Lối về cho những mảnh đời lầm lỗi
Đời sống - Ngày đăng : 05:38, 06/05/2016
Nhưng, làm sao để giúp những con người từng một thời lầm lỗi ấy thực sự hoàn lương, trở thành công dân hữu ích là bài toán không hề đơn giản.
Nỗ lực hạ thấp tỷ lệ tái phạm tội
Trên thực tế, phần lớn những người sau khi mãn hạn hoặc được tha tù trước thời hạn đều có thể tái hòa nhập thành công, thực sự hoàn lương, tìm được con đường sáng, tạo dựng được niềm tin với cộng đồng. Tuy nhiên, vẫn còn không ít trường hợp không đủ nghị lực làm lại cuộc đời, tiếp tục lao đầu vào con đường phạm tội. Trong nhiều báo cáo, hội thảo, các nhà nghiên cứu tội phạm học đã chỉ ra rằng, tỷ lệ tái phạm tội trung bình ở Việt Nam là 27% - một con số đáng lo ngại.
Nhằm giúp đỡ cho những người mãn hạn tù tái hòa nhập cộng đồng, trong những năm vừa qua, Đảng và Nhà nước ta đã có rất nhiều chính sách thiết thực, nhiều chương trình, mô hình mang lại hiệu quả đã được cụ thể hóa, triển khai thực hiện đồng bộ từ trung ương đến địa phương. Cụ thể, năm 2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2011/NĐ-CP “Quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù".
Đào tạo nghề cho phạm nhân ở Trại giam Thủ Đức
Nghị định 80/2011/NĐ-CP ra đời, chính là cơ sở pháp lý quan trọng để các ngành, các cấp triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù, phân định rõ trách nhiệm, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, tổ chức, cá nhân. Đồng thời, cũng là cơ sở để các cấp chính quyền hỗ trợ và tạo điều kiện về tinh thần lẫn vật chất đối với các đối tượng là người đã chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương sinh sống và làm việc, giảm tỷ lệ người tái vi phạm trở lại, góp phần giữ vững an ninh trật tự xã hội.
Sau 5 năm triển khai, thực hiện, mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định, thế nhưng trên thực tế, công tác giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù để họ hoàn lương vẫn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt trong khâu tổ chức dạy nghề, tìm kiếm việc làm phù hợp. Bởi, tư tưởng e ngại, không muốn tiếp nhận người có quá khứ lầm lỡ vào làm việc vẫn còn tồn tại trong rất nhiều doanh nghiệp. Hơn nữa, do đa số trình độ, tay nghề của những người vừa mãn hạn tù còn thấp, nên việc kiếm được một công việc có thu nhập ổn định là rất khó.
Tái hòa nhập từ… trại giam
Thấu hiểu được những khó khăn trong việc tái hòa nhập cộng đồng của những người mãn hạn, những năm qua, ngành Công an nói chung và lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp nói riêng đã có nhiều hoạch định đầy nhân văn được thực hiện hiệu quả và đồng bộ từ sau song sắt nhà tù đến từng địa phương nơi cư trú của phạm nhân, tạo điều kiện thuận lợi để những người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng bền vững.
Tại trại giam Thủ Đức thuộc địa bàn huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, mỗi khi có thêm phạm nhân mới nhập trại là đội công tác giáo dục lại tất bật chuẩn bị cho các lớp học mới, đặc biệt là các lớp đào tạo nghề cộng với chương trình giáo dục công dân vào các tối thứ Bảy hàng tuần tại các phân trại, khu giam giữ được truyền thụ với nhiều hình thức sinh động.
Đây cũng là đơn vị đi đầu của ngành trại giam trong việc phát động các phong trào thi đua trong phạm nhân. Từ những phong trào thi đua, nhiều phạm nhân đã phát huy được năng khiếu của mình và giúp cho Ban Giám thị cùng Hội đồng quản giáo có thêm nhiều phương pháp trong cải tạo giáo dục phạm nhân.
Còn ở Trại giam Thanh Lâm (huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa), với mong muốn giúp phạm nhân có tay nghề vững, phù hợp với sở trường của mình để có thể dễ dàng tìm được việc làm ổn định sau khi mãn hạn, từ nhiều năm nay, Ban Giám thị đã cho mở nhiều lớp đào tạo nghề cho phạm nhân, xây dựng nhiều xưởng sản xuất như may mặc, đan lát, tin học văn phòng, điện tử - điện lạnh, xây dựng dân dụng...
Đây là việc làm hết sức có ý nghĩa và cần thiết. Bởi trong trại giam, đó là cải tạo con người thông qua lao động, tìm thêm nguồn thu nhập để cải thiện cuộc sống của phạm nhân trong trại. Còn sau khi ra tù, mỗi nghề sẽ là bước khởi đầu để những ai muốn làm lại cuộc đời có thể tìm kiếm được một việc làm phù hợp với trình độ, năng lực của mình.
Ngoài ra, “Quỹ tái hòa nhập cộng đồng” mà trại đã lập, quản lý và sử dụng trong nhiều năm nay đã hỗ trợ phạm nhân một phần kinh phí để tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống sau khi chấp hành xong án phạt tù.
Phạm nhân học làm lông mi giả ở Trại giam số 3
Không có nhiều thuận lợi như Trại giam Thủ Đức và Trại giam Thanh Lâm, Trại giam Yên Hạ, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La là nơi có đa số phạm nhân là người dân tộc, hiểu biết hạn chế, không đồng đều. Cùng một nội dung, có phạm nhân hiểu được, nhưng cũng có người không hiểu được. Ban Giám thị trại đề ra 4 tiêu chuẩn và 15 biện pháp, trong đó có cả phổ biến giáo dục pháp luật bằng tiếng dân tộc để mỗi phạm nhân hiểu rõ sai lầm của bản thân, phấn đấu cải tạo tốt.
Trước khi mãn hạn, hầu hết các phạm nhân đều được tham gia những buổi học của các lớp tái hòa nhập cộng đồng, tư vấn pháp luật và các vấn đề họ quan tâm như chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các thủ tục hành chính về đăng ký thường trú, tạm trú, làm CMND, xóa án tích; các vấn đề liên quan đến hướng nghiệp, thủ tục vay vốn để tạo việc làm.
Khơi dậy niềm tin hướng thiện
Tuy con số thống kê tỷ lệ tái phạm tội lên tới 27%, nhưng tỷ lệ này chỉ chiếm chưa đầy 2% đối với những người được đặc xá, tha tù trước thời hạn. Điều đó cho thấy sức mạnh của lòng khoan dung là rất lớn. Tuy nhiên, nếu chỉ giáo dục, dạy nghề suông mà không tạo cho người được giảm án hoặc vừa mới chấp hành xong án phạt tù một môi trường trong sạch, thuận lợi để tái hòa nhập thì tất cả mọi cố gắng đều trở nên vô nghĩa.
Sau 5 năm thực hiện Nghị định 80/2011/NĐ-CP đã cho thấy, nơi nào cấp ủy, chính quyền địa phương, các đoàn thể chính trị, xã hội thực sự vào cuộc, có sự phối hợp thường xuyên; ở đâu huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của quần chúng nhân dân thì ở đó công tác tái hòa nhập cộng đồng đạt hiệu quả cao, hạn chế được tỷ lệ tái phạm tội và số lượng tội phạm cũng giảm theo.
Một số mô hình, cách làm hay đã được nhân rộng và phổ biến như mô hình “Chung tay giúp đỡ người lầm lỗi” ở phường Nghi Thu (thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An), hay mô hình “Xóa bỏ mặc cảm, làm nở nụ cười, giúp người lầm lỗi” ở thị xã Thái Hòa (tỉnh Nghệ An).
Chỉ sau một thời gian triển khai, mô hình “Xóa bỏ mặc cảm, làm nở nụ cười, giúp người lầm lỗi” đã đạt được những kết quả nhất định, tạo điều kiện giúp đỡ 342 người trong tổng số 427 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương có việc làm ổn định. Đặc biệt, Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức, cá nhân đã tạo điều kiện cho 60 trường hợp vay vốn để sản xuất, kinh doanh với số tiền 650 triệu đồng; Nông trường Tây Hiếu I (thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An) đã giao đất, giao rừng cho 12 người chấp hành xong án phạt tù để trồng rừng, phát triển kinh tế.
Chính vì nhờ làm tốt công tác giúp người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng nên tỉ lệ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương cư trú có các hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn thị xã Thái Hòa giảm hẳn. Chỉ tính trong vòng 3 năm trở lại đây, tỷ lệ này đã giảm hơn 50% so với thời gian trước đó.
Một trong những mô hình thiết thực khác là chương trình “Phối hợp giáo dục phạm nhân, trại viên trong độ tuổi thanh niên và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng” giữa Hội LHTN tỉnh Nghệ An và các Trại giam số 3, số 6 (Tổng cục VIII - Bộ Công an).
Thông qua việc tổ chức các hoạt động giao lưu “Thắp sáng ước mơ vì ngày mai tươi sáng”, Ban Thư ký Hội LHTN tỉnh phối hợp với Ban Giám thị các trại giam lồng ghép công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các phạm nhân; chỉ đạo CLB thầy thuốc trẻ tham gia tư vấn sức khỏe, khám chữa bệnh và cấp phát thuốc, xây dựng tủ sách thanh niên với hơn 100 đầu sách tham khảo... góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho phạm nhân, khơi dậy niềm tin cải tạo tốt, sớm trở về với gia đình, cộng đồng.
Thiết nghĩ, trong mỗi nỗ lực tái hòa nhập của những phạm nhân được đặc xá, tha tù, luôn cần có các cơ quan chức năng, gia đình, bạn bè và cộng động xung quanh đồng hành và ủng hộ. Bởi chỉ có tình thương yêu, thông cảm, sự giúp đỡ chân thành mới có thể giúp cho người chấp hành xong án phạt tù nhanh chóng trở lại với đời, hoàn thiện mình trở thành một công dân lương thiện và có ích. Và cũng là để đường về của họ không lẻ bóng.