Vì sao nên ăn rượu nếp ngày Tết Đoan Ngọ

Đời sống - Ngày đăng : 09:29, 09/06/2016

Trong Tết Đoan Ngọ, ngoài việc mua những loại đồ ăn có tính mát, những hoa quả đầu vụ thì một món không thể thiếu chính là rượu nếp.

Theo sách Phong Thổ ký thì Tết Đoan Ngọ còn gọi là Tết Đoan Dương. Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là giữa trưa, Đoan Ngọ là bắt đầu lúc giữa trưa; còn Dương là mặt trời, là khí dương Đoan Dương nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh. Tết Đoan Ngọ ăn vào ngày mồng 5 tháng 5 Âm lịch.

Vì sao nên ăn rượu nếp ngày Tết Đoan Ngọ

Rượu nếp là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ

Ở nước ta, dân gian còn gọi ngày Tết Đoan Ngọ là Tết diệt sâu bọ, bởi đó là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài gây hại cho cây trồng trên cánh đồng. Người xưa cũng cho rằng ăn mận, vải, dưa hấu, bánh gio, rượu nếp... trong ngày này, đặc biệt là lúc mới ngủ dậy sẽ khiến sâu bọ, giun sán trong người chết hết?

Theo truyền thống, mọi người thường dùng loại thức ăn có đủ vị cay, nóng, ngọt, chua, đắng để giết "sâu bọ" - những con giun, sán, ký sinh trùng trong cơ thể. Và rượu nếp hay cơm rượu nếp là món ăn hoàn hảo hội tụ đầy đủ những vị như thế - đã được trọng dụng.

Dưới góc độ khoa học, lớp cám của vỏ gạo nếp rất giàu chất dinh dưỡng, bao gồm cả gluxit, protit, lipit, các muối khoáng. Trong đó, vitamin nhóm B và chất xơ là có nhiều hơn hết. Do đó, chúng ta ăn cả nước lẫn cái của cơm rượu nếp không những có tác dụng bồi bổ cơ thể, tăng sức đề kháng mà còn có thể ngăn ngừa các bệnh tim mạch, đột quỵ và cao huyết áp.

Mặc dù là món "không thể thiếu" trong dịp Tết Đoan Ngọ nhưng ít ai biết rằng, rượu nếp ở mỗi vùng lại có sự khác nhau đôi chút. Cụ thể, cơm rượu nếp miền Bắc được nấu bằng gạo nếp với men rượu, ủ khoảng 2 - 3 ngày cho ngấm. Cơm rượu nếp miền Trung là những viên cơm nếp nguyên miếng, thơm ngọt.

Cơm rượu nếp miền Nam không để rời mà viên thành từng viên tròn trước khi ủ. Dẫu mang hình dáng nào nhưng đây vẫn là món ăn được nhiều người ưa thích để "diệt sâu bọ".

Men sử dụng làm rượu nếp cũng được làm từ nhiều loại thảo dược có đặc tính cay, nóng. Về cơ bản men rượu là một hỗn hợp gồm các vi sinh vật có khả năng thủy phân tinh bột thành đường và lên men dịch đường thành rượu. Do chứa 1 lượng cồn thấp, nên cơm rượu rất khó gây nên cảm giác say xỉn cho người dùng như các loại rượu thông thường.

Tuyết Nhung