Ký ức tháng Mười

Đời sống - Ngày đăng : 06:00, 10/10/2016

Cách đây 62 năm, vào ngày 10/10/1954, từ năm cửa ô, các đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam đã tiến về giải phóng và tiếp quản Hà Nội. Hơn 6 thập kỷ đã qua đi, nhưng “Ký ức tháng Mười” vẫn còn đọng mãi trong lòng quân và dân Thủ đô.

Ngày trở về của những “người con Hà Nội”

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đúng theo Hiệp định Geneva, Pháp phải rút quân khỏi Hà Nội và các thành phố của Việt Nam. Ngày 10/10, Trung đoàn Thủ đô dẫn đầu trong Đại đoàn quân Tiên phong 308 tiếp quản Thủ đô. Đối với mỗi chiến sỹ của Trung đoàn, đó là một vinh dự, một ký ức không thể phai mờ.

Ông Lê Văn Tính, nguyên chiến sỹ liên lạc Trung đoàn Thủ đô, nhớ lại: “Thật khó để diễn tả cảm giác lúc đó của những người lính như chúng tôi. Vừa sung sướng, vừa hồi hộp, vừa tự hào. Liệu còn gì hạnh phúc hơn được trở về với tư thế của người chiến thắng? Lúc đó, chúng tôi đã được phổ biến và chuẩn bị tinh thần sẵn sàng chiến đấu khi có tình huống theo phương án được phổ biến. Nhưng thực dân Pháp đã rút lui trong im lặng, vì vậy mà ngày vui càng trọn vẹn. Nhân dân Thủ đô náo nức đón đoàn quân như đón con em mình”.

Cũng được về tiếp quản Thủ đô, ông Trần Văn Bá, 83 tuổi, nhà phố Cửa Nam kể: “Là người Hà Nội, tôi tham gia chiến đấu ở Sư đoàn 308 và nằm trong đoàn quân về tiếp quản Thủ đô. Sáng 10/10, đoàn quân tiến về trung tâm thành phố từ hướng phía Nam, ấn tượng nhất là suốt dọc đường, chúng tôi được người dân chào đón với một rừng cờ hoa. Đi giữa hàng quân, cảm thấy vinh dự bồi hồi. Có đoạn người dân hai bên phố ùa ra đường vẫy chào, bắt tay, ôm hôn, tặng hoa. Vui nhất là vào khu phố cũ, tôi đã gặp người thân sau khi đã bặt tin suốt mấy năm trời”.

Ký ức tháng Mười

 Đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ đô

Cùng với việc tiếp quản Hà Nội, nhiệm vụ của Trung đoàn Thủ đô lúc bấy giờ là bảo vệ thành quả cách mạng, ổn định đời sống, sản xuất, tuyên truyền tránh để nhân dân bị lôi kéo, xúi giục… “Sau 9 năm rời xa đi chiến đấu, giờ lại được về Thủ đô, không phải “người con Hà Nội” nào cũng được hưởng niềm vui như thế. Lúc tập trung ở Phùng, anh em ai cũng hân hoan. Sau khi nhận được lệnh hành quân của đồng chí Vương Thừa Vũ, chúng tôi tiến vào Cầu Diễn, rồi Cầu Giấy, vào khu nội thành, sau đó tập trung ở Cột cờ Hà Nội. Người dân đứng chật hai bên đường vẫy cờ hoa và khẩu hiệu. Không khí phấn khởi vô cùng”, ông Tính kể.

Đúng 15 giờ chiều 10/10/1954, quân dân Thủ đô dự Lễ mừng chiến thắng tại sân Cột Cờ. Đồng chí Vương Thừa Vũ thay mặt Ủy ban Quân chính, đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong lời kêu gọi nhân ngày Thủ đô giải phóng, sau khi biểu dương quân dân Thủ đô và quân dân cả nước “Đoàn kết nhất trí, chiến đấu anh dũng” chống thực dân Pháp thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ 4 nhiệm vụ mới của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô. Đó là: “Ra sức giữ gìn trật tự an ninh; Duy trì và khôi phục mọi hoạt động sản xuất, buôn bán, kinh tế và tài chính của Thủ đô ta; Duy trì và khôi phục mọi hoạt động văn hóa; Đoàn kết chặt chẽ, thực hiện tự do, dân chủ”.

Thành quả của sự kiên trì đấu tranh

Cũng vinh dự được chứng kiến thời khắc lịch sử đó, ông Nguyễn Trọng Hàm, nguyên chiến sỹ trung đoàn Thủ đô, không giấu được vẻ xúc động: “Trong đoàn quân trở về, có không ít chiến sỹ của Trung đoàn Thủ đô được sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, vì vậy ngày tiếp quản là ngày về đúng nghĩa, về với nơi chôn rau cắt rốn. Sau 9 năm trường kỳ kháng chiến, không một lần về phép, không một dòng tin tức của gia đình, ngày về tiếp quản Thủ đô, tôi cũng như nhiều anh em khác trong đơn vị mới được gặp lại bố mẹ, anh chị em”.

Ông Hàm sinh ra và lớn lên ở phố Phùng Hưng, Hà Nội. Trước khi tham gia Trung đoàn Thủ đô, ông là tự vệ thành, công nhân phố Hàng Thiếc, đã từng tham gia nhiều trận đánh ác liệt suốt 60 ngày đêm bảo vệ các cơ quan đầu não rút lên chiến khu an toàn để chỉ huy kháng chiến. Trong những trận đánh đó, nhiều đồng đội của ông đã anh dũng ngã xuống, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch…

 “Tôi được vinh dự là một trong những người đầu tiên về tiếp quản Thủ đô, ngay từ ngày 7/10, với tư cách là phái viên Bộ tổng tham mưu để triển khai kế hoạch bàn giao và theo dõi tình hình. Nhờ vậy mà tôi được trực tiếp chứng kiến giờ phút lịch sử khi những người lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội. Đó là vào khoảng 16h30 ngày 9/10/1954. Khi toán lính cuối cùng của Pháp rời khỏi cầu Long Biên sang Gia Lâm, Hà Nội bừng lên không khí náo nhiệt khác hẳn. Cờ hoa, khẩu hiệu, tất cả mọi nơi đều được trang hoàng đẹp đẽ. Nhưng để có được ngày mồng 10/10 lịch sử đó, quân và dân ta đã phải kiên trì đấu tranh trên nhiều mặt trận”, ông Hàm chia sẻ.

  Ông Bùi Văn Ca (85 tuổi, ở Liên Sơn, Lương Sơn, Hòa Bình), một người lính có mặt trong đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô, nhớ lại: “Từ sau chiến dịch Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954, quân Pháp bị hất cẳng tại Mường Thanh, chúng tỏa về các tỉnh vệ tinh quanh Hà Nội như Hòa Bình, Nam Định, Bắc Giang... Ở những địa phương đó, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu với địch, thu hẹp vùng tạm chiếm. Buộc chúng phải co cụm, chạy dần về Hà Đông, Sơn Tây, Hà Nội. Ta lại tiếp tục tiến về Hà Nội theo đường rút của địch...”.

 Cũng theo ông Ca, từ ngày 2/10/1954, Chính phủ ta đã phái các đơn vị trật tự, hành chính vào thành phố trước để chuẩn bị tiếp quản. Nhân dân Hà Nội vui mừng, ủng hộ giúp đỡ các đơn vị này, ngăn chặn địch cướp phá máy móc, tài sản. Để chuẩn bị tốt cho việc tiếp quản, Hội đồng Chính phủ đã thành lập Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội, công bố các chính sách đối với đô thị mới giải phóng, các điều kỷ luật đối với bộ đội, cán bộ và nhân viên khi vào thành phố.

Đến ngày 5/10/1954, các đội công an, trật tự, cảnh vệ, hành chính vào Hà Nội bắt đầu nhận bàn giao các công sở, công trình lợi ích công cộng, các trụ sở quân sự của Pháp và ngụy quyền. Ở ngoại thành, địch rút khỏi Văn Điển từ ngày 6/10/1954. Đến ngày 8/10/1954, ta hoàn thành việc ký kết bàn giao các cơ quan, công sở, công trình lợi ích công cộng ở nội thành với phía Pháp và chuẩn bị nhận bàn giao các vị trí quân sự. Chiều 8/10, thực dân Pháp làm lễ cuốn cờ...

Ký ức tháng Mười

Cựu chiến binh Bùi Văn Ca

“Trước ngày 10/10/1954 các đội trật tự đã vào Hà Nội trước để bảo vệ an ninh của Thủ đô. Nhiệm vụ chủ yếu của đội là giữ được ổn định tính mạng, vật chất của nhân dân, cùng với các đoàn thể vận động bà con Hà Nội chuẩn bị cho ngày giải phóng Thủ đô. Tuy đều là những thông tin mật nhưng hầu hết toàn dân Hà Nội đều rất hoan hỷ để chờ ngày giải phóng Thủ đô”, ông Ca kể.

Âm vang chiến công còn mãi

Sáng ngày 9/10/1954, bộ đội từ Đê La Thành chia làm hai mũi tiếp thu các khu vực quân sự như: Quần Ngựa, Bạch Mai, Đồn Thủy, Thành Hà Nội... Địch rút đến đâu, ta tiến đến đấy. Cũng trong buổi sáng ngày 9/10/1954, các đội công tác ngoại thành cùng bộ đội vào tiếp quản 4 nơi là Quảng Bá, Cầu Giấy, Ngã Tư Sở, Quỳnh Lôi và đến trưa tiếp quản Đại lý Hoàn Long. 16 giờ ngày 9/10/1954, những người lính Pháp cuối cùng rút sang phía đông cầu Long Biên. Quân đội Việt Nam hoàn toàn kiểm soát thành phố. Đêm 9/10, đêm hòa bình đầu tiên thành phố rực rỡ trong rừng cờ và niềm vui khôn xiết.

Rồi thời khắc lịch sử cũng đến. Sáng 10/10/1954, từ năm cửa ô, các đơn vị bộ đội tiến vào Hà Nội. Trong rừng cờ hoa, với niềm vui sướng tột cùng, nhân dân Thủ đô náo nức đón đoàn quân chiến thắng trở về. Dẫn đầu là Trung đoàn Thủ đô giương cao lá cờ “Quyết chiến - quyết thắng".

 62 năm đã qua đi, nhưng ký ức hào hùng của những ngày đấu tranh giải phóng và tiếp quản Thủ đô Hà Nội vẫn còn in đậm mãi trong tâm trí của những cựu binh như ông Tính, ông Hàm, ông Ca cũng như tất cả người dân Thủ đô. Chắc chắn, hình ảnh 5 đoàn quân với cờ đỏ, sao vàng hùng dũng tiến vào Thủ đô từ 5 cửa ô với tư thế của những người chiến thắng sẽ không bào giờ phai mờ trong thế hệ những cán bộ, chiến sỹ và nhân dân đã từng có mặt và chứng kiến giây phút hào hùng khi xưa.

Những thế hệ công dân Thủ đô sinh sau ngày 10/10/1954, dù không được chứng kiến những giây phút hào hùng đó nhưng vẫn cảm nhận được niềm tự hào từ các thế hệ cha anh và sẽ luôn ghi nhớ, biết ơn những chiến sỹ đã ngã xuống, anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc, vì sự toàn vẹn của Thủ đô Hà Nội - Thủ đô anh hùng - Thủ đô hòa bình.

Kể từ những ngày mùa thu tháng Mười lịch sử ấy, Thủ đô Hà Nội đã có những bước phát triển nhảy vọt, hiện đại hóa về mọi mặt. Đâu đó trên những con đường, những tuyến phố mà đoàn quân giải phóng đã đi qua, dường như vẫn còn âm vang lời bài hát Tiến về Hà Nội của nhạc sỹ Văn Cao: “Trùng trùng quân đi như sóng/Lớp lớp đoàn quân tiến về”.

Vân Phạm