Vụ nữ sinh bị cưa chân: Cần mời luật sư tham gia Hội đồng chuyên môn
Đời sống - Ngày đăng : 06:32, 18/03/2016
Ngày 6/3, Vi bị tai nạn giao thông, được đưa vào Bệnh viện H.Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk) điều trị. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán Vi bị gãy mâm chày chân bên phải và cho bó bột. Đến tối cùng ngày, Vi than đau và tê chân, gia đình có đề nghị bác sĩ tháo bột nhưng không được đáp ứng.
Sáng sớm 7/3, gia đình thấy chân Vi tím ngắt nên tự lấy kéo cắt một đoạn bột. Trước tình trạng bệnh nhân liên tục kêu đau, 2 ngày sau bác sĩ mới cho tháo bột ra. Lúc này, thấy chân bệnh nhân sưng, nổi bóng nước, tình trạng sức khỏe không khả quan nên người nhà xin cho chuyển viện nhưng bác sĩ vẫn chưa cho chuyển viện.
Đến ngày 11/3, khi người nhà yêu cầu do bệnh tình của Vi diễn tiến xấu hơn, bác sĩ mới cho chuyển đến Bệnh viện đa khoa Đắk Lắk. Tại đây, qua kiểm tra cho thấy tình trạng nặng, chân bị hoại tử nên đã cho chuyển Vi đến Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM ngay trong chiều 11/3.
Tin từ khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết Vi vào viện tối 11/3. Khi mổ thám sát, bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy thấy các cơ chân của bệnh nhân không còn sống, không thể giữ chân được, buộc phải cắt cụt chân (đến phía trên đầu gối) để cứu bệnh nhân.
Nữ sinh Hạ Vi trở thành người tật nguyền do sự tắc trách của bệnh viện
Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh, ngoài việc bồi thường theo quy định, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề có sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra tai biến cho người bệnh phải chịu các trách nhiệm pháp lý khác theo quy định của pháp luật.
Theo đó, có thể xử lý hành chính, kỷ luật nội bộ hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Để có cơ sở xác định trách nhiệm thì dựa vào kết luận của hội đồng chuyên môn. Tuy nhiên, kết luận này có khách quan hay không thì người bệnh rất khó đánh giá vì thiếu kiến thức và thông tin.
Trên thực tế, hầu như chưa có vụ tai biến do tắc trách của bác sĩ bị xử lý trách nhiệm hình sự, bởi bệnh nhân ít khi đi đến cùng sự việc, hay kết luận của hội đồng chuyên môn do ngành y tế lập ra, và ít người có đủ trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ ngành y để kiểm chứng.
Theo Luật Khám chữa bệnh, trong thành phần của hội đồng chuyên môn phải có sự tham gia của luật sư, luật gia, nhưng hầu như người dân không biết quy định này, còn cơ quan y tế thì không mời luật sư độc lập, nên kết luận của hội đồng chuyên môn khó đảm bảo được tính khách quan. Khi gặp phải trường hợp bị tai biến do tắc trách, bệnh nhân cần yêu cầu được các luật sư tham gia vào hội đồng chuyên môn để đảm bảo quyền lợi cho mình.
Ngoài việc yêu cầu Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) phải xác minh, làm rõ việc nữ sinh bị cắt chân thì chính gia đình cháu Vi có thể gửi đơn tới cơ quan Công an huyện Cư Kuin đề nghị vào cuộc điều tra làm rõ nguyên nhân bị hoại tử là gì, có dấu hiệu hình sự hay không.
Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra sẽ lập thủ tục giám định về y khoa, xác định nguyên nhân gây cắt cụt chân, giám định tỉ lệ thương tật của nữ sinh Vi, nếu tỉ lệ thương tật từ 31% trở lên mà do nguyên nhân y, bác sĩ tắc trách thì Cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can với tội danh “Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính”. Tùy mức độ, hành vi phạm tội được xác định trong khi điều tra, xác minh, thì những người liên quan có thể bị xem xét tội danh.
Theo LS Tạ Quang Tòng (Đoàn LS tỉnh Đắk Lắk), vị bác sĩ trực tiếp điều trị cho nữ sinh 15 tuổi có thể phạm vào tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 285 Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, kíp trực và bác sĩ trực tiếp điều trị cho Vi còn chịu trách nhiệm pháp lý được quy định tại khoản 1, Điều 242, Bộ luật Hình sự về tội “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” .
Liên quan đến vụ việc, ông Doãn Hữu Long, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết, đã tạm đình chỉ công tác bác sĩ Trịnh Đức Lam (Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa ngoại), bác sĩ Y Tâm (người trực tiếp bó bột) và 2 điều dưỡng Lê Thị Long, Vũ Thị Tuyết Len để phục vụ điều tra. Sở cũng yêu cầu Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin họp Hội đồng chuyên môn, sớm có báo cáo nguyên nhân dẫn đến vụ việc.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 109 Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2009, người nào vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên, do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. |