Ngành gỗ gần chạm đáy, nhiều tín hiệu khả quan hơn
Ngành gỗ đang có dấu hiệu gần chạm đáy sau thời gian dài giảm sâu do ảnh hưởng bởi kinh tế thế giới đi xuống. Hiện thị trường gỗ đang có nhiều dấu hiệu khả quan để phục hồi vào những tháng cuối năm
Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, trong quý II, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có xu hướng phục hồi so với quý trước, tuy nhiên so với cùng kỳ năm 2022 vẫn giảm đáng kể, đạt 3,2 tỷ USD, tăng 15,3% so với quý I, nhưng giảm 26,7% so với quý II/2022.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong nửa cuối năm 2023 vẫn chưa được cải thiện nhiều, khi kinh tế thế giới vẫn tiếp tục khó khăn, dù có dấu hiệu phục hồi nhưng chậm và không đồng đều ở các quốc gia, nhu cầu tiêu dùng vì thế cũng phục hồi chậm.
Tuy nhiên, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có tín hiệu khả quan hơn vào nửa cuối năm 2023, do tồn kho hàng hoá tại các khu vực lớn như châu Mỹ, đặc biệt là tại thị trường Mỹ đã giảm đáng kể trong thời gian qua và các nhà nhập khẩu đang có dấu hiệu đặt hàng trở lại. Xuất khẩu vào thị trường này tăng sẽ góp phần thúc đẩy ngành gỗ phục hồi trong thời gian tới.
Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp Hội Gỗ Và Lâm Sản Việt Nam cho rằng từ nay đến cuối năm các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn về đơn hàng, đặc biệt là thị trường Mỹ khi ngành bất động sản vẫn giảm sút sâu, trong khi sản phẩm gỗ ăn theo ngành bất động sản.
Thời gian qua, các doanh nghiệp phải chấp nhận làm đơn hàng nhỏ lẻ dù lợi nhuận không nhiều. Ngoài ra, các doanh nghiệp cố gắng tìm thị trường ngách như Dubai, Đức… và cả thị trường trong nước để có đơn hàng.
Tuy nhiên, ngành gỗ đang có dấu hiệu gần chạm đáy sau thời gian dài giảm sâu do ảnh hưởng bởi kinh tế thế giới đi xuống.
Về lâu dài, ngành gỗ cần tăng trưởng theo cả chiều sâu thay vì chiều rộng như hiện nay vì giá nhân công không còn rẻ, các thị trường cùng ngày càng khó tính hơn để hưởng lợi nhuận nhiều hơn, tránh tình trạng các doanh nghiệp làm rất nhiều, nhưng thu về không được bao nhiêu.