Chính phủ làm gì để ngăn chặn tham nhũng và nạn cán bộ lạm quyền trong thi hành công vụ?
Chính trị - Ngày đăng : 10:16, 06/05/2016
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng cùng lãnh đạo các bộ, ngành chủ trì phiên họp báo diễn ra chiều tối ngày 5/5
Xây dựng Chính phủ liêm chính
Tại phiên họp Chính phủ mới đầu tiên sau khi được kiện toàn cũng như trả lời phỏng vấn trên báo chí, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều thành viên Chính phủ đã nêu cao quyết tâm cải cách hành chính, quyết liệt chống tham nhũng, lãng phí. Tuy nhiên, từ kết quả khảo sát chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2015 do Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) công bố, dư luận tiếp tục lo ngại về thực trạng tham nhũng, hối lộ vẫn phổ biến và có chiều hướng gia tăng trong khu vực công. Liên quan vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết chương trình hành động để hiện thực hóa quyết tâm ngăn chặn tình trạng tham nhũng của Chính phủ như sau:
Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã khẳng định quyết tâm phòng chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng Chính phủ liêm chính. Chính phủ kiên quyết, kiên trì và tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình hành động phòng chống tham nhũng (PCTN) đã đề ra với phương châm “nói đi đôi với làm và làm thực chất từ những việc nhỏ nhất”.
Thủ tướng Chính phủ đã vừa ban hành Chỉ thị tăng cường công tác phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng. Trong năm 2016, Chính phủ sẽ rà soát, đôn đốc việc thực hiện, tập trung hoàn thành các nhiệm vụ về PCTN giai đoạn 2012-2016 đã được đề ra trong Chương trình hành động của Chính phủ, trong đó tập trung vào các giải pháp hoàn thiện thể chế chính sách PCTN và quản lý kinh tế - xã hội, nhất là tăng cường công khai, minh bạch; chú trọng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, điều tra; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng thực thi công vụ, phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng; tăng cường phát hiện, xử lý nghiêm minh hành vi tham nhũng, kiên quyết thu hồi tài sản tham nhũng; đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về phòng chống tham nhũng; mở rộng việc tiếp nhận thông tin, khuyến khích phát hiện tham nhũng, bảo vệ người tố cáo đồng thời xử lý nghiêm hành vi lợi dụng vu khống; làm tốt công tác tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật PCTN để trình Quốc hội sửa đổi toàn diện Luật PCTN.
Chính phủ cũng như từng thành viên Chính phủ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động một cách thường xuyên, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, khắc phục những hạn chế, yếu kém, xử lý nghiêm vi phạm.
Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ trong công tác PCTN, đồng thời kiến nghị các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các cơ quan báo chí, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp cùng toàn thể nhân dân tham gia, đồng hành cùng Chính phủ trong công tác PCTN cũng như theo dõi, giám sát, phản biện, đóng góp ý kiến giúp Chính phủ thực hiện thành công Chương trình hành động PCTN đã đề ra.
Kiên quyết xử lý những cán bộ, công chức lạm quyền
Từ một số vụ việc gây bức xúc dư luận vừa qua như vụ ông Nguyễn Văn Tấn, chủ quán cafe “Xin Chào”, bị Công an và Viện Kiểm sát nhân dân huyện Bình Chánh, TP HCM khởi tố, đề nghị truy tố về hành vi vi phạm hành chính; bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc, chuyên "chống cát tặc" tại Đồng Nai bị nhân viên bảo vệ rừng đánh và bị công an bắt tạm giam, báo chí dư luận đặt vấn đề về việc lạm quyền trong thi hành công vụ của một bộ phận cán bộ công quyền ở địa phương. Người phát ngôn Chính phủ cho biết quan điểm của Chính phủ về vấn đề này và giải pháp mạnh mẽ gì để ngăn ngừa những sự việc như trên:
Ngay sau khi nhận được thông tin báo chí phản ánh về việc ông Nguyễn Văn Tấn, chủ quán cà phê “Xin Chào” bị khởi tố, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp chỉ đạo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh khẩn trương kiểm tra, làm rõ vụ việc, đồng thời Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo công an và đề nghị Viện trưởng Viện KSND tối cao chỉ đạo kiểm tra thông tin liên quan đến việc xử lý hình sự về hành vi kinh doanh trái phép đối với ông Nguyễn Văn Tấn (C/v số 2754/VPCP-V.I ngày 22/4/2016 của Văn phòng Chính phủ).
Ngày 23/4/2016, đồng chí Viện trưởng Viện KSNDTC có văn bản số 48/BC-VKSTC kết luận, chỉ đạo giải quyết vụ án:
- Hành vi của ông Nguyễn Văn Tấn không phạm tội kinh doanh trái phép; Viện KSND huyện Bình Chánh ra ngay quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với ông Tấn và công khai xin lỗi, bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định.
- Ngày 23/4/2016, Viện trưởng Viện KSNDTP Hồ Chí Minh đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Lê Thanh Tòng, Phó Viện trưởng Viện KSND Quận 6 (nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Bình Chánh) và Kiểm sát viên Hồ Văn Son, những người trực tiếp tiến hành tố tụng vụ án này.
- Viện KSNDTC có chỉ đạo thông báo rút kinh nghiệm trong toàn ngành.
- Bộ Công an đã chỉ đạo Công an TP HCM chủ động kiểm tra, đánh giá lại vụ án và khi Viện KSND có quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, Công an TP HCM đã có quyết định đình chỉ đối với cán bộ có liên quan, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định.
Về vụ việc liên quan đến bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc, trú tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Công an tỉnh Đồng Nai kiểm tra, làm rõ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ (C/v số 2761/VPCP-V.I ngày 22/4/2016 của Văn phòng Chính phủ).
Những vụ việc gây bức xúc xảy ra thời gian vừa qua cho thấy, có một số cán bộ, công chức đã lạm quyền khi thực thi công vụ, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Mặt khác, cũng cho thấy tình trạng một số cán bộ, công chức, người có chức vụ, quyền hạn khi thi hành nhiệm vụ nhưng thoái hoá biến chất, tiêu cực hoặc hạn chế về trình độ, năng lực, xử lý công việc thiếu trách nhiệm, tùy tiện, vô nguyên tắc.
Quan điểm của Chính phủ là không hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự, hành chính; kiên quyết xử lý những người vi phạm, không né tránh, không bao che. Với tinh thần đó, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện ngay một số việc trọng tâm sau đây:
- Tăng cường giáo dục cán bộ, công chức thượng tôn pháp luật; chỉ được làm những gì pháp luật cho phép, không ngừng nâng cao chất lượng thực thi công vụ và tinh thần phục vụ.
- Khẩn trương rà soát các chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực, nhất là những chính sách ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân, môi trường đầu tư kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực thi công vụ, việc chấp hành pháp luật, chấp hành các quy tắc ứng xử và quy tắc, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
- Phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, của báo chí và nhân dân.