Chất lượng xét xử các loại án được chú trọng nâng cao
Nội dung đáng chú ý trên được các đại biểu khẳng định tại phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 18/9.
Chất lượng giải quyết, xét xử các loại án được chú trọng nâng cao
Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sáng nay, các đại biểu đã cho ý kiến báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước và báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 (trong đó có nội dung kết quả thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí).
Theo Phó Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần, về lĩnh vực Tòa án, các nội dung yêu cầu cơ bản đã được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, trong đó: Công tác xây dựng pháp luật, tổng kết thực tiễn xét xử, phát triển án lệ, hướng dẫn và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật được chú trọng và đạt nhiều kết quả tích cực. “Chất lượng công tác giải quyết, xét xử các loại án được chú trọng nâng cao; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án đạt chỉ tiêu theo yêu cầu. Việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đã có chuyển biến tích cực. Việc thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên được quan tâm thực hiện”, bà Ngần nhìn nhận.
Cho ý kiến về lĩnh vực Tòa án bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng đặc biệt nhấn mạnh, ngành Tòa án “đã thực hiện nghiêm túc, đầy đủ” các nghị quyết về chất vấn và nghị quyết chuyên đề của quốc hội. Trong đó, nổi bật là “Chất lượng công tác giải quyết, xét xử các loại án được chú trọng nâng cao; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án đạt chỉ tiêu theo yêu cầu”.
Phát hiện, xử lý tham nhũng có bước đột phá mạnh mẽ
Về lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp, Phó Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, các nội dung yêu cầu cơ bản đã được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, trong đó: quy trình xây dựng luật, pháp lệnh được chuẩn bị chặt chẽ, kỹ lưỡng, có chất lượng. Công tác thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật cơ bản bảo đảm tiến độ, chất lượng. Việc ban hành văn bản quy định chi tiết đã được quan tâm.
Về lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, các nội dung yêu cầu cơ bản đã được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, trong đó: Công tác công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật được triển khai quyết liệt; kéo giảm một số loại tội phạm. Công tác giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố từng bước đi vào nền nếp. Việc điều tra, xử lý tội phạm được thực hiện nghiêm túc, có chất lượng. Thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân được củng cố.
Đặc biệt, báo cáo nêu rõ: "Nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng được đẩy mạnh với các hình thức đa dạng, phù hợp, việc phát hiện, xử lý tham nhũng có bước đột phá mạnh mẽ. Công tác thanh tra tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được đẩy mạnh”.