Hà Nội: Năm 2016 vẫn còn 16 điểm úng ngập cục bộ
Đời sống - Ngày đăng : 18:36, 26/04/2016
Theo đó, dự báo trong năm 2016, Hà Nội vẫn còn 16 điểm bị úng ngập trong mùa mưa khi lượng mưa (từ 50 – 100mm/2h), như ngã tư Phan Bội Châu- Lý Thường Kiệt, đường Lê Duẩn, Cao Bá Quát, Minh Khai, Trường Chinh, Trần Bình (Cầu Giấy), Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm), Bến xa phía Nam, đường Giải Phóng,…
Vì vậy, Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các chủ đầu tư, chỉ đạo Ban duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật, Công ty thoát nước Hà Nội khẩn trương kiểm tra, kiểm đếm, tiếp nhận bàn giao các công trình thoát nước đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhằm phát huy hiệu quả đầu tư thoát nước mùa mưa năm 2016.
Công tác duy tu, duy trì thường xuyên hệ thống thoát nước đô thị đã được Ban duy tu công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị - Sở Xây dựng và công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, …tập trung triển khai theo kế hoạch đặt hàng, đảm bảo phục vụ công tác thoát nước mùa mưa năm 2016.
Ông Võ Nguyên Phong thông tin về kế hoạch thoát nước mùa mưa
Cụ thể, thực hiện việc nạo vét duy trì hệ thống cống được lựa chọn, ưu tiên thực hiện đồng bộ theo từng lưu vực đảm bảo hệ thống cống dọc, ngang, ga thu không ách tắc tại mọi thời điểm trong mùa mưa; ưu tiên nạo vét bằng cơ giới tại các trục tiêu thoát chính và các trọng điểm úng ngập đảm bảo các trục tiêu thoát chính được nạo vét ít nhất 1 lần trước mùa mưa.
Các trạm bơm Yên Sở, trạm bơm Bắc Thăng Long-Vân Trì và các trạm bơm tiêu khác được vận hành theo đúng quy trình đảm bảo bơm hạ mực nước thấp trên toàn hệ thống trong mùa mưa. Công tác ứng trực cũng sẽ được tăng cường, theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo thời tiết để nắm bắt thông tin kịp thời.
Ông Võ Tiến Hùng – Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội khẳng định, số điểm úng ngập trong mùa mưa trên địa bàn TP đã giảm. Năm 2014 có 33 điểm; năm 2015 có 23 điểm, đến năm 2016 còn 16 điểm, trong đó nhiều điểm có đặc thù là vùng trũng, tụ thủy ở các nơi như ở khu vực Lê Duẩn, Cửa Nam… (quận Hoàn Kiếm)
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện Dự án II đang gấp rút hoàn thành. Dự án hướng đến mục tiêu hoàn thiện thoát nước lưu vực sông Tô Lịch nhằm giảm tải tác hại do ngập lụt ở lưu vực sông Tô Lịch, với chu kỳ bảo vệ 10 năm đối với sông và mương thoát nước ứng với lượng mưa 310mm/2 ngày.
Với số tiền TP đầu tư cải tạo nước mặt hồ lên đến 30 tỷ đồng nhưng như hồ Ngọc Khánh (quận Ba Đình) vừa cải tạo xong vẫn ô nhiễm do nước thải sinh hoạt trực tiếp đổ ra hồ như báo chí đã phản ánh, ông Võ Nguyên Phong cho biết, dự án cải tạo hồ Ngọc Khánh thuộc gói thầu bổ sung (cùng với mương ở Yên Sở) vẫn đang thuộc sự quản lý của nhà thầu.
Hồ được cải tạo để tách toàn bộ nước thải khỏi hồ. Nước thải sẽ theo hệ thống cống bao xung quanh hồ về trạm để bơm ra mương 36A (gần Đài Truyền hình Việt Nam). Hồ chỉ chứa nước mưa, tuy nhiên, do người dân vô ý thức xả rác xuống hồ nên có hiện tượng ô nhiễm như trên.