Sở hữu trí tuệ hỗ trợ tích cực hoạt động nghiên cứu

Đời sống - Ngày đăng : 19:07, 11/04/2015

Đây là một trong những đánh giá về vai trò của sở hữu trí tuệ nói chung được đưa ra tại buổi Tọa đàm “Sở hữu trí tuệ dành cho phóng viên” do Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức ngày 10/4.

Tọa đàm lần này là chương trình mở đầu cho chuỗi hoạt động chào mừng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2015.

Tại tọa đàm, ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đã nêu bật hoạt động cũng như vai trò của sở hữu trí tuệ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Một trong những vai trò đó chính là sự hỗ trợ tích cực, hiệu quả của sở hữu trí tuệ đối với hoạt động nghiên cứu.

Sở hữu trí tuệ hỗ trợ tích cực hoạt động nghiên cứu

Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ

Trước hết phải nói tới vai trò của thông tin sáng chế. Trong các dạng thông tin kỹ thuật được công bố, thông tin sáng chế là dạng thông tin kịp thời, đầy đủ và toàn diện nhất.

Chỉ có thể đánh giá một cách chính xác trình độ của bất kỳ lĩnh vực kỹ thuật nào đó nếu sử dụng các dữ liệu thông tin sáng chế. Trong bất kỳ trường hợp nào, nếu muốn xây dựng chiến lược nghiên cứu với mục tiêu là bắt kịp, từ đó vượt lên trình độ hiện có thì đều phải tiến hành phân tích dữ liệu thông tin sáng chế.

Nói cách khác, nếu thiếu hệ thống thông tin này, người làm công tác nghiên cứu, đổi mới công nghệ không thể nắm bắt chính xác trình độ công nghệ thuộc lĩnh vực mà mình quan tâm. Và kết quả là, người đó chỉ tạo ra được công nghệ ở trình độ thấp hoặc là bản sao chép hoặc lặp lại kết quả đã có trên thế giới.

Sở hữu trí tuệ hỗ trợ tích cực hoạt động nghiên cứu

Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ và ông Nguyễn Văn Bảy (phải), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo - Cục Sở hữu trí tuệ trả lời câu hỏi của báo chí

Hệ thống bảo hộ sáng chế được xây dựng trên một nguyên tắc quan trọng, đó là nguyên tắc công khai công nghệ. Theo nguyên tắc này, để được cấp bằng độc quyền sáng chế, người giữ độc quyền phải công bố nội dung công nghệ cho xã hội biết.

Việc công bố này, một mặt có ý nghĩa thông báo về việc công nghệ đã có chủ; mặt khác, thông báo về lời giải của một vấn đề kỹ thuật hoặc bài toán thực tiễn cần được giải quyết, để từ đó những người khác có thể dừng quá trình nghiên cứu, tìm kiếm lời giải hoặc chuyển sang nghiên cứu nhằm tìm ra giải pháp tốt hơn.

Cứ như vậy, mỗi khi có một độc quyền công nghệ được thiết lập, tri thức công nghệ của xã hội được đổi mới một bước. Đồng thời xã hội lại có thể tiết kiệm được công sức, thời gian và chi phí cho việc tìm kiếm những công nghệ đã có.

Cũng tại tọa đàm, lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ đã đánh giá cao vai trò của báo chí và truyền thông đối với hoạt động sở hữu trí tuệ; và bày tỏ hi vọng hai bên sẽ tiếp tục phố hợp chặt chẽ với nhau để trong việc tuyên truyền sâu rộng về sở hữu trí tuệ nhằm làm cho hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ thực sự đi vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội nước ta hiện nay.

Nhằm  lưu ý thế giới về vai trò, ý nghĩa của sở hữu trí tuệ, và nhằm kỷ niệm ngày ra đời của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới – WIPO (26/4/1970), cũng như khích lệ các thành quả của WIPO trong việc nỗ lực phát triển các hoạt động sở hữu trí tuệ toàn thế giới, tại cuộc họp lần thứ 26, tháng 10/1999, Đại hội đồng WIPO đã quyết định lấy ngày 26/4 hàng năm là “Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới”.

Theo đó, WIPO xác định mục tiêu của Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới là: Nâng cao nhận thức về ảnh hưởng của sáng chế, quyền tác giả, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp… tới cuộc sống thường nhật; Tăng cường hiểu biết về vai trò của việc bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ đối với việc thúc đẩy hoạt đọng sáng tạo và đổi mới; Tôn vinh hoạt động sáng tạo và những thành quả mà các nhà sáng chế đã đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu; Khuyến khích tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người khác.

 

Dương Cầm