Chế tạo trong nước nhiều thiết bị nhà máy nhiệt điện

Đời sống - Ngày đăng : 21:04, 23/07/2015

Qua gần 3 năm thực hiện QĐ số 1791/QĐ-TTg ngày 29/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế thực hiện thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện, các DN cơ khí đã thực hiện chế tạo nhiều thiết bị trong các nhà máy nhiệt điện.

Trong đó, Viện Nghiên cứu cơ khí NARIME đã hoàn thành thiết kế, cung cấp thiết bị, lắp đặt được Hệ thống lọc bụi tĩnh điện (ESP), Hệ thống cung cấp than (CHS), Hệ thống thải tro, xỉ (AHS). Có thiết bị nhiều doanh nghiệp đã sản xuất được, ngoài NARIME, Công ty tư vấn xây dựng điện 2, LILAMA chế tạo được Hệ thống lọc bụi tĩnh điện.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cơ khí đã tổ chức lại sản xuất, nâng cao trình độ, năng lực nguồn nhân lực và thiết bị với công nghệ hiện đại để có thể thực hiện công tác nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị điện đáp ứng yêu cầu về chất lượng, giá cạnh tranh; điển hình Tổng công ty CP Thiết bị điện Đông Anh (EEMC) đã đầu tư xây dựng nhà xưởng và nhiều máy móc thiết bị để thực hiện thiết kế, chế tạo các máy biến áp lực điện áp 500 kV, công suất lên đến 700 MVA.

Đồng thời, chủ đầu tư của các dự án điện đã thay đổi nhận thức, mạnh dạn giao cho các nhà thầu trong nước thực hiện thiết kế, chế tạo một số thiết bị trong các nhà máy nhiệt điện. Các Tổng thầu EPC, trong đó có nhiều nhà thầu nước ngoài, cũng đã giao các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam thực hiện các gói thầu chế tạo thiết bị theo hình thức nhà thầu phụ; đã thực hiện các hình thức Tổng thầu EPC mới, trong đó có sự tham gia của các nhà thầu Việt Nam, như tại các dự án Vĩnh Tân 4, Sông Hậu 1, Long Phú 1, góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa, góp phần mang lại hiệu quả chung của các dự án.

Đánh giá toàn diện, cụ thể kết quả thực hiện Quyết định 1791

Việt Nam đang tham gia hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, đem lại nhiều cơ hội nhưng cũng không ít những thách thức. Trong lĩnh vực chế tạo cơ khí, nếu không có sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước và cố gắng của bản thân các doanh nghiệp cơ khí trong nước, thì ngành cơ khí không những khó phát triển mà còn có thể để mất thị trường ngay trên sân nhà.

Để đảm bảo sự thành công của Chương trình thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì tổ chức đoàn công tác, mời các chuyên gia cơ khí có kinh nghiệm thuộc Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, đi khảo sát thực tế, rà soát đánh giá cụ thể, chi tiết năng lực của các doanh nghiệp cơ khí để tổng hợp khả năng tham gia chế tạo các hạng mục thiết bị trong các nhà máy nhiệt điện; đề xuất việc đầu tư bổ sung, nâng cấp các máy móc, thiết bị, phòng thí nghiệm và đào tạo thêm nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu.

Bên cạnh đó, thực hiện đánh giá toàn diện, cụ thể kết quả thực hiện Quyết định 1791, báo cáo Thường trực Chính phủ trong tháng 8 năm 2015.
Trên cơ sở kết quả điều tra, đánh giá, đề xuất bổ sung các thiết bị có thể thiết kế, chế tạo trong nước ở nhà máy nhiệt điện; bổ sung các doanh nghiệp cơ khí khác có năng lực và các dự án nhà máy nhiệt điện dự kiến thực hiện thí điểm. Thực hiện các thủ tục theo quy định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung, điều chỉnh Quyết định 1791.

Bộ Công Thương phối hợp với các Tập đoàn, doanh nghiệp đề xuất dự án thực hiện theo các gói thầu riêng lẻ, không theo hình thức Tổng thầu EPC. Đề xuất cơ chế, trong đó có cơ chế thuê tư vấn nước ngoài để hỗ trợ chủ đầu tư thiết kế và tổ chức quản lý dự án chịu trách nhiệm về giao diện kết nối giữa các thiết bị.

Thái Ninh