Độc đáo củi “bắt chồng”
Đời sống - Ngày đăng : 06:32, 24/08/2016
Bên cạnh kho tàng văn học dân gian, âm nhạc truyền thống khá phong phú và đặc sắc, dân tộc này còn lưu giữ được nhiều nét đẹp rất riêng biệt trong phong tục cưới hỏi.
Và, củi “bắt chồng”, hay còn gọi là củi hứa hôn (loong xare hoặc loong chier) là một trong những tập tục lâu đời đặc sắc đó.
Chặt củi cũng lắm công phu!
Ngày nay, đi trên con đường thiên lý Hồ Chí Minh nối liền Nam - Bắc, đoạn ngang qua Quảng Nam hay một số tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, rất dễ dàng bắt gặp những đống củi to đều đặn được xếp ngay ngắn, cao đụng hiên nhà ở những buôn làng người Giẻ Triêng lưa thưa ẩn hiện ven đường. Đó là những đống củi hứa hôn của các cô gái chuẩn bị cho ngày "bắt chồng".
Với tư tưởng mẫu hệ, người Giẻ Triêng đề cao quyền tự chủ của nữ giới kể cả việc lựa chọn bạn đời. Vì vậy, trong tình yêu, hôn nhân, phụ nữ Giẻ Triêng được hoàn toàn nắm quyền chủ động. Ngày trước, con gái Giẻ Triêng có lệ lấy chồng từ rất sớm, thường là ở độ tuổi 16-18. Do vậy, khi 14-15 tuổi là các cô đã bắt đầu đi rừng gùi củi về xếp dần quanh nhà. Nói cách khác là thấy nhà nào có đống củi kiểu ấy thì biết có con gái sắp đến tuổi lấy chồng.
Thực ra, cách gọi “củi hứa hôn” cũng không hẳn thật đúng bởi lúc chuẩn bị những bó củi này, các cô gái đã hứa hôn với ai, nhưng bởi cách gọi đó đã trở thành thông lệ nên mọi người mặc nhiên thừa nhận.
Củi hứa hôn được làm rất kỳ khu cẩn thận chứ không như củi thường dùng hàng ngày. Trước hết phải chọn loại cây gỗ khi khô sẽ nứt theo thớ dọc, dễ chẻ. Thường được chọn nhất là cây gỗ dẻ. Vì thế nên củi hứa hôn được gọi là loong xare (loong: Củi, xare: Cây gỗ dẻ; còn loong chier: Củi cưới). Tục lệ không bắt buộc nhất thiết chỉ là gỗ dẻ, nhưng ít ra cũng phải được phần lớn là thứ gỗ này, vì nó chắc thịt, cháy tốt và đượm than.
Y Nhung: “Bắt chồng mà không có củi... kỳ lắm!”
Kích cỡ cây chọn làm củi thường có đường kính trên dưới 10cm. Củi được chặt thành đoạn trên dưới 1m và phải giữ độ dài ấy đều đặn cho cả đống, không được dài ngắn bất thường. Trước khi xếp các khúc củi vào để bó (mỗi bó trên dưới 10 súc, tuỳ theo độ to nhỏ của cây) các cô gái dùng rìu băm bổ những nhát cạn dọc quanh thân súc gỗ, để khi khô sẽ nứt thành hình thù những tép củi nhỏ. Thoạt nhìn ngỡ đã được chẻ rời ra nhưng kỳ thật vẫn dính nhau theo từng súc một.
Ở hai đầu đống củi, những nét rạn đều chằn chặn như dấu vân cây hay những hoa văn lượn sóng, trông giống như một chòm sao lớn. Hai đầu củi cũng là cả một kỳ công. Chỉ với chiếc rìu hoặc con dao rựa thô sơ, các cô gái phải đẽo gọt sao cho mặt cắt của các đầu súc bằng thẳng phẳng phiu, tưởng tượng đặt lên đó quả trứng gà cũng khó lăn xuống đất! Ấy là thử thách sự khéo léo của “những người vợ tương lai”.
Thước đo sự cần cù, tháo vát
Những bó củi trên sẽ được các cô gái Giẻ Triêng gùi về dâng nộp nhà chồng trong dịp đám hỏi và đám cưới. Đám hỏi nộp ít hơn, khoảng vài ba chục bó. Đám cưới nộp nhiều hơn, có khi đến vài ba trăm bó, tuỳ theo số lượng dự trữ được của cô gái. Thường thì các cô cố gắng có được càng nhiều càng tốt vì muốn chứng minh cho mọi người thấy sự chịu thương chịu khó, tháo vát của mình. Và cũng vì các cô không muốn nhà chồng chê mình lười nhác. Đây cũng là một trong những cách để đo tính kiên trì, siêng năng của cô gái.
Khi cô gái bắt đầu có người đến tìm hiểu thì một người có uy tín trong làng, không có họ hàng với hai gia đình sẽ được nhờ đứng ra làm mai mối.
Lễ vật trong buổi gặp mặt giữa hai bên gia đình do người mai mối sắp đặt gồm có: Củi từ 30 đến 35 bó, 3 bao gạo, một hũ rượu nhỏ, hai chiếc cần để uống đem đến nhà trai hoặc nhà gái do người mai mối chọn (thường thì nhà chàng trai) và gọi người con gái đến cùng uống rượu.
Để đáp lại tình cảm nhà trai cũng sẽ làm thịt 2 con lợn. Sau khi đôi trẻ đã uống, cha mẹ của chàng trai sau đó là người mai mối cùng uống rượu chung vui. Cũng trong thời gian uống rượu và trò chuyện, người mai mối trình bày nội dung của buổi uống rượu hôm đó.
Nếu gần đến ngày cưới chồng, ngày nộp củi mà bản thân cô gái chưa chuẩn bị được nhiều như ý muốn thì cả gia đình họ tộc được huy động đến làm giúp. Trong trường hợp do thoả thuận giữa hai gia đình để chàng trai ở rể lại nhà cô gái thì củi này cũng phải đem sang nộp cho cha mẹ nhà chồng.
Để đáp lại công lao cô gái, phía nhà trai cũng chuẩn bị tiệc lễ cho ngày đón củi không kém phần trọng thị. Vào ngày ấy, ngoài những món ăn thức uống thông thường có sẵn trong nhà hoặc dễ dàng tìm kiếm, tục lệ bắt buộc phải có món cá sông và chuột đồng. Đặc biệt là chuột đồng. Hai món này, tuỳ từng khu vực cư ngụ của bà con ở đây, là rất khó tìm. Có khi nhà trai cũng phải huy động nhiều người trong gia tộc cùng đi săn tìm rất vất vả mới có đủ số lượng cá và chuột để đãi khách trong ngày vui trọng đại ấy.
Việc làm này có ý nghĩa nhà trai cũng kỳ công gian khó lắm để đáp lại sự nhẫn nại, chịu thương chịu khó của cô gái trong quá trình gom củi hứa hôn.
“Bắt chồng” mà không có củi... kỳ lắm!
Nhắc đến củi hứa hôn, nhiều người còn nhớ đến câu chuyện nhân duyên của thiếu tướng Đinh Hồng Đe, nguyên Phó Tư lệnh BĐBP Việt Nam. Ngày ấy, sau nhiều năm tháng thoát ly theo cách mạng, chàng sĩ quan trẻ A Đe về thăm quê. Trên đường về làng, vừa mệt vừa khát nước, A Đe dừng lại nghỉ và gặp một cô gái xinh xắn trao cho anh một cây mía. Quên béng mất rằng phong tục “bắt chồng” của dân tộc mình đã qui định, nếu nhận đồ ăn, nước uống từ ai thì coi như cái bụng đã ưng làm chồng người ấy, A Đe hồn nhiên ăn hết cây mía rồi về nhà.
Sớm hôm sau, A Đe tỉnh giấc vì tiếng người lao xao ngoài sân, chạy ra thì thấy cô gái hôm qua cùng bạn bè cô đang gánh củi hứa hôn đến nhà mình. Vậy là cô gái Y Nuỗi đã dày công góp nhặt 100 bó củi hứa hôn vừa đẹp, vừa đượm lửa ấy đã “bắt” được anh sĩ quan biên phòng mà sau này đã trở thành niềm tự hào của Tây Nguyên nói chung và dân tộc Giẻ Triêng nói riêng.
Phụ nữ Giẻ Triêng gùi củi về nhà
Ấy là chuyện xưa, còn hôm nay, tại làng Đông Lốc, xã Đăk Man, huyện Đăk Glei, Kon Tum, nằm sát ven đường Hồ Chí Minh, chúng tôi vào thăm nhà cô gái Y Nhung, 18 tuổi. Dĩ nhiên, nhà cô cũng có đống củi to đẹp, xếp cao đụng chái hiên nhà. Nhìn đống củi như đang chiêm ngưỡng một công trình nghệ thuật, mới thấy quý phục sự khéo tay và tinh thần nhẫn nại của các cô gái Giẻ Triêng.
Đối diện nét tươi xinh rạng rỡ và ngây thơ chân chất của cô sơn nữ bên cạnh "công trình" bao nhiêu lâu khó khổ của mình, chúng tôi đề nghị chụp ảnh. Y Nhung mừng rỡ vào nhà rối rít thay vội bộ váy truyền thống của dân tộc mình còn hằn nếp gấp. Y Nhung khoe rằng bộ váy này được chính tay mẹ làm cho từ vải cũng do chính tay mẹ xe sợi dệt nên.
Thấy cô gái vui vẻ vô tư và hay chuyện, chúng tôi hỏi han tìm hiểu thêm về quê hương xứ sở và phong tục tập quán. Y Nhung cho biết, không chỉ theo phong tục thường thấy trước đây là con gái chủ động "bắt chồng" mà ngày nay đã có nhiều con trai chủ động "bắt vợ" rồi. Nhưng dẫu là trai hay gái chủ động trong việc kết hôn thì các cô gái vẫn cứ phải có củi hứa hôn.
“Bây giờ cấm chặt phá rừng, giao rừng cho bà con quản lý rồi, chặt phá cây non, cây xanh là không đúng nữa rồi. Nhưng phong tục thì phải làm theo. Có điều bây giờ bà con cũng thông cảm, cho nộp ít thôi, chủ yếu là tìm cây khô có sẵn. Hoặc các gia đình tổ chức phát hoang đất trống đồi trọc để trồng bời lời, vỏ cây bán cho thư thương ép dầu hoặc làm hương, còn lõi cây thì chặt làm củi, chứ bắt chồng mà không có củi... kỳ lắm”, Y Nhung chia sẻ.
Quả đúng như Y Nhung nói, đã là phong tục tập quán ngàn đời thì khó mà bỏ được ngày một ngày hai. Chỉ nên vận động bà con có quy định mới, rút bớt lượng củi xuống, mang tính tượng trưng thôi, để cây con của rừng đỡ bị chặt phá, để bảo vệ môi trường thiên nhiên. Và nhất là để các cô gái Giẻ Triêng xinh đẹp giỏi giang nơi đây bớt phần vất vả trong chuyện chuẩn bị lấy chồng!
Những đống củi hứa hôn đó, nhìn ở một góc độ nào đó nó chả khác gì những công trình nghệ thuật, tạo thêm một cảnh quan đẹp mắt bên cạnh muôn vàn vẻ kỳ thú khác của đại ngàn Trường Sơn trên suốt dọc dài đường Hồ Chí Minh quanh co trùng điệp núi rừng.