Ước mơ một cây cầu dẫn vào bản Hón Cánh

Đời sống - Ngày đăng : 10:54, 30/12/2015

Để vào bản Hón Cánh, xã Vạn Xuân, Thường Xuân (Thanh Hóa) chỉ có một con đường duy nhất vượt sông. Mỗi ngày 16 hộ dân với 72 nhân khẩu trong đó có 20 em học sinh hàng ngày phải lội qua sông đi làm, đi học. Mỗi khi mùa mưa bão về bản nghèo như một ốc đảo.

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng bản Hón Cánh, người dân ở đây sống mãi thành quen, chỗ nào nông, sâu, chỗ nào có thể đặt chân lội vào là thuộc như đếm.

Ước mơ một cây cầu dẫn vào bản Hón Cánh

Đường vào bản Hón Cánh duy nhất là vượt sông

Ông Bình tâm sự: Mỗi khi mùa lũ tới, nước sông to, không một ai dám mạo hiểm đương đầu với thuỷ lũ. Những khi ấy, 16 hộ dân Hón Cánh gần như bị cô lập, lạc lõng nơi ốc đảo không điện, không đường, không trường trạm… Số em tới trường ở bán trú thì cuối tuần không thể về với gia đình, số em đi học theo buổi thì phải nghỉ học ở nhà chờ nước lũ qua đi. Mà mùa nước lũ thì biết thì khi nào mới hết. Việc học bị ảnh hưởng, nên số học sinh theo học hết cấp 3 ở đây chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Năm 2010 từng có một con đường thanh niên tình nguyện dẫn vào bản, con đường do Huyện đoàn thanh niên huyện Thường Xuân cùng với UBND xã Vạn Xuân phối hợp làm. Tuy nhiên, do nhiều bất cập nên đến nay con đường trên đã bỏ hoang, đất đồi núi sạt lở vùi lấp.

Với địa phương, thì cứ khoảng tháng 10 hàng năm, không còn lụt nữa bà con lại hùn nhau làm một cây cầu, dạng cầu khỉ, có thể dắt xe máy qua lại với chi phí khoảng 3 triệu đồng tiền mua vật dụng. Cầu làm xong, ai ai cũng hớn hở, vui mừng vì bà con đến với trung tâm xã, với trạm y tế không còn ướt sũng khi lội qua sông, con cháu được đến trường an toàn, đều đặn hơn... 

Nói đến đây, giọng Trưởng bản Bình bỗng chậm lại, thở dài: Cây cầu tre góp làm của bà con không đủ kiên cố để có thể chống chọi với những trận mưa to, những dòng thác lũ ùn ùn thúc đập, nên cũng chỉ đến mùa nước lũ (khoảng tháng 6, tháng 7 năm sau) cầu lại bị lũ cuốn trôi.

Ước mơ một cây cầu dẫn vào bản Hón Cánh

Mùa lũ bản Hón Cánh bị cô lập hoàn toàn

Trao đổi với chúng tôi, ông Cầm Bá Thuần, Chủ tịch xã Vạn Xuân cho biết: "Là xã còn nhiều khó khăn, nhắc đến Hón Cánh, là nhắc đến nỗi trăn trở của bao đời Chủ tịch xã. Phải làm sao cho bà con dân bản thoát nghèo, và ai cũng nhận ra rằng, có một cây cầu là giải quyết tới 90% điều đó".

Còn thầy Lê Công Bắc, Hiệu trưởng Trường tiểu học xã Vạn Xuân cho hay: "Với học sinh Tiểu học dù sao các bậc cha mẹ cũng bớt lo ngại hơn vì con em họ còn được ở bán trú. Còn các em bậc Trung học chỉ học nửa buổi rồi về rất vất vả và nguy hiểm hơn nhiều. Trung bình mỗi ngày các em phải lội sông 2 lần đi về, chưa kể nếu mưa lũ to thì phải nghỉ học ở nhà, có khi vài ba ngày mới được tới lớp".

Đã bao đời nay người dân Hón Cánh sống với niềm khát khao mong muốn có được cây cầu kiên cố nối đôi bờ sông Đạt để con em họ không bị dang dở giấc mơ cắp sách tới trường và để thoát nghèo.

Thanh Phương