Đề xuất mở rộng hiến mô, tạng từ người chết tim
Sáng 29/2, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia tổ chức hội thảo "Hiến mô, tạng từ người chết tim tại Việt Nam".
Hội thảo được tổ chức với mục đích xin ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia để đề xuất bổ sung chết tim và hiến mô tạng từ người chết tim vào Luật Hiến ghép mô tạng sửa đổi tới đây.
PGS.TS Đồng Văn Hệ, Phó giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia cho biết, ở Việt Nam hiện nay, hàng chục nghìn người vẫn đang giành giật sự sống từng ngày để chờ đợi được ghép gan, thận, tim. Tuy nhiên, với những đặc thù về văn hóa, truyền thống nên nguồn tạng được hiến từ người chết não ở Việt Nam còn thấp.
Hiện nay, trong các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam đã có những quy định hướng dẫn chẩn đoán chết não và hiến mô tạng từ người chết não. Tuy nhiên, Luật Hiến ghép mô tạng năm 2006 nhưng chỉ đề cập hiến mô tạng từ người chết não. Luật chưa đề cập hiến mô tạng từ người chết tim.
Trong hơn 10 năm vừa qua, nguồn hiến tạng từ người chết tim được nhiều nước quan tâm và tăng tỷ lệ lên cao. Tỷ lệ hiến tạng từ những người này rất lớn. Như vậy, nguồn hiến tạng, hiến mô từ người chết tim cần được cụ thể hóa để đưa vào Luật Hiến ghép mô tạng và xây dựng quy trình cụ thể.
Để tăng nguồn hiến mô, tạng từ người chết não, trong năm 2023, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đã phối hợp với nhiều đơn vị, bệnh viện tuyên truyền về nghĩa cử nhân văn, nhân ái về hiến mô, tạng sau chết hoặc chết não.
Trung tâm đã tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao kiến thức, nghiệp vụ về chết não cho các tư vấn viên đang công tác tại các khoa có máy thở của tổng cộng 58 bệnh viện trên khắp cả nước.
Theo ông Hoàng Văn Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, những quy định liên quan đến vấn đề chết tim và sử dụng tạng, mô được hiến từ người chết tim cần sự đồng thuận, góp ý, thảo luận của nhiều bên. Lý do là cách thức, quy trình, tiêu chuẩn để chẩn đoán người chết tim rất khác so với quy trình chẩn đoán chết não.
Vì vậy, các chuyên gia cho rằng Bộ Y tế nên đưa Luật Hiến ghép mô tạng sửa đổi vào danh mục luật ưu tiên trong năm 2024.