Doanh nghiệp - Doanh nhân

Giữa bối cảnh khó khăn, doanh nghiệp Thanh Hóa mong chờ điều gì?

Thanh Phương 05/10/2023 18:28

Cộng đồng doanh nghiệp đang phải “gồng mình” đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thanh Hóa Cao Tiến Đoan phải thốt lên “Chưa bao giờ doanh nghiệp khó khăn như lúc này”. Cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực sớm tháo gỡ, đồng hành để doanh nghiệp phát triển.

Khó khăn, thử thách bủa vây doanh nghiệp!

Trong báo cáo 9 tháng đầu năm 2023, cho thấy hoạt động của một bộ phận doanh nghiệp còn gặp khó khăn, số doanh nghiệp tại Thanh Hóa tái gia nhập thị trường giảm 30,3%; số doanh nghiệp thông báo giải thể tăng 57,3%, số doanh nghiệp thành lập mới giảm 20% so với cùng kỳ. Kết quả thu hút đầu tư vẫn còn nhiều hạn chế; chưa thu hút được nhiều dự án quy mô lớn, các dự án công nghệ cao, hiện đại... Tiến độ triển khai thực hiện nhiều dự án lớn, trọng điểm chưa đảm bảo theo yêu cầu.

maymac.jpg
Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động do thiếu đơn hàng

Bắt đầu từ năm 2022, các doanh nghiệp trong tỉnh đã cắt giảm hàng chục nghìn lao động phổ thông. Trong đó, tỷ lệ lao động bị cắt giảm thuộc ngành dệt may, da giày chiếm 65,32%; ngành sản xuất sản phẩm gỗ, tre, hóa chất, nhựa chiếm 34,68%. Đa số các doanh nghiệp phải cắt giảm lao động thuộc nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp dân doanh. Các doanh nghiệp bị giảm đơn hàng không tổ chức làm thêm giờ, thu nhập của người lao động giảm từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng/tháng so với trước.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thanh Hóa Cao Tiến Đoan cho biết: Những đợt sóng khó khăn cứ liên tục kéo đến bào mòn sức khỏe, nguồn lực của doanh nghiệp. Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp vừa bắt đầu phục hồi, thì ngay lập tức phải đóng cửa, do vướng những quy định mới phát sinh về phòng cháy chữa cháy (PCCC) có nhiều bất cập.

ongcaotiendoan.jpg
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thanh Hóa Cao Tiến Đoan kiến nghị nhiều vấn đề của doanh nghiệp

Một số doanh nghiệp đã cố gắng khắc phục được công tác PCCC để trở lại sản xuất kinh doanh bình thường thì tiếp tục gặp các sự cố mất điện đột ngột và liên tục. Tiếp đó, do tình hình kinh tế - chính trị thế giới diễn biến phức tạp, lạm phát tăng cao, nguyên vật liệu đầu vào khan hiếm, giá cả thị trường tăng vọt, không ổn định; đơn hàng sụt giảm do tổng cầu thế giới và trong nước suy yếu…

Về cải cách hành chính của các cơ quan quản lý Nhà nước, thời gian qua xuất hiện tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức có dấu hiệu né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền đã đẩy doanh nghiệp lâm vào tình cảnh ngày càng khó khăn hơn.

doanhnghiephoptac.jpg
Doanh nghiệp Thanh Hóa tìm kiếm cơ hội hợp tác với doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh

Những cơn sóng khó khăn dồn dập như vậy đã khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, không ít các đơn vị phải cắt giảm nhân sự, giảm giờ làm việc. Thậm chí, có doanh nghiệp lựa chọn phương án án binh bất động, không hoạt động sản xuất kinh doanh dẫn đến người lao động mất việc làm, giảm nguồn thu ngân sách.

Chính phủ, các bộ, ngành thời gian qua đã thiết kế không ít các chính sách, gói hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp nhưng đi kèm với đó là quá nhiều rào cản, nhiều thủ tục, bất cập so với thực tế. Chính vì vậy mà chính sách chưa đi vào cuộc sống, doanh nghiệp chưa được tiếp cận với nguồn vốn vay hỗ trợ.

Bên cạnh đó, các chủ đầu tư, chính quyền địa phương chậm triển khai giải phóng mặt bằng sạch dẫn tới nhà đầu tư phải chờ hoặc chuyển sang đầu tư theo giai đoạn. Không ít các dự án đã phải điều chỉnh lại mặt bằng, mức đầu tư hay vướng các thủ tục pháp lý do các quy định của nhiều điều khoản luật thay đổi. Dẫn tới dự án kéo dài, đánh mất thời cơ của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp xứ Thanh chờ đợi điều gì?

Nhìn vào thực tế, theo công bố của VCCI năm 2022, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh còn thấp, đứng thứ 47 trên cả nước. Điều này phản ánh sự xung đột khi môi trường đầu tư của tỉnh là điểm đến rất hấp dẫn, nhưng nhiều doanh nghiệp chưa hài lòng trong khâu cải cách hành chính.

doanghiepnuth.jpg
Doanh nghiệp xứ Thanh nỗ lực trong thời kỳ khó khăn, thử thách

“Theo tôi, từ Trung ương đến địa phương cần phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Cắt giảm tối đa các thủ tục rườm rà, mất thời gian để minh bạch hóa, rõ ràng, tránh tình trạng chung chung. Chính quyền phải thực sự hành động, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp. Những cán bộ năng lực kém, sợ sai, sợ trách nhiệm, không chịu làm việc thì cần thuyên chuyển, điều sang vị trí khác, thậm chí cho nghỉ việc. Khi có vấn đề phát sinh thì cùng với doanh nghiệp, người dân tìm cách giải quyết, tháo gỡ nhanh nhất”, ông Đoan nói.

Chính quyền tỉnh Thanh Hóa cần sớm có giải pháp xóa bỏ nỗi sợ trách nhiệm đang lan tràn trong bộ máy công quyền. Sớm ban hành và thực thi văn bản bảo vệ, động viên, khích lệ người có tinh thần trách nhiệm, dám xả thân, đóng góp trí tuệ, sức lực cho công việc. Từ đó khích lệ các doanh nhân dám nghĩ, dám làm, dám cống hiến hết mình, tạo ra những giá trị mới cho xã hội. Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh cần rà soát, xem xét không nên bố trí những cán bộ có hành vi né tránh công việc, nhũng nhiễu, hay... đánh võng, đùn đẩy công việc cho người khác, đơn vị khác vào các vị trí đầu mối trong giải quyết công việc.

hopthuongky.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn chỉ đạo tháo gỡ các điểm nghẽn cho người dân, doanh nghiệp

Về vấn đề vốn, cơ quan chức năng cần sớm nới lỏng các điều kiện, hàng rào để doanh nghiệp tiếp cận được với các gói tín dụng ưu đãi. Doanh nghiệp luôn trong tình trạng khát vốn để đầu tư, ngân hàng thì tồn tiền mặt nhưng hai bên không thể gặp nhau thì phải tìm ra giải pháp. Các Hội sở của ngân hàng thương mại cần ủy quyền cho các chi nhánh ngân hàng tuyến tỉnh thẩm tra, đánh giá tính khả thi của dự án để thẩm định rót vốn đầu tư. Chứ không khư khư ngồi chờ các quy định của cấp trên.

Hiện nay nhiều quy định của luật chồng chéo, không phù hợp với thực tế dẫn tới doanh nghiệp khó lòng đáp ứng được tất cả các điều kiện trong một khoảng thời gian ngắn. Đơn cử như PCCC thì cần có thời gian chuyển tiếp thực hiện quy định mới với các đơn vị đã xây dựng, sản xuất từ trước. Cần có lộ trình, hướng dẫn cụ thể để vừa sản xuất kinh doanh, vừa xây dựng, khắc phục các hạng mục công trình về PCCC.

Đối với các doanh nghiệp xây lắp, cơ quan quản lý phải thống nhất về giá vật liệu xây dựng. Khảo sát, cấp mỏ cho đảm bảo nhu cầu sử dụng của địa phương và các dự án trọng điểm quốc gia qua địa bàn tránh tình trạng khan hiếm vật liệu cục bộ. Điều nay dẫn tới giá công bố một đường nhưng giá bán thực tế lại trên trời. Không ít các đơn vị phải “hợp thức” hóa đơn, chứng từ do vênh nhau quá nhiều về giá.

Trong tình hình kinh tế suy thoái, nhiều khó khăn bủa vây cùng 1 lúc, đối với các doanh nghiệp kinh doanh, dịch vụ cần hạn chế thanh, kiểm tra, nhất là các cuộc thanh, kiểm tra chuyên ngành. Trường hợp phải triển khai thì gộp các đoàn kiểm tra lại 1 lần để doanh nghiệp đỡ mất thời gian.

Tại phiên họp tháng 9/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Trước những khó khăn, thách thức rất lớn, song kinh tế - xã hội của tỉnh trong 9 tháng năm 2023 vẫn đạt nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Điều này cho thấy sự nỗ lực, vào cuộc tích cực trong chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự đoàn kết, nỗ lực rất lớn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, những tháng cuối năm 2023, các cấp, các ngành cần phải tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, “điểm nghẽn” về mặt thể chế trong sản xuất, kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó là đẩy mạnh hoạt động đầu tư công với tinh thần, quyết tâm cao, tư duy mới.

Thanh Phương