Thái Bình: Đuổi vợ con ra khỏi nhà, đưa phụ nữ "lạ" về làm "ô sin"
Đời sống - Ngày đăng : 08:52, 23/08/2016
Chính quyền địa phương đã trực tiếp hòa giải, lực lượng Công an xã đã lập biên bản, "trục xuất" người đàn bà cư trú bất hợp pháp nhưng sự việc vẫn đâu vào đấy. Câu chuyện xảy ra tại một vùng quê lúa ở thôn Hải Triều, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.
Một nách nuôi 4 người con
Từ một lá đơn kêu cứu, phản ánh nỗi thống khổ của một người vợ tần tảo, lam lũ, nhưng có cuộc sống gia đình bất hạnh, thường xuyên bị chồng đánh đập, hắt hủi ròng rã nhiều năm, phóng viên Báo Công lý đã lần theo địa chỉ tìm gặp nhân vật để làm rõ thực hư.
Sau nhiều lần liên hệ, người đàn bà tuổi lục tuần đồng ý gặp chúng tôi tại nhà cô con gái cả ở thôn Hải Triều, xã Tân Lễ, Huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Bà là Nguyễn Thị Định (SN 1954), bà Định vừa cùng người con gái thứ hai từ Phú Thọ trở về.
Bà Nguyễn Thị Định
Trao đổi với phóng viên, bà Định cho biết, năm 1972 bà kết hôn với ông Vũ Đình Chăm (SN 1952, người cùng xã) đến nay đã được 4 người con, 2 người con trai và 2 người con gái.
Hơn nửa đời người, các con bà Định đều đã trưởng thành, có cuộc sống riêng, nhưng người đàn bà mang gương mặt khắc khổ vẫn “trăm mối tơ vò” khi kể về cuộc sống gia đình, chất chứa bao nỗi niềm cay đắng.
Tâm sự về gia đình bà Định kể, ngày mới lấy nhau, gia đình bên nội không có đất nên phải ở nhờ nhà bên ngoại. Đến năm 1976, gia đình xin được một mảnh đất của UBND xã để làm nhà ở.
Sau khi kết hôn, ông Chăm đi làm công nhân xây dựng trên trên thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ và rất ít khi về nhà. Trong khoảng thời gian làm việc tại đây, ông Chăm có quan hệ tình cảm với một người phụ nữ làm cùng công ty. Kể từ đó, ông Chăm tính nết thay đổi, mỗi lần về nhà thường cáu gắt và hay chê bai vợ.
Trong khoảng thời gian từ năm 1975 – 1987, bà Định lần lượt sinh được 4 người con là Vũ Thị Ngân (SN 1975); Vũ Thị Tiến (SN 1978); Vũ Đình Mạnh (SN 1982) và Vũ Đình Hạnh (SN 1987). Đây cũng là những năm tháng cơ cực nhất với bà Định.
Sau khi sinh, những tưởng chồng bà sẽ thay tính đổi nết, yêu vợ, thương con vun vén hạnh phúc gia đình hơn, nhưng chồng bà lại vô tâm không đoái hoài gì về cuộc sống gia đình, bỏ bê vợ con, đi biền biệt không về nhà, cũng không gửi tiền về cho vợ khiến bà phải làm lụng, cật lực để nuôi nấng các con có cái ăn, cái mặc.
Bà Định chua chát, “Chồng bỏ đi biền biệt, 29 – 30 Tết mới về cũng không cho vợ con đồng tiền nào. Tôi ở nhà làm lụng vất vả, không có nghề nghiệp cố định, cuộc sống chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng và đi cắt cỏ làm thuê làm mướn để nuôi các con. Cũng may nhà bên ngoại thương các cháu và giúp đỡ rất nhiều nên các cháu mới được đi học cho bằng bạn bằng bè”.
Cấm cửa vợ con, đưa phụ nữ về làm "ô sin"
Theo lời kể của bà Định, sau khi người con trai thứ ba được 10 tuổi, ông Chăm thường xuyên về nhà hơn nhưng lại kiếm cớ gây sự, chửi bới, mắng nhiếc vợ con. Thậm chí nhiều lần chồng bà còn thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ nhưng bà Định không kêu ca, oán trách mà âm thầm chịu đựng.
Mẹ con bà Định trong buổi tiếp xúc với phóng viên
Rồi một ngày, bất ngờ ông Chăm dẫn theo một người phụ nữ lạ mặt về nhà giới thiệu là bạn làm cùng công ty, sau đó ông Chăm còn hùng hồn tuyên bố với dòng họ sẽ lấy người phụ nữ này làm vợ hai.
Biết tin, những người trong gia đình ông Chăm, từ bên nội đến bên ngoại đã hết lòng khuyên can nhưng ông Chăm vẫn bỏ ngoài tai, thậm chí còn thường xuyên dẫn người phụ nữ về nhà hơn khiến cho cuộc sống của mấy mẹ con bà Định bị đảo lộn.
Ban đầu bà Định không tin chồng mình bội bạc mà vẫn tin tưởng chồng vì áp lực công việc nên mới sinh sự, nhưng khi chồng bà chính thức công khai mối quan hệ với người phụ nữ, với cả dòng họ, rồi trước mặt các con, bà Định suy sụp hoàn toàn. Chịu biết bao đắng cay tủi hờn, nuôi con khôn lớn, bà Định vẫn nín nhịn không dám kêu ca phàn nàn để mọi chuyện ấm êm cửa nhà.
“Chồng tôi chê tôi gầy, xấu, bẩn, mỗi lần về đều dẫn theo người phụ nữ về nhà rồi sinh sự chửi bới vợ con. Có lần ông ấy dúi mặt tôi vào tường, rồi dọa sẽ đuổi mấy mẹ tôi ra đường”, bà Định nghẹn ngào nói trong nước mắt.
Tần suất bị đánh đập ngày càng tăng dần, có lần bà Định phải nhập viện bởi những trận đòn vũ phu của người chồng. Chứng kiến cảnh này, nhiều người đã khuyên bà viết đơn ly hôn để giải thoát bản thân.
Sau nhiều lần khuyên nhủ không có kết quả, chồng bà vẫn chứng nào tật ấy, không chịu nổi cuộc sống bế tắc, bà Định đã viết đơn ly hôn. Nhưng khi biết tin này, không những ông Chăm không ký mà còn đánh bà thậm tệ rồi bỏ lên Việt Trì sống cùng người tình.
Đầu năm 2009, ông Chăm bất ngờ đưa một người phụ nữ về, rồi ở hẳn tại gia đình. Như có sự toan tính từ trước, ông Chăm tìm cớ hắt hủi vợ con rồi quăng hết đồ đạc của vợ con ra ngoài, thay ổ khóa rồi đuổi vợ con ra đường, cấm cửa không cho vào nhà.
“Tôi có làm đơn gửi lên xã, Công an đã lập biên bản, nhưng ông Chăm nói với Công an là không muốn ly hôn. Ông ta khai với Công an là do vợ cả tự bỏ đi, nên thuê người phụ nữ về làm “ô sin”", bà Định cho biết.
Hòa giải bất thành
Tại biên bản về việc giải quyết theo đơn đề nghị của bà Nguyễn Thị Định, ngày 30/1/2016, ông Nguyễn Quang Vượng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lễ đại diện cho chính quyền địa phương đã tiến hành công tác hòa giải những mâu thuẫn giữa hai vợ chồng ông Chăm, bà Định. Tuy nhiên, bà Định không nhất trí hòa giải mà muốn ly hôn do ông Chăm có mối quan hệ với người thứ 3, bà Định cũng cho biết đã gửi đơn để đề nghị Tòa án giải quyết theo luật định.
Chia sẻ với phóng viên, anh Vũ Đình Mạnh buồn bã: “Bố tôi là một người háo sắc, trước khi bỏ mẹ tôi bố tôi đã quan hệ với một người phụ nữ khác nhưng không có hôn thú. Nay bố tôi lại đưa người đàn bà khác về rồi kiếm cớ đuổi mấy mẹ con tôi ra khỏi nhà, thay khóa cổng không cho về. Không có nhà ở, tôi phải lên Lai Châu để làm ăn, mẹ tôi đi làm ô sin cho người ta, ngày giỗ ngày tết về nhà thắp hương thì bị vứt bỏ hết hoa quả”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, mặc dù chưa chính thức ly hôn với bà Nguyễn Thị Định, nhưng ông Vũ Đình Chăm lại chung sống như vợ chồng với một người đàn bà tên Đào Thị Ninh (quê Phú Thọ) nhiều năm qua ở địa phương. Đáng chú ý, bà Ninh lại không không có lý lịch rõ ràng tại địa phương.
Trao đổi với phóng viên Báo Công lý, một lãnh đạo Công an xã cho biết, bà Định đã có đơn gửi Công an xã về việc bà Ninh cư trú bất hợp pháp tại ngôi nhà của vợ chồng bà. Sau khi nhận được đơn, chúng tôi đã làm việc với ông Chăm (chồng bà Định), ông Chăm khai báo thuê cô Ninh về để làm "ô sin". Chúng tôi đã kiểm tra lưu trú, và đã yêu cầu người phụ nữ này rời khỏi địa phương vì không đủ giầy tờ tùy thân. Hiện tại chúng tôi vẫn đang tiếp tục làm việc với ông Chăm để làm rõ về việc ông thuê người về làm giúp việc nhưng lại sống với nhau như vợ chồng".