Những hiểm họa chết người từ cầu máng
Đời sống - Ngày đăng : 06:30, 10/01/2016
Những ngày gần đây, người dân 2 xã Duy Vinh và Duy Phước (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) vẫn chưa hết bàng hoàng về cái chết của chị Nguyễn Thị Lan (SN 1988, ngụ xã Duy Phước).
Hôm đó là trưa ngày 3/1, khi đi điều khiển xe máy chở theo 2 con nhỏ đi đám giỗ nhà bà con ở TP. Hội An (Quảng Nam). Lúc về đi đến giữa cầu máng (nối 2 xã Duy Vinh và Duy Phước), chị Lan đi vào tấm đanh bị hư nên lạc tay lái.
Hậu quả, chị cùng 2 con nhỏ bị ngã rớt xuống sông. Dù được người dân gần đó kịp thời cứu vớt và sơ cứu nhưng chỉ giữ được mạng sống của 2 người con nhỏ, còn chị Lan tử vong ngay sau đó.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cầu máng là cầu dẫn nước từ trạm bơm điện 19/5 xã Duy Phước về tưới cho xã Duy Vinh, được xây dựng từ năm 1993. Vì là cầu dẫn nước nên trên cầu không có lan can, chỉ có những tấm đanh chạy dọc suốt chiều dài của cầu để người dân có thể nậy lên dọn rác mỗi khi đường dẫn nước bị nghẹt. Lâu ngày những tấm đanh này bị lún, hư hỏng, được xây lại nhưng nhô cao hơn trước nên rất nguy hiểm cho người qua lại.
Mặc dù đã có biển “Cấm đi xe máy” nhưng người dân vẫn lưu thông qua cầu
Ông Trần Văn Sành - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Vinh cho biết, ban đầu cầu máng được làm bằng thép, đến năm 2000 nâng cấp thành cầu bê-tông. Cầu rộng khoảng 1 mét, dài gần 400 mét và không có lan can hai bên. Mặc dù cầu máng này chỉ có công năng dẫn nước thủy lợi, không kết hợp giao thông nhưng nhiều người dân vẫn thường xuyên sử dụng để đi lại hàng ngày.
Theo một số người dân xã Duy Phước cho biết, họ đi qua TP.Hội An hay người dân xã Duy Vinh muốn đi về thị trấn Nam Phước (huyện Duy Xuyên) đều không muốn đi đường vòng nên thường lưu thông qua cầu máng này để giảm bớt đường đi lại. Khu vực cầu này đã có rất nhiều vụ rơi xuống sông chết thảm, đến nỗi người dân nơi dân phải xây am miếu để thờ tự. Không chỉ có dân ta, mà cả du khách nước ngoài vẫn thản nhiên đi qua cầu này bất chấp sự nguy hiểm.
Người dân thản nhiên lưu thông qua cầu máng huyện Duy Xuyên
Không chỉ có dân ta, cả khách nước ngoài cũng bắt chước đi qua cầu máng
Ông Sành cho biết thêm, cách cầu máng khoảng 1km có một cây cầu dân sinh kiên cố, đó là cầu Hà Tân. Đường dẫn 2 bên cầu đều đã được bê-tông hóa, giao thông thuận lợi. Tuy nhiên, chỉ vì muốn rút ngắn đoạn đường 3-4km mà nhiều người dân vẫn bất chấp nguy hiểm đi qua cầu máng.
Trước đây, địa phương đã lập rào chắn không cho người dân qua lại cầu máng, nhưng không được bao lâu, người dân tự ý tháo rào chắn để lưu thông qua cầu. Thấy dân ta đi lại, nhiều du khách nước ngoài cũng bắt chước đi theo.
Những người dân sống tại đây cho hay, 20 năm từ ngày xây dựng đến nay, đã có gần 10 người đi qua cầu máng bị rơi xuống sông chết đuối.
Một tấm đanh bị hỏng, rất nguy hiểm nếu người dân không để ý khi đi qua cầu.
Không chỉ ở huyện Duy Xuyên, huyện Núi Thành (Quảng Nam) cũng có một cây cầu máng nguy hiểm không kém. Theo đó, khoảng 9h ngày 19/8/2014, chị Nguyễn Thị Đồi (SN 1973, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành) đi xe máy qua xã Tam Xuân 1 để mua lá chuối. Lúc về đi đến giữa cầu máng của xã chị Đồi bất ngờ bị trượt chân ngã xuống sông và đuối nước.
Cầu máng ở xã Tam Tiến có chiều dài gần 300m nhưng bề rộng chỉ được 0,80m. Đây là một máng dẫn nước thuộc tuyến kênh N3 của hệ thống thủy lợi Phú Ninh từ địa phận xã Tam Xuân 1 vượt sông Trường Giang chảy vào xã Tam Tiến.
Mặc dù là máng dẫn nước nhưng phía trên được lát kín để nhân viên thủy nông đi lại kiểm tra, bảo dưỡng máng và vận hành đoạn máng nâng hạ để thông thuyền trên sông. Do nằm ở vị trí đặc biệt nên nhiều người dân thường xuyên qua lại trên đó như một chiếc cầu dân sinh. Cầu máng xã Tam Tiến đã khiến gần 100 người bị rơi xuống sông, trong đó có 18 người thiệt mạng.
Để không còn những cái chết thảm như vậy, thiết nghĩ người dân cần thận trọng khi sử dụng cầu máng. Chỉ những cầu máng được nhà nước cho phép kết hợp giao thông thì mới được qua lại, nếu không thì tuyệt đối không nên sử dụng.
Các cơ quan, đơn vị quản lý, khai thác cầu máng cần đặt biển báo nguy hiểm hoặc lắp đặt rào chắn để ngăn cản người lưu thông. Nếu là cầu kết hợp thủy lợi và giao thông, cần có lan can để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện đi trên cầu.