Nợ nần chồng chất vì chơi hụi
Đời sống - Ngày đăng : 08:43, 15/08/2016
Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết và đánh vào lòng tham lãi suất cao của người dân, trong một thời gian bằng nhiều chiêu trò các đối tượng đã huy động được hàng chục tỷ đồng thông qua hình thức chơi hụi (có nơi còn gọi là hội). Đây là loại hình cho vay hoặc góp vốn có lời theo kiểu tin tưởng lẫn nhau đã tồn tại khá lâu trong cộng đồng dân cư. Dù loại hình này mang đến nhiều hệ lụy nhưng rất nhiều người vẫn thờ ơ trước hậu quả của nó.
Người dân Phú Sơn điêu đứng vì vỡ hụi
Nghe lời đường mật, người ta dễ dàng mang toàn bộ của cải tích cóp được tham gia hụi được giao kết với nhau bằng 1 tờ giấy viết tay nguệch ngoạc. Khi đã có tiền, chủ hụi càng đánh bóng thương hiệu với nhà cửa, xe cộ, đồ hiệu và tiêu dùng cá nhân vô độ đến một lúc nào đó sẽ tự vỡ hoặc ôm tiền tỷ bỏ trốn mặc người cho vay điêu đứng.
Mới đây nhất người dân xã Quảng Chính (Quảng Xương, Thanh Hóa) vẫn còn bàng hoàng về vụ tự tử của bà Mai Thị Thư, thôn Chính Đa vào rạng sáng 20/7/2016. Nguyên nhân của bi kịch này là do nhiều năm nay, bà Thư đứng ra làm chủ hụi, huy động hàng chục tỷ đồng để đầu tư kinh doanh và cho vay, nhưng do thua lỗ, bị vỡ nợ khoảng 50 tỷ đồng.
Chủ hụi bỏ trốn khỏi địa phương mặc người dân lao đao
Đây cũng đã là vụ vỡ hụi thứ 4 diễn ra chỉ trong khoảng thời gian ngắn, từ năm 2015 đến nay trên địa bàn xã Quảng Chính, khiến cả vùng quê rúng động. Nhiều người sau một đêm thành trắng tay, thậm chí lâm vào cảnh nợ nần chồng chất vì mất hụi. Trong đó, từ đầu năm 2016, UBND xã Quảng Chính đã nhận được hơn 100 đơn tố cáo bà Trịnh Thị Hiên, thôn Ngọc Diêm 2. Bà Hiên đã lợi dụng lòng tin của các con hụi, lập ra nhiều nhóm hụi, huy động khoảng 30 tỷ đồng rồi bỏ trốn.
Trước đó, trong năm 2015, trên địa bàn xã đã xảy ra 2 vụ vỡ hụi. Đó là, chủ hụi Đới Thị Kim, thôn Ngọc Diêm 2, đã huy động hàng chục tỷ đồng, sau đó tuyên bố vỡ nợ và bỏ trốn. Tương tự, chủ hụi Trần Thị Hạnh, sinh năm 1982, ở thôn Thanh Xuân đã gom hụi và chiếm đoạt số tiền gần 20 tỷ đồng, cũng bỏ trốn khỏi địa phương.
Trước cảnh nợ nần chồng chất, sức ép của các chủ nợ khiến họ nghĩ quẩn tìm tới cái chết mong giải thoát. Vào hồi 1h sáng ngày 10/4, tại thôn 8 xã Thiệu Dương, TP Thanh Hóa đã xảy ra một vụ tự tử do vỡ nợ. Nạn nhân được xác định là chị Lê Thị Hằng (sinh năm 1974).
Tham gia hụi có lãi suất cao ngất ngưởng đã đánh vào lòng tham của nhiều người dân, họ đã huy động tiền anh em, bạn bè, thậm chí thế chấp nhà cửa, đất đai để vay của ngân hàng tham gia nhiều dây hụi. Sau khi thu tiền của các hụi viên, chị Hằng cho người khác vay lại với lãi suất cao hơn. Đến khi nhiều người nợ tiền bỏ trốn, khiến các dây hụi chị Hằng đang cầm bị vỡ, không có khả năng chi trả cho các hụi viên, cùng quẫn chị Hằng đã treo cổ tự vẫn.
Sau khi chị Hằng tự tử, người nhà đã khiêng thi thể nạn nhân đến đập cửa nhà một đối tượng có tên là Ch. cách nhà chị Hằng vài trăm mét để “bắt đền”, bởi trước đó Ch. đã vay nhiều tỷ đồng của chị Hằng. Người nhà chị Hằng cho rằng vì người này đã vay của chị Hằng nhiều tỷ đồng nhưng đã bỏ trốn khiến chị vỡ nợ và tìm cách quyên sinh.
Mang toàn bộ gia tài chơi hụi để đổi lấy tờ giấy nguệch ngoạc
Mới đây, hàng trăm hộ dân ở huyện Tĩnh Gia cũng đang điêu đứng vì nhiều chủ hụi không đủ khả năng trả nợ. Đã có hàng trăm lá đơn của công dân ở 3 xã Phú Sơn, Phú Lâm, Tân Trường làm đơn khiếu nại 15 chủ hụi trên địa bàn chiếm đoạt số tiền gần 60 tỷ đồng thông qua hình thức chơi hụi. Để thu hút được nhiều vốn của người nông dân, các chủ hụi đã đưa ra mức lãi suất khá cao, thậm chí, các chủ hụi lợi dụng sự tin tưởng, dễ dãi của hụi viên đã dùng thủ đoạn ghi khống tên người chơi hụi, bán hụi khống cho hụi viên để chiếm đoạt tiền.
Đến nay, Công an huyện Tĩnh Gia đã triệu tập các đối tượng có liên quan, quá trình làm việc, các chủ hụi khai nhận do không có tiền để bù đắp vào việc chơi hụi nên đã vay lãi ngày hoặc mua lại hụi với giá cao để bù đắp, một số hụi viên đã lấy tiền của mình nhưng không thanh toán số tiền phải đóng tiếp theo. Điều này dẫn đến, phần lớn các chủ hụi mất khả năng trả nợ, nhiều hộ dân đã kéo đến nhà chủ hụi gây áp lực để thu nợ. Trước thực trạng trên, Công an tỉnh Thanh Hóa, Công an huyện Tĩnh Gia đã khẩn trương vào cuộc, điều tra, xử lý. Trước mắt, các lực lượng chức năng ngăn chặn không để các chủ hụi tẩu tán tài sản hoặc bỏ trốn.
Đơn kiến nghị của người dân sau khi vỡ hụi
Hụi như là “hố đen” có sức hút kỳ lạ với những người nhẹ dạ cả tin, có lòng tham mù quáng, với chiêu bài không mới nhưng vẫn hiệu quả đó là vay của người dân với lãi suất cao càn quét qua các xã Nga Thạch (huyện Nga Sơn), xã Thiệu Thịnh (huyện Thiệu Hóa), thị trấn Lang Chánh (huyện Lang Chánh)... với số tiền lên đến cả hàng trăm tỷ đồng. Do hám lời, nhiều người dân không chỉ lấy tiền dành dụm của mình mà còn đi vay của các hộ gia đình, người thân để cho vay nhằm kiếm tiền lãi suất cao. Khi các chủ hụi vỡ nợ, khiến những đồng tiền tiết kiệm dành dụm bấy lâu của người dân có nguy cơ mất trắng.
Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng để loại bỏ hình thức tín dụng đen, cho vay nặng lãi thì người dân cũng cần nâng cao nhận thức, hiểu biết của mình trước những cái bẫy đã giăng sẵn.