“Dòng sông kể chuyện”: Tái hiện dòng chảy lịch sử TP.HCM
Tối 6/8, tại Cảng Sài Gòn đã diễn ra chương trình nghệ thuật “Dòng sông kể chuyện”. Đây là điểm nhấn của Lễ hội sông nước TP.HCM lần thứ nhất năm 2023 do UBND TP.HCM chỉ đạo tổ chức.
Hơn 700 diễn viên, 6.000 khán giả
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và nhiều lãnh đạo của thành phố tham dự Chương trình.
Khoảng 6.000 khán giả là người dân, du khách trong và ngoài nước tham dự trực tiếp và trực tuyến.
“Dòng sông kể chuyện” là chương trình nghệ thuật tái hiện các giai đoạn chính trong lịch sử khai phá, hình thành và phát triển gắn với sông Sài Gòn, con sông của một trong những trung tâm kinh tế và văn hoá lớn nhất nước.
Chương trình được tổ chức trong một không gian độc đáo “trên bến” là Cảng Sài Gòn – thương cảng có tuổi đời hơn 160 năm với tầm nhìn hướng về trung tâm thành phố có các công trình ghi dấu ấn về sự phát triển thành phố hơn 300 năm qua như Cột Cờ Thủ Ngữ, Bến Bạch Đằng và các công trình hiện đại; “dưới thuyền” chính là mặt sông Sài Gòn - dòng sông gắn với lịch sử hình thành và phát triển của Sài Gòn - Gia Định - TP.HCM.
Với sự tham gia biểu diễn của hơn 700 diễn viên chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp, diễn viên quần chúng là cư dân đang sinh sống, làm việc và học tập tại TP.HCM, bà con các làng nghề tại Đồng bằng sông Cửu Long; 30 tàu nhà hàng, du thuyền, thuyền buồm, cano, thuyền gỗ, bus sông, tàu cao tốc… là các phương tiện đang kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn TP.HCM.
Đặc biệt, chương trình sử dụng những công nghệ biểu diễn và tương tác hiện đại bao gồm nghệ thuật chiếu sáng 3D trên toàn bộ phần sàn của bối cảnh trên bờ; hệ thống nhạc nước trên mặt sông; hệ thống ánh sáng được tính toán công phu và sử dụng hệ thống đèn lazer công suất lớn, chi tiết theo từng tiết mục; trình diễn flyboard kết hợp trình diễn drone show và pháo hoa.
Tái hiện lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP.HCM
“Dòng sông kể chuyện” đã tái hiện lại lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP.HCM qua 5 chương biểu diễn.
Khẩn hoang: Lấy cảm hứng từ câu chuyện khai khẩn vùng đất phương Nam và tinh thần đoàn kết của đồng bào các dân tộc để tái hiện không khí xây dựng cuộc sống mới đầy sôi nổi và truyền tải thông điệp về sự sinh sôi qua ngôn ngữ múa đậm sắc dân gian với cây lúa - cây lương thực chính, biểu tượng của sức sống, là vòng tuần hoàn của thời gian trong mỗi khắc chuyển mùa.
Xây thành: Đưa khán giả ngược dòng thời gian về với những dân phu dựng nên thành Gia Định – tòa thành được xây bằng đá ong Biên Hòa, giúp giữ vững an ninh vùng Gia Định.
Trên bến dưới thuyền: Tái hiện nhịp sống và hình ảnh thân quen của các làng nghề truyền thống nổi tiếng ở xứ Sài Gòn - Gia Định xưa: làng mắm, làng rèn, làng dệt chiếu, làng đóng ghe thuyền và cả những sản phẩm gốm Cây Mai tinh xảo, nức tiếng một thời…
Thương cảng phồn vinh: Với bến cảng thương mại sôi động hàng đầu Đông Dương thời bấy giờ, những con tàu cập bến, đưa những thương nhân, du khách đến trao đổi hàng hóa, giao thương buôn bán với người dân bản địa.
Rực rỡ thành phố bên sông: Khắc họa một TP.HCM trẻ trung, năng động, đổi mới, sáng tạo, hội nhập và luôn ngập tràn tình yêu thương.
Lời chào của TP.HCM
Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, lịch sử hình thành của Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định – TP.HCM trong hơn 300 năm qua có dấu ấn đậm nét của những dòng sông.
Dòng sông đã ôm trọn thành phố suốt chiều dài lịch sử từ khởi thủy đến văn minh. Những ngày đầu khẩn hoang, cha ông ta đã đi dọc theo sông mà lập thành Bến Nghé; tàu thuyền giao thương, buôn bán mà có Bến Bạch Đằng, Bến Bình Đông; hệ thống kênh rạch nối từ sông ra biển uốn quanh thành phố tạo nên các vùng Thủ Đức, Hóc Môn, Gò Vấp, Nhà Bè và các bán đảo Thủ Thiêm, Thanh Đa; kênh Tàu Hủ - Bến Nghé nối thành phố về miền Tây Nam Bộ; là nơi trung chuyển lúa gạo, nông sản của Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo sông mà đến, nương sông mà ở, nhờ sông mà phát triển. Từ quá khứ đến hiện tại và tương lai, khát vọng về một thành phố đậm chất “từ bước chân lưu dân đến đô thị thông minh” vẫn không ngừng lưu chuyển trong huyết quản của người dân vùng đất này.
"Có thể nói, sông và kênh rạch không chỉ góp phần kiến tạo dáng hình, diện mạo của Sài Gòn - Gia Định - TP.HCM mà còn mang theo dòng chảy sự đa dạng về văn hóa để hợp lưu và tiếp biến thành bản sắc văn hóa Nam Bộ, hình thành tính cách hào sảng, phóng khoáng, cởi mở, lạc quan, khát khao vươn ra biển lớn của người dân TP.HCM. Đến hôm nay, với những cơ hội mới, dòng chảy lịch sử sẽ tiếp tục ghi dấu bước chuyển mình trong chiến lược phát triển thành phố bên sông" ông Mãi nói.
Ông Mãi nhấn mạnh, chương trình nghệ thuật “Dòng sông kể chuyện” ngay tại Cảng Sài Gòn, bên dòng sông Sài Gòn như một bản tổng phổ về thiên nhiên, con người của vùng đất được dòng sông dáng cung đàn ôm trọn vào lòng; như một lời tri ân các bậc tiền hiền đã khai hoang mở cõi, lớp lớp cư dân đã đến ngụ cư, lao động, đấu tranh để kiến tạo, trao truyền những di sản của dòng sông cho các thế hệ mai sau.
"Chương trình cũng là lời chào của TP.HCM, một đô thị sông nước hiền hòa, sống động, trẻ trung, cởi mở và không ngừng sáng tạo, hướng tới tương lai; là thông điệp của thành phố anh hùng, giàu nội lực, bản lĩnh và sẵn sàng hợp tác để cùng bạn bè năm châu tìm hướng phát triển kinh tế dịch vụ trên sông, ven sông, khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế từ tài nguyên sông, biển", Chủ tịch UBND TP.HCM bày tỏ.