Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Không có vùng cấm trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại

Chính trị - Ngày đăng : 19:33, 31/05/2016

Chiều 31/5, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) đã có buổi làm việc với Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Không có vùng cấm trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: Q.Hùng

Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, 5 tháng đầu năm 2016, nhất là dịp Tết Nguyên đán Bính Thân, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến, địa bàn cả nước diễn biến khá phức tạp do nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của nhân dân tăng cao. Đặc biệt, tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, đường hàng không, đường biển hàng hóa vi phạm chủ yếu là: Ma túy, pháo, vật liệu nổ, xăng, dầu, động vật hoang dã và sản phẩm của động vật hoang dã, rượu ngoại, thuốc lá điếu ngoại, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đường cát, gia cầm, gia súc, đồ điện tử, điện lạnh, hàng tiêu dùng các loại...

Trong nội địa, vi phạm về niêm yết giá bán hàng, sản xuất, kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ,... có chiều hướng gia tăng trong các dịp lễ, Tết. Đáng chú ý, tình trạng tổ chức, cá nhân sử dụng trái phép các loại hóa chất, phụ gia thực phẩm, vật tư nông nghiệp không đảm bảo, sử dụng chất cấm trong sản xuất, canh tác, chăn nuôi,… có dấu hiệu diễn biến phức tạp, gây bất an dư luận, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhân dân.

Với sự điều hành, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên cả nước; đặc biệt là tại các thành phố lớn và các tỉnh biên giới trọng điểm từng bước đã có những chuyển biến tích cực, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, an toàn cộng đồng, thực thi hiệu quả pháp luật, chính sách, được nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.

5 tháng đầu năm 2016, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã tiếp nhận hàng trăm tin báo, qua phân tích đã trực tiếp chỉ đạo xác minh đối với 1 tin, đồng thời chuyển 67 tin báo có cơ sở đến các cơ quan, đơn vị chức năng có thẩm quyền để xử lý theo quy định. Lực lượng chức năng các cấp đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 78.389 vụ việc vi phạm (bằng 97,94% so với cùng kỳ năm 2015); số thu nộp Ngân sách Nhà nước từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế ước đạt 5.201 tỷ 965 triệu đồng (bằng 115,11% so với cùng kỳ năm 2015); khởi tố 537 vụ đối với 679 đối tượng.

Điển hình như vụ kiểm tra, bắt giữ 1,84 kg cocain tại Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất - Thành phố Hồ Chí Minh; vụ bắt giữ 143,5 kg ngà voi và các sản phẩm từ ngà voi tại Sân bay quốc tế Nội Bài - thành phố Hà Nội; vụ bắt giữ 42.000 viên ma túy tổng hợp và 4 bánh heroin tại Quảng Trị; vụ bắt giữ 20kg thuốc nổ công nghiệp, 1.000 kíp nổ và 50 mét dây cháy chậm tại Thanh Hóa; vụ bắt giữ 2.000 tấn than cám tại khu vực giáp ranh giữa Hải Phòng và Quảng Ninh; vụ mua bán trái phép 755.000 lít dầu D.O tại vùng biển Cà Mau.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Trong năm 2015 và 5 tháng đầu năm 2016, dưới sự chỉ đạo điều hành của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các Bộ, ngành địa phương, các lực lượng chức năng đã quyết liệt đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và đạt được những kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội.

Đặc biệt, với sự tham gia tích cực của các cơ quan thông tấn báo chí, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã có những chuyển biến rõ rệt về cả nhận thức và hành động. Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn còn diễn biến phức tạp. Nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng không rõ nguồn gốc với nhiều chủng loại được bày bán công khai ở nhiều nơi. Hàng cấm, hàng độc hại từ nước ngoài vẫn xâm nhập vào Việt Nam với số lượng lớn. Cùng với đó, việc xử lý vi phạm, nhất là vấn đề xử lý trách nhiệm cán bộ công chức có liên quan vẫn còn tình trạng nể nang, bao che, thiếu kiên quyết; việc điều tra xử lý một số vụ vi phạm cụ thể còn chậm trễ, kéo dài, gây dư luận xấu…

Phó Thủ tướng lưu ý cần phải tiếp tục củng cố các lực lượng chuyên trách thực hiện công tác này và có sự phối hợp hiệu quả, công tác tuyên truyền không chỉ phản ánh hiện tượng, hành vi vi phạm mà còn chỉ ra được nguyên nhân, giải pháp. 

Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Ban Chỉ đạo cần quán triệt, chỉ đạo đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng thực hiện tốt những nhóm nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết 41/NQ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới. Trong đó, Ban Chỉ đạo cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm, có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.

Cùng với đó, Ban Chỉ đạo cần tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm; thanh tra, kiểm tra công vụ để phát hiện và phòng ngừa tiêu cực; điều chuyển, thay thế những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; kiên quyết không có vùng cấm trong công tác này.

Mặt khác, Ban Chỉ đạo cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; hoàn thiện các quy định để quản lý, kiểm soát chặt chẽ loại hình kinh doanh tạm nhập-tái xuất hàng hóa, phân luồng quản lý rủi ro trong thông quan hàng hóa, xác định giá tính thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng; quản lý, sản xuất kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm, nông lâm thủy sản.

Đồng thời, Ban Chỉ đạo cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến thường xuyên về các mặt nguy hại của tệ nạn buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong nhân dân và các cơ quan nhà nước, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo phải tiếp tục chủ động tích cực hơn trong việc nắm bắt thông tin về các vụ việc nghiêm trọng, xã hội quan tâm; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn báo chí, các tổ chức chính trị xã hội, các hiệp hội, ngành nghề trong việc cung cấp thông tin tuyên truyền về công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Xuân Lan