Hưởng ứng Tháng hành động vì người nghèo: Cần coi người nghèo là đối tác

Đời sống - Ngày đăng : 06:30, 23/10/2015

Nhờ có chính sách tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên do thiếu nguồn lực cũng như vẫn coi người nghèo là đối tượng thụ hưởng nên chính sách này vẫn chưa thực sự đem lại hiệu quả như mong đợi.

25,5 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn

Tín dụng chính sách đối với hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách gặp khó khăn là hoạt động quan trọng của Ngân hàng Chính sách xã hội. Từ khi có chính sách này, các đối tượng nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách đã được tiếp cận nguồn vốn tín dụng và không ít hộ đã thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống. Đáng ghi nhận để người nghèo dễ tiếp cận được nguồn vốn này, Chính phủ đã có nhiều điều chỉnh về lãi suất cũng như nguồn vốn. Cụ thể mức cho vay tối đa với hộ nghèo, hộ cận nghèo từ ngày 6/4/2007 đến ngày 30/4/2014 là 30 triệu đồng/hộ; từ ngày 1/5/2014 đến nay là 50 triệu đồng/hộ. Lãi suất cho vay hộ nghèo 0,6%/tháng, hộ cận nghèo 0,72%/tháng. Thời hạn cho vay ngắn hạn tối đa 12 tháng, trung hạn tối đa 60 tháng. Việc triển khai tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo thông qua công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức, các chương trình tín dụng được triển khai, phổ biến đến cấp ủy, chính quyền, cộng đồng dân cư và các đối tượng được thụ hưởng.

Theo đánh giá của các địa phương, tín dụng chính sách được xem là một trong những giải pháp thực hiện mục tiêu giảm nghèo căn cơ và bền vững, đảm bảo an sinh xã hội có hiệu quả. Nhờ có nguồn vốn vay này mà hàng nghìn hộ dân nghèo đã vươn lên thoát nghèo. Báo cáo của Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng cho thấy, sau 13 năm hoạt động, với mạng lưới trải rộng từ Trung ương tới cơ sở và tổ chức giao dịch trực tiếp tại gần 11.000 điểm giao dịch xã, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã huy động được hơn 140.000 tỷ đồng để cho vay với tổng dư nợ đến hết tháng 5/2015 đạt gần 134.000 tỷ đồng, tăng gần 19 lần so với thời điểm thành lập (đầu năm 2003).

Nhờ đó, đã có trên 25,5 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách với tổng doanh số cho vay trên 285.000 tỷ đồng. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp trên 3,6 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 11 triệu lao động, trong đó có trên 104.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 3,3 triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập…

Hưởng ứng Tháng hành động vì người nghèo:  Cần coi người nghèo là đối tác

Tín dụng chính sách đã giúp trên 3,6 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo

 

Theo Quyết định số 750/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với một số chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, từ ngày 5/6/2015, lãi suất cho vay hộ nghèo, cho vay học sinh, sinh viên, cho vay đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, cho vay vốn quỹ Quốc gia về việc làm giảm từ 7,2%/năm (0,6%/tháng) xuống còn 6,6%/năm (0,55%/tháng).

Những bất cập

Chính sách cho vay vốn đã đem lại hiệu quả khá cao trong công tác xóa đói giảm nghèo bền vững, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn tồn tại những bất cập. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi, dù chính sách đã bao phủ tới từng thôn, từng bản ở vùng sâu, vùng xa, nhưng do thiếu nguồn lực trong thực hiện tín dụng ưu đãi cho người nghèo nên mức độ bao phủ vẫn chưa thật sự toàn diện. Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 - 2012 của Quốc hội cũng cho thấy, một trong những khó khăn trong công tác giảm nghèo là nguồn vốn vay hỗ trợ sản xuất từ Ngân hàng Chính sách xã hội dành cho hộ cận nghèo mới đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu vay, hạn chế khả năng thoát nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, do việc hỗ trợ mới chỉ dừng lại ở việc rót vốn mà chưa gắn kết tốt với chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách thức sản xuất kinh doanh, chưa kết nối sản xuất với thị trường hàng hóa… nên hiệu quả của việc sử dụng vốn không cao.

Theo Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi, để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2015-2020, đến năm 2020 tỷ lệ nghèo bình quân trong cả nước giảm ít nhất 1,5%/năm, đối với các huyện nghèo là 4%/năm, cần tập trung nguồn lực cho giảm nghèo vào các nhiệm vụ trọng tâm, tránh dàn trải, manh mún. Đồng thời cần điều chỉnh mức vay, lãi suất, thời hạn vay theo hướng linh hoạt hơn. Bên cạnh đó phải có sự gắn kết việc cho vay vốn với chuyển giao khoa học kỹ thuật, phương thức sản xuất để người nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo.

Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh: Để nguồn vốn vay thực sự đem lại hiệu quả cũng như tránh tâm lý ỷ lại của người nghèo thì chúng ta cần coi người nghèo là đối tác của chính sách giảm nghèo, chứ không phải là đối tượng hưởng chính sách một cách thụ động.

Dồn vốn cho vay người nghèo

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, dự kiến tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững trong 5 năm tới là khoảng 42.800 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư khoảng 30.000 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 12.800 tỷ đồng và chủ yếu là từ nguồn vốn ngân sách Trung ương. Tổng số vốn này sẽ được thực hiện ở 6 dự án: Hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các huyện nghèo và xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, ở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn; hỗ trợ sản xuất, tăng thu nhập, đa dạng hóa sinh kế, giảm nghèo dựa vào cộng đồng, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững; hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giảm nghèo về thông tin cơ sở; truyền thông, nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình.

Cũng theo Bộ LĐTB&XH, tỷ lệ hộ nghèo cả nước dự kiến dưới 5% vào cuối năm nay. Tuy nhiên, nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt còn trên 60% - 70%, tập trung ở những vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, khu vực bãi ngang, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, những nơi này giảm nghèo chưa bền vững và nguy cơ tái nghèo cao.

Do vậy, mục tiêu tổng quát của chương trình giảm nghèo giai đoạn mới là đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tại các địa bàn nghèo tiếp cận một cách tốt nhất đến các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin), góp phần giảm số hộ nghèo bình quân cả nước từ 1% - 1,5%/năm theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020, trong đó số hộ nghèo trên địa bàn các huyện, xã nghèo giảm bình quân trên 4%/năm.

Nam Phương