Nước mắt người thân trong vụ chìm tàu Hải Thành
Đời sống - Ngày đăng : 16:22, 01/04/2017
9 thuyền viên mất tích trên tàu Hải Thành được tìm thấy nhưng đều đã tử vong
Ngày 1/4, lực lượng chức năng đã tìm thấy 3 thi thể thuyền viên tàu Hải Thành 26 BLC bị chìm. Các nạn nhân gồm đầu bếp Nguyễn Văn Khuyên (57 tuổi, quê Thanh Hóa), thủy thủ Lê Văn Ba (23 tuổi, quê Thanh Hóa) và thủy thủ Nguyễn Viết Duy (30 tuổi, quê Thái Bình).
Các nạn nhân được thợ lặn phát hiện kẹt trong khoang tàu chìm ở đáy biển vào 8h50 cùng ngày. 3 thi thể được vớt lên tàu tàu SAR 413 và tàu SAR 272 (Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực 3) để đưa vào đất liền. 9 người mất tích được tìm thấy lần lượt trong 5 ngày và đều đã tử vong. Chỉ có 2 người là thuyền trưởng Nguyễn Viết Thắng và sĩ quan boong Hoàng Tiến Khôi được cứu sống.
Thân nhân các thuyền viên thẫn thờ về sự ra đi đột ngột của người thân trên tàu Hải Thành
Nhận được thông tin này, những người thân của các thuyền viên đều ập xuống khóc nức nở, không có phép màu cứu sống các anh giữa biển khơi mênh mông, lạnh giá.
Chúng tôi tìm đến thôn 8, xã Nga Thiện (Nga Sơn, Thanh Hóa), một không khí ảm đạm bao trùm lên xóm nhỏ nghèo khó. Căn nhà cấp 4 nhỏ hẹp của gia đình ông Lê Văn Viên (SN 1962) - bố của thợ máy Lê Văn Ba (SN 1994) tiếng khóc bi thương của mẹ, người thân vẫn vẳng vẳng.
Anh Ba là một trong 9 thuyền viên tử vong trong vụ chìm tàu Hải Thành 26. Trưa ngày 28/3, khi nghe tin có một chiếc tàu vận tải bị chìm khi đang vận tải từ Hải Phòng đi Cần Thơ trên các trang báo mạng điện tử. Ông Viên nghĩ có chuyện chẳng lành nên đã lấy điện thoại điện cho anh Ba, nhưng khác với những lần gọi điện trước, tổng đài báo số thuê bao của anh Ba không liên lạc được…
Nuốt nước mắt vào trong ông Viên kể, sau khi học xong lớp 12, Ba đi học Cao đẳng cơ khí ở Hà Nội. Tốt nghiệp chưa xin được việc làm nên Ba mới đi cùng anh Kiên (người hàng xóm) đi làm thợ máy trên tàu Hải Thành 26.
“Nó đi từ tháng 11 năm trước đến Tết mang về cho gia đình được 4 triệu đồng. Đầu năm nay, nó đi hôm mùng 9 tháng Giêng, đấy là chuyến thứ 3 kể từ ngày nó làm thợ máy cho tàu Hải Thành 26. Trước ngày xảy ra tai nạn 2 ngày, thằng Ba có gọi điện về nhà hỏi thăm sức khoẻ các thành viên trong gia đình. Nó cũng thông báo là tàu vận tải chở hàng hóa từ Hải Phòng đi Cần Thơ, khoảng mấy ngày nữa là sẽ chở gạo ngược ra Hải Phòng rồi nó cùng với thằng Dương (bạn cùng tàu - người hàng xóm) về thăm gia đình. Ấy vậy mà…!” - Ông Viên nghẹn lời.
Không khí đau buồn tại các gia đình có người thân gặp nạn
Nằm sát nách với gia đình anh Ba, gia đình người thân thủy thủ Mai Văn Dương cũng đầy tiếng khóc thương người quá cố. Anh Dương và Ba vốn là hai người bạn thân, tốt nghiệp nghề điện tử ở Hà Nội nên anh theo các anh em, bạn bè trong xóm đi làm lái tàu vận tải. Kể từ khi biết tin con trai mất tích, bà Nghiêm Thị Thuận khóc suốt ngày đêm.
Bà Thuận nghẹn lời cho biết, Dương là con thứ 2 trong gia đình. Vốn là người nhanh nhẹn lại chịu khó nên Dương không ngần ngại bất kỳ việc gì, bởi thế nên khi anh Kiên - người cùng xóm rủ đi làm lái tàu Dương đã đồng ý đi ngay.
“Khi nghe tin nó mất tích, tôi rất bàng hoàng. Gia đình nghèo khó nên không thể vào với con nhanh được. Đến chiều qua, công ty nơi cháu Dương làm việc gọi điện nói là đã mua vé cho người thân vào trong Vũng Tàu nên gia đình đã cử thím cháu Dương đi vào trong đó"- bà Thuận khóc nghẹn ngào.
Trong căn nhà nhỏ còn nguyên mùi sơn mới của gia đình anh Nguyễn Trường Đại (SN 1982) có nhiều người ra vào thăm hỏi. Mấy ngày nay, chị Lê Thị Mạnh (SN 1988, vợ anh Đại) không ăn, không ngủ, người gầy đi trông thấy. Chị Mạnh và anh Đại nên duyên vợ chồng đã được 6 năm nay và có một đứa con trai 4 tuổi. Vì kinh tế gia đình khó khăn, vợ yếu, con đang còn nhỏ lại hay phải đi viện chữa bệnh sụp mí mắt nên anh Đại phải bươn chải lo cho cuộc sống gia đình.
Đi làm xa nhưng hễ có thời gian là anh lại nhanh chóng bắt xe về. Mới đây, anh về lắp cho mẹ con chị Mạnh cái cổng ngõ rồi lại tất bật lên đường, bắt xe ra Hải Phòng cho kịp giờ xuất bến. “Ngày nào cũng vậy, dù bận rộn vợ chồng tôi cũng liên lạc 2 lần. Trước hôm xảy ra tai nạn, anh gọi về thông báo anh sắp được nhận lương. Anh cũng nói, tháng lương lần này không đủ để trả nợ làm nhà nhưng sẽ mua cho mẹ tôi một chiếc xe đạp để tiện đưa đón cháu đi học. Vậy mà anh ấy đã ra đi rồi"- người vợ trẻ nghẹn lời.
Thất thần hồi lâu, chị Mai Thị Vân (SN 1981), vợ anh Vũ Thế Kiên - sỹ quan máy trên tàu Hải Thành 26 mới kể lại phút giây chị nhận hung tin từ bạn của chồng về việc tàu gặp nạn. Chị không tin vào những gì mình nghe, bởi anh Kiên là người được đào tạo về tàu biển tại trường Cao đẳng Hàng hải ở Hải Phòng. Anh cũng là người có kinh nghiệm, làm việc gần chục năm trên tàu vận tải biển và nhiều năm trên tàu Hải Thành 26. Chỉ đến khi chị nghe chính quyền thông báo, báo chí đưa tin thì tim chị thắt quặn.
Sau khi kết hôn với chị Vân, anh Kiên mới đi học với ước mơ là một người lái tàu viễn dương. Anh cũng mong muốn, anh nuôi được gia đình bằng nghề “cưỡi sóng” mà anh đã giành cả tuổi trẻ để tìm tòi, học tập. “Anh Kiên bảo đến mùng 4/3 Âm lịch sẽ về để sang mộ cho ông nội. Lo việc cho ông xong anh ở nhà với mẹ con một vài ngày rồi mới đi. Ấy thế mà, trời không chiều lòng người” - Chị Vân nức nở khóc.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Duy Ly, Bí thư - Chủ tịch UBND xã Nga Thiện cho biết, 4 thuyền viên vừa gặp nạn tuổi đời còn rất trẻ. Trong đó, 2 thuyền viên con còn nhỏ, hoàn cảnh gia đình vô vàn khó khăn; 2 thuyền viên còn chưa lập gia đình, mới tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp, những dự định trong tương lai còn dang dở chưa thực hiện. Sau khi nhận được thông tin, các cơ quan, ban ngành đã tới hỏi thăm, động viên tinh thần và hỗ trợ gia đình có người thân gặp nạn.