Nâng cao vị trí, vai trò của MTTQ trong giám sát, phản biện xã hội
Sáng 16/8, UBTVQH cho ý kiến về dự thảo Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017 của UBTVQH, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.
Thực hiện 87.356 cuộc giám sát
Báo cáo kết quả thực hiên Nghị quyết 403, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam cho biết: 5 năm triển khai Nghị quyết 403 đã đạt được kết quả nhất định. Qua đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị và nhân dân về vị trí, vai trò, chức năng nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam được nâng lên, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị.
Các cấp uỷ đảng, chính quyền đã nhận thức đầy đủ, rõ ràng hơn về vị trí, vai trò giám sát, phản biện của MTTQ trong hệ thống chính trị, với vai trò là đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý sai phạm, khuyết điểm; kiến nghị sửa đổi, bổ sung'chính sách, pháp luật; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 403, công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức thành viên ngày càng đi vào chiều sâu, cụ thể hơn, chặt chẽ hơn, phát huy hiệu quả thiết thực, được cấp ủy, chính quyền ghi nhận, đánh giá cao.
Kết quả, ở trung ương, từ năm 2018 đến năm 2022, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tiến hành giám sát 5 nội dung thông qua hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân và chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam.
Ở các tỉnh, thành phố, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã tiến hành giám sát 60.463 cuộc trong đó MTTQ cấp tỉnh giám sát được 2.689 cuộc; MTTQ cấp huyện giám sát 11.638 cuộc và MTTQ cấp xã giám sát 46.136 cuộc bằng hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản thực hiện chính sách, pháp luật.
Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã tổ chức 87.356 đoàn giám sát trong đó MTTQ cấp tỉnh giám sát được 1.981 cuộc, MTTQ cấp huyện giám sát 13.213 cuộc và MTTQ cấp xã giám sát 72.162 cuộc. Nội dung giám sát được MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp lựa chọn gắn với các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, của tùng địa phương được Nhân dân quan tâm.
Qua Ban Thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn đã tổ chức được 144.462 cuộc giám sát tập trung vào các nội dung như: giám sát chính quyền thực hiện công tác chăm lo người nghèo, gia đình chính sách; giám sát việc thu, chi các loại quỹ vận động, các nguồn thu trong dân, giám sát công tác cải cách hành chính, trật tự xây dựng...
Nâng cao vị trí, vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội trong giám sát
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, đó là:
Một số cấp ủy chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị -xã hội. Việc triển khai thực hiện NQLT số 403 và các quy chế, quy định của Đảng về giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở một số địa phương chưa thường xuyên.
MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở một số địa phương nhất là cấp cơ sở còn lúng túng trong lựa chọn nội dung giám sát; chất lượng một số cuộc giám sát còn hạn chế, chưa đưa ra những kiến nghị cụ thể sau giám sát, chưa giám sát kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát...
Một số địa phương mới chú trọng hình thức giám sát theo đoàn và phối hợp giám sát; chưa quan tâm đến giám sát theo hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản; Việc giám sát còn hình thức…
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá, công tác giám sát đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng báo cáo đánh giá còn khá chung chung, đề nghị làm rõ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện. Trong 5 năm qua giám sát của MTTQ có chồng chéo với giám sát của UBTVQH hay không; sự phối hợp của MTTQ với các cơ quan thực hiện giám sát ra sao… cần có đánh giá rõ ràng hơn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đánh giá cao báo cáo của MTTQ Việt Nam về thực hiện nghị quyết. Báo cáo xây dựng công phu, kỹ lưỡng, có chắt lọc và dựa trên các báo cáo của UBTVQH và các báo cáo của Trung ương hội, của các tỉnh thành và khảo sát của MTTQ. Tuy nhiên, trong báo cáo còn thiếu vắng mảng thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm nổi bật vấn đề giám sát là nhiệm vụ cơ bản của MTTQ và là nhiệm vụ quan trọng của tổ chức thành viên trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết. Đây là nhiệm vụ của toàn dân nhưng cần có cơ quan đại diện thực hiện việc này là MTTQ, để từ đó đánh giá thái độ của các cơ quan hữu quan về việc này ra sao?
Trong phần đánh giá phải nêu được những kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế là do bản thân Nghị quyết hay do khâu thực hiện, để từ đó có kiến nghị bổ sung. Bên cạnh đó, cần có đánh giá việc thể chế các chủ trương của Đảng vào Nghị quyết; Chủ trương và kế hoạch thực hiện Nghị quyết của từng giai đoạn ra sao, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Phát biểu kết luận nội dung, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao tinh thần chủ động của MTTQ Việt Nam sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết để báo cáo UBTVQH.
Về nội dung, báo cáo khá đầy đủ về công tác giám sát từ trung ương đến địa phương; sự phối hợp của các đơn vị. Tuy nhiên, cần có báo cáo của Chính phủ về công tác này để hoàn thiện báo cáo.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của UBTVQH, xây dựng dự thảo Báo cáo chung của 3 cơ quan, nêu bật vai trò giám sát, phản biện của MTTQ trong thời gian qua; đánh giá nhận thức của các cơ quan đối với giám sát, phản biện xã hội trong việc tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Đồng thời, tiếp tục gửi xin ý kiến UBTVQH, Chính phủ bằng văn bản trước khi ký ban hành.