Huyền thoại về “Thanh kiếm báu” của Đảng

Đời sống - Ngày đăng : 13:54, 26/08/2016

Suốt hơn 60 năm qua, những người lính Trung đoàn 600 - Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, vẫn một lòng kiên trung, vượt qua mọi gian lao thử thách, bảo vệ an toàn tuyệt đối các mục tiêu quan trọng được giao, xứng đáng là “Thanh kiếm báu" của Đảng.

Vinh dự được Bác Hồ đặt tên

Có thể nói, đối với bất cứ quốc gia nào, công tác bảo vệ các cơ quan đầu não chính trị của đất nước cùng các cơ sở chính trị, kinh tế quan trọng là một nhiệm vụ hết sức đặc biệt. Đồng thời, công tác này còn thể hiện sự tôn nghiêm, uy thế của quốc gia đó trên trường quốc tế. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng và giao nhiệm vụ đặc biệt bảo vệ lãnh tụ, Đảng, Nhà nước cho những lực lượng tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc.

Các lực lượng bảo vệ của chúng ta qua mỗi thời kỳ lịch sử đều đã hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thật vinh dự và tự hào, trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, đất nước ta phải đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng, bảo vệ miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, Đảng, Nhà nước đã tin tưởng và đặt trọng trách này lên vai những cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 600.

Hơn 60 năm về trước, khi cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt, từ tháng 5 đến tháng 7/1950, Trung ương Đảng đã chỉ đạo thành lập 2 tiểu đội mang mật danh AD và AT. Với lực lượng ban đầu gồm 22 cán bộ, chiến sĩ, tiểu đội AD và AT được cấp trên giao trọng trách vũ trang bảo vệ Bác Hồ, đồng chí Trường Chinh, đồng chí Phạm Văn Đồng và cơ quan Ngân hàng ở chiến khu Việt Bắc.

Huyền thoại về  “Thanh kiếm báu” của Đảng

Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu cho những cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 600 đạt nhiều thành tích trong công tác bảo vệ

Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, tháng 2/1951, tiểu đội AD và AT phát triển thành Đại đội 32 và đến tháng 5/1953, Tiểu đoàn 600 được thành lập. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, Bác cùng các cơ quan Trung ương, Chính phủ chuyển về tiếp quản Thủ đô. Ngày 20/9/1954, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Tiểu đoàn 600 chính thức được phát triển thành Trung đoàn 600. Đồng chí Tạ Đình Hiểu làm Trung đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Ngọc Châu làm Chính ủy.

Từ đó, cái tên Trung đoàn 600 đã trở thành tên gọi thiêng liêng gắn với truyền thống của những người lính cận vệ hôm nay. Đó cũng là cái mốc lịch sử quan trọng, đánh dấu quá trình hình thành và phát triển của lực lượng vũ trang bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo cấp cao, các cơ quan Trung ương Đảng và Chính phủ trong kháng chiến.

Thiếu tướng Tạ Đình Hiểu nhớ lại: “Ngày đó, lực lượng chuyên trách bảo vệ khu căn cứ ATK đã phát triển thành 5 đại đội và hợp nhất lại thành một tiểu đoàn vũ trang cận vệ. Trong khi các cán bộ tổ chức lúng túng chưa tìm được tên cho tiểu đoàn thì Bác bảo: “Chúng ta có 5 đại đội, mỗi đại đội 120 người. Vậy là 600 người. Bác đặt là Tiểu đoàn 600, các chú có đồng ý không?”. Mọi người cùng vỗ tay ủng hộ”.

Coi mỗi nhiệm vụ là một sứ mệnh thiêng liêng

Sau 1954, quân địch cùng bọn phản động tay sai chống phá ta trên mọi lĩnh vực, reo rắc chiến tranh tâm lí, cưỡng ép, dụ dỗ đồng bào di cư vào Nam, tổ chức các ổ nhóm phản động tổ chức phá hoại các công trình trọng yếu của ta, kích động các cuộc bạo loạn tại các địa phương có đông đồng bào công giáo… những thủ đoạn đó được kẻ địch ráo riết hòng tạo ra cái gọi là “chiến tranh du kích trong lòng cộng sản”. Với kế hoạch này, chúng hi vọng sẽ tạo nên nhiều lực lượng chống đối ta ở trung du và nội địa, phá hoại cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Kể từ khi được thành lập, các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 600 đã vượt qua biết bao khó khăn thách thức, bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu quan trọng được giao như: Bảo vệ các cơ quan đầu não, các lãnh tụ của Đảng và nhà nước, các cơ quan ngoại giao, các lãnh tụ quốc tế và các vị khách nước ngoài; Bảo vệ các công xưởng, hầm mỏ, kho tàng, các trung tâm thông tin liên lạc, các trục đường giao thông, cơ sở văn hóa, khoa học kỹ thuật quan trọng; Bảo vệ an ninh thủ đô, các cuộc mít tinh lớn...         

Năm 1959, Trung đoàn 600 được chuyển sang trực thuộc Bộ tư lệnh Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) với nhiệm vụ “Bảo vệ tuyệt đối an toàn lãnh tụ, Bộ Chính trị, cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước”. Giữa lúc “thù trong giặc ngoài”, các tổ chức phản động, các ổ nhóm gián điệp âm mưu ám sát các yếu nhân nhằm gây rối loạn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, những chiến sỹ thuộc Trung đoàn 600 đã thấm nhuần lời dạy của Bác: “Tuyệt đối trung thành với Đảng, Chính phủ", sẵn sàng chịu đựng khó khăn, gian khổ hy sinh cho lý tưởng cách mạng, luôn luôn coi nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ tuyệt đối an toàn lãnh tụ, các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước là mệnh lệnh thiêng liêng.

Những năm tháng mới được thành lập, dẫu chưa có điều kiện nghiên cứu một cách hệ thống, toàn diện để xây dựng các mô hình bảo vệ chính quy, song lãnh đạo Trung đoàn 600 đã xác định biện pháp trong công tác bảo vệ nội địa là “kết hợp ba mặt công tác: cảnh vệ vũ trang công khai, cảnh vệ vũ trang bí mật và công tác vận động quần chúng”, với nguyên tắc chung là “hình thức bình thường nhưng nội dung nghiêm mật và bảo vệ an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân”.

Cùng với các lực lượng bảo vệ mục tiêu nội địa như Trung đoàn 254, Đoàn Thanh Xuyên, Trung đoàn 600 đã thực sự góp phần đưa công tác bảo vệ nội địa đi vào chiều sâu, vượt qua những hình thức vũ trang thị uy, trấn áp đơn thuần mà đã linh hoạt, sáng tạo nhiều hình thức bảo vệ hiệu quả, tính thường trực chiến đấu cao và tạo được thế trận vững chắc, tạo được sự tin tưởng tuyệt đối của Trung ương và được Bác Hồ khen tặng là “Thanh kiếm báu” của Đảng.

Ta gác cho Người – Người gác cả non sông

Trong những chuyến công tác của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh cùng các đồng chí lãnh đạo cấp  cao khác trên các đoạn đường tuyến lửa thuộc khu 4, đường 5 Hải Phòng, bờ biển Đông Bắc, đặc khu Vĩnh Linh… đã được những chiến sỹ Trung đoàn sẵn sàng xông pha bảo vệ, linh hoạt, xử lí nhanh những tình huống, trở ngại dọc đường để đảm bảo an toàn tuyệt đối.  

Huyền thoại về  “Thanh kiếm báu” của Đảng

Những chiến sỹ Trung đoàn 600 hôm nay

Khi Bác đón tiếp các vị khách quốc tế hay lúc Người vác cuốc thăm đồng, trò chuyện cùng người già, tay bế bồng con trẻ, có những người cận vệ luôn theo sát bên Người. Trong những đêm dài Bác thao thức cùng cây chì đỏ, ngoài sân có những người lính tận tụy dõi mắt vào đêm, không bỏ lọt dù là những thanh âm nhỏ nhất. Ngày Bác về thăm quê hương Nam Đàn, có sự tháp tùng tận tụy của những chiến sĩ Trung đoàn...

Chỉ cần nhìn vào những hình ảnh đó cũng đủ thấy tình cảm và niềm tin đặc biệt mà Bác Hồ dành cho những người lính cận vệ của Trung đoàn 600. Đáp lại sự gửi gắm, tin yêu của Bác, tập thể cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 600 đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng luôn vững vàng, kiên định, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao cho.

Và ngay cả khi Người vĩnh biệt chúng ta, nhiệm vụ bảo vệ công trình xây dựng Lăng Bác được giao cho Trung đoàn 600. Đây là vinh dự to lớn, niềm tự hào và cán bộ chiến sĩ Trung đoàn đã hoàn thành xuất sắc. Với niềm yêu kính vị cha già vĩ đại, Đại tá Nguyễn Ngọc Châu - người cận vệ theo Bác nhiều năm - đã từng bật thốt lên rằng: “Ngọn đèn nhỏ - rừng khuya gió lộng/Sáng tự nơi đây sáng khắp muôn vùng/Như những vì sao thức hoài không mỏi/Ta gác cho Người – Người gác cả non sông”.

Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Trung đoàn được giao nhiệm vụ bảo vệ các mục tiêu ở Sài Gòn và một số tỉnh, thành phố phía nam và làm nhiệm vụ quốc tế. Hơn 60 năm qua, dù ở bất kể điều kiện hoàn cảnh nào, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 600 vẫn một lòng trung kiên, chỉ biết còn Đảng, còn mình, đứng vững trước mọi gian lao thử thách, lấy 5 lời thề danh dự và 6 điều Bác Hồ dạy CAND làm tiêu chí phấn đấu, rèn luyện bản lĩnh của người chiến sĩ cận vệ. Cùng với việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị, các đồng chí còn chăm lo công tác xây dựng lực lượng, xây dựng đơn vị vững mạnh. Trung đoàn đã được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc, Huân chương Hồ Chí Minh cùng nhiều danh hiệu cao quý khác.

“Vinh quang con đứng bên Người, canh cho Bác ngủ ngon giấc…”. Đối với những người lính trẻ thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh vệ làm nhiệm vụ bảo vệ Lăng Bác hôm nay, nhiệm vụ được “canh giấc ngủ Bác Hồ” có lẽ là nhiệm vụ thiêng liêng chứa đựng nhiều xúc cảm. Bởi các anh đứng đây đâu chỉ canh một bóng hình, một con người cụ thể mà là canh cho “tinh thần Hồ Chí Minh, tư tưởng Hồ Chí Minh” luôn tỏa sáng, soi rọi cho cách mạng Việt Nam vững bước tới tương lai. Các anh đang tiếp tục gánh trên vai mình trọng trách mà lớp lớp cha ông đã hoàn thành một cách xuất sắc trước đây.    

Nam Hoàng