây bác ái liên kết, ràng buộc những tấm lòng, giúp bà con nghèo sớm đạt được ước mơ là xây nên những ngôi nhà vững như dãy Langbian. Nói như anh Y Zan ở thị trấn Nhơn Hoà, huyện Chư Pư, Gia Lai, người đã từng một thời lầm lỗi, đi theo bọn xấu, sau được cán bộ vận động rồi cho đi học tập cải tạo trở về đã bật thốt lên rằng: “Không ở đâu sống hạnh phúc bằng chính trên mảnh đất quê hương mình”. 

Đô thị mọc lên trên những hố bom

Nhưng thử thách vẫn chưa dừng lại. Sự chân thành, mến khách, quí người của người dân Tây Nguyên thêm một lần nữa bị lợi dụng. Một số đối tượng tung ra các luận điệu bịa đặt, phản động như: Trái đất sắp đến ngày tận thế, ai tin tưởng và hướng về Đức mẹ thì linh hồn được cứu rỗi, không phải lao động vẫn sung sướng, ốm đau không chữa cũng khỏi bệnh, vay vốn ngân hàng sẽ được xóa nợ! Ngoài ra, bọn chúng kích động mọi người không không nhận các mặt hàng chính sách, chương trình hỗ trợ của Nhà nước và cấm tham gia các hoạt động ở địa phương.

Chúng lợi dụng quan hệ dòng tộc, sự ngộ nhận, thiếu hiểu biết về tín ngưỡng, tôn giáo và những khó khăn trong đời sống của đồng bào để lừa phỉnh, lôi kéo họ. Anh Ying – làng Bơ Chăk, xã H’ra, huyện Măng Yang, tỉnh Gia lai vẫn còn chưa hết bối rối khi nhắc lại thời kì anh cùng các thanh niên trong buôn nghe lời của kẻ xấu đi làm… chuyện xấu. Anh đã cùng nhiều người canh gác đầu làng không cho người lạ vào và đưa cơm, gạo cho những người trốn ngoài rừng. Nay được Nhà nước khoan hồng cho về, anh hứa sẽ không vi phạm nữa và mong bà con tha thứ cho lỗi lầm của  mình và quyết tâm không bao giờ để cái đầu của mình một lần nữa nghe theo bọn xấu.

Còn già làng Yũi ở xã H’ra, huyện Măng Yang thì cảm thấy nghẹt thở khi phát hiện ra con trai mình là Dếnh cũng nhúng tay vào điều sai trái. Bản thân ông từng theo cách mạng hàng chục năm, vậy mà những lời tâm huyết của người cha vẫn không sao thức tỉnh được đứa con đang say máu “làm nên nghiệp lớn”. Chỉ khi những đối tượng cầm đầu bị bắt và xử lí, Dếnh mới chịu nghe cha về trình diện chính quyền

Đã có biết bao người nhẹ dạ cả tin bị lừa gạt như Yinh, như Dếnh để trở thành con thú hoang, quay lại tấn công vào đồng bào và dân tộc mình. Nhưng cái lòng người Tây Nguyên là vậy, khi đã rõ đúng sai thì dứt khoát quay đầu trở lại. Khi các cấp chính quyền, lực lượng vũ trang vạch mặt kẻ xấu, phân rõ trận tuyến thì mọi người tỉnh ngộ. Hàng trăm, hàng nghìn người biết nghe theo lẽ phải đã về với buôn làng. Những kẻ cầm đầu như Y Gyin, A Hyum, A Tách, Ama Chinh, Runh, Yơn, B’Zứ… đã ngoan ngoãn thừa nhận hành vi tội lỗi của mình.

Trong mấy năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Tây Nguyên đã có những thành tựu vượt bậc về phát triển kinh tế, xã hội, cải thiện đời sống mọi mặt của người dân. Nhà nước từng bước đầu tư xây dựng trường học, trạm xá, mở mang đường xá, kênh mương, cầu cống để bà con đi lại thuận tiện; việc học chữ của con em đồng bào Tây Nguyên đã được đặc biệt quan tâm; đô thị cũng dần mọc lên trên những hố bom; các lễ hội truyền thống, đặc sắc đã trở thành cầu nối để đồng bào các dân tộc trong vùng hiểu biết thêm về những nét văn hóa độc đáo và đặc sắc của nhau.

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, qua mỗi lần rừng động, sự gắn bó đoàn kết của đồng bào Kinh, Ba na, Ê đê, Gia rai, M’Nông lại thêm một lần thử thách. Qua khó khăn, biến động, tình cảm ấy đã trở thành khối đại đoàn kết keo sơn. Cùng với sức mạnh của cả cộng đồng, khối đại đoàn kết ấy sẽ mãi bền chặt, trường tồn và thắm thiết như bản trường ca, như nhịp chiêng, điệu trống trên đất Tây Nguyên.

Nam Hoàng